Hà Linh
Đến dự có nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu; nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh; Ủy viên Bộ Chính trị: Trương Tấn Sang, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Phạm Thế Duyệt...
![]() |
Ông Trương Tấn Sang phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: vnn. |
Sau bản báo cáo của nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội, ông Trương Tấn Sang đã phát biểu, khẳng định những đóng góp to lớn của Hội Nhà văn và sứ mệnh cao cả của văn học: "Sáng tạo văn học nghệ thuật là một công việc cao quý, tinh tế, thầm lặng và phức tạp, đòi hỏi một lao động nghệ thuật tổng hợp, dựa trên sự am tường sâu sắc cuộc đời và con người và dựa trên tài năng cá nhân. Nhưng trước tiên, nó phải là tầm nhìn, cái nhìn, cách nhìn cuộc đời, con người, thế giới. Các nhà văn là những người luôn có khát vọng tìm tòi, đổi mới, ham muốn tìm hiểu cái hay, cái đẹp của nhiều cách viết, nhiều nền văn học nhưng không bao giờ được quên mình đang đứng ở đâu, đang viết cho ai, đang nhìn cuộc đời này, thế giới này bằng đôi mắt trí tuệ và tâm hồn VN".
Đến nay, Hội đã có hai nhà văn được tặng Huân chương Sao Vàng, 25 nhà văn được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh; 95 nhà văn được tặng Giải thưởng Nhà nước; 15 nhà văn được nhận giải thưởng quốc tế và khu vực.
Dù ngồi xe lăn và phải có người bế mỗi khi lên xuống cầu thang nhưng Hoàng Cầm vẫn có mặt tại buổi lễ. Cà vạt đỏ, giày thể thao, ở ông vẫn toát lên phong thái của một hoàng tử đa tình với những bài thơ một thời phiêu diêu và mơ mộng. Ông cho biết: "Hôm nay, con cháu đưa tôi đến đây. Đi để gặp gỡ bạn bè cho vui, nằm mãi một chỗ cũng buồn".
Nhân dịp này, Hội Nhà văn xuất bản ba kỷ yếu, trong đó có Nhà văn Việt Nam hiện đại. Cuốn sách được dùng làm quà tặng tại buổi lễ. Đây là công trình tập hợp và giới thiệu tiểu sử của những nhà văn hiện đại Việt Nam. Nhưng chỉ mới lật giở sơ qua, người đọc đã dễ dàng nhận ra hai sơ suất nhỏ.
Trong phần I, Các nhà văn mất trước khi thành lập Hội, không hiểu vì lý do gì, nhà văn Vũ Bằng được liệt kê đầu tiên, sau đó là Nam Cao, Trần Đăng... Trong khi, Vũ Bằng mất năm 1984 còn Hội thành lập năm 1957.
Độc giả yêu văn chương hầu như đều biết tới bút danh nổi tiếng của nhà thơ Thế Lữ. Ông nói lái tên thật của mình Thứ Lễ. Nhưng sách Nhà văn Việt Nam hiện đại vẫn ghi rõ: Họ và tên khai sinh của ông là Nguyễn Thế Lữ.
"Nếu là một công trình khác, đây sẽ là những lỗi rất nhỏ. Nhưng với một cuốn sách chỉ có mỗi một nhiệm vụ là trình bày tiểu sử, những chi tiết như thế nên được chuẩn hóa", một độc giả tên Lam Thủy góp ý.