Thứ sáu, 1/3/2019, 23:00 (GMT+7)

Thế khó của Tổng thống Hàn Quốc sau thượng đỉnh Trump - Kim

Việc Trump và Kim Jong-un không đạt được thỏa thuận tại hội nghị thượng đỉnh khiến Tổng thống Moon mất cơ hội nâng cao tỷ lệ ủng hộ. 

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in phát biểu vào ngày 1/3 tại thủ đô Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap. 

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in phát biểu vào ngày 1/3 tại thủ đô Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap

Trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un gặp nhau ở Hà Nội ngày 27-28/2, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã vô cùng kỳ vọng về một kết quả đột phá. Lãnh đạo Hàn Quốc thậm chí đã lên kế hoạch phát biểu trên truyền hình vào hôm nay để trình bày tương lai hợp tác kinh tế giữa hai miền Triều Tiên vì cho rằng Washington và Bình Nhưỡng sẽ đạt được thỏa thuận giúp gỡ bỏ những hạn chế đối với các doanh nghiệp liên Triều, theo New York Times.

Tuy nhiên, kế hoạch của Tổng thống Moon đổ vỡ vào giây phút Trump và Kim Jong-un bất ngờ kết thúc hội nghị sớm hơn dự kiến mà không đạt được bất cứ thỏa thuận nào. Tổng thống Mỹ cho rằng nguyên nhân là do Bình Nhưỡng yêu cầu Washington "gỡ bỏ toàn bộ lệnh cấm vận" để đổi lấy việc phá dỡ tổ hợp hạt nhân Yongbyon. Trong khi đó, Ngoại trưởng Triều Tiên khẳng định họ chỉ muốn được gỡ bỏ 5 trên tổng số 11 lệnh trừng phạt đang ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế và cuộc sống của dân thường.

Cộng đồng quốc tế tin rằng tổ hợp hạt nhân Yongbyon, nơi sản xuất plutonium và uranium dùng để chế tạo bom hạt nhân, không phải là cơ sở hạt nhân duy nhất của Triều Tiên. Việc phá dỡ cơ sở Yongbyon không ảnh hưởng đến số đầu đạn hạt nhân, tên lửa tầm xa và các vật liệu phân hạch dùng cho bom nguyên tử trong kho của Bình Nhưỡng. 

"Thật đáng tiếc Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim Jong-un không thể đạt được một thỏa thuận toàn diện ngày hôm nay", Kim Eui-kyeom, phát ngôn viên của Tổng thống Hàn Quốc, phát biểu ngay sau khi hội nghị tại Hà Nội kết thúc. Dẫu vậy, Nhà Xanh không dễ dàng từ bỏ hy vọng. "Chúng tôi tin rằng trải qua những giờ tham vấn sâu, lãnh đạo hai nước đều đã hiểu rộng và kỹ hơn điều mà phía bên kia muốn". 

Theo văn phòng Tổng thống Hàn Quốc, trên đường bay từ Hà Nội về Washington, ông Trump đã điện đàm với người đồng cấp Hàn Quốc và đề nghị ông Moon tiếp tục đóng vai trò hòa giải giữa Mỹ và Triều Tiên.

Ông Moon là người giúp xoay chuyển mối quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên. Năm 2017 chứng kiến màn "đấu khẩu nảy lửa" giữa Trump và Kim. Hai lãnh đạo không tiếc lời thóa mạ và đe dọa lẫn nhau, khiến căng thẳng leo thang đến mức nhiều chuyên gia lo ngại về khả năng xảy ra xung đột quân sự. 

Tuy nhiên, nhờ hàng loạt nỗ lực "phá băng" của Tổng thống Moon Jae-in, Triều Tiên đồng ý tham dự Thế vận hội Mùa đông PyeongChang tháng 2/2018. Một tháng sau đó, trở về sau chuyến đi tới Bình Nhưỡng, phái đoàn cấp cao của Hàn Quốc thông báo tại Washington rằng lãnh đạo Kim Jong-un mời Tổng thống Trump gặp thượng đỉnh. Lời mời này có tính chất lịch sử trong mối quan hệ Mỹ - Triều vì chưa từng có một tổng thống Mỹ đương nhiệm nào đồng ý ngồi vào bàn thương lượng mặt đối mặt với lãnh đạo Triều Tiên.

Kết quả không thành công của hội nghị thượng đỉnh tại Hà Nội có thể tác động tiêu cực đến hình ảnh của Tổng thống Moon Jae-in, đặc biệt trong bối cảnh điểm tín nhiệm của ông đang xuống thấp do các vấn đề kinh tế.

Sau khi nhậm chức vào tháng 5/2017, ông Moon bắt đầu thực hiện thay đổi lớn trong chính sách kinh tế, tăng thuế đánh vào doanh nghiệp và những người thu nhập cao để có nguồn thu tăng lương và giảm giờ làm cho người lao động và chi mạnh hơn cho phúc lợi xã hội. Mức lương tối thiểu ở Hàn Quốc năm 2019 đã tăng 11% và Tổng thống Moon cam kết tiếp tục tăng lương tối thiểu lên 10.000 won (8,9 USD) mỗi giờ, tương đương với mức tăng thêm 20% nữa. 

Vấn đề là ở chỗ chính sách này tạo áp lực lớn lên các doanh nghiệp nhỏ. Theo một khảo sát năm 2017 của tổ chức các doanh nghiệp quy mô nhỏ của Hàn Quốc, 42% cho biết họ buộc phải sa thải bớt nhân viên do tác động của việc tăng lương tối thiểu. Ngược lại, các nghiệp đoàn lại cho rằng tốc độ tăng lương tối thiểu vẫn chậm và họ phản đối đề xuất cho phép cách doanh nghiệp linh hoạt áp dụng quy định về số giờ làm tối đa của người lao động. 

Hồi tháng 11, khoảng 160.000 công nhân tổ chức đình công phản đối chính quyền của ông Moon. Tỷ lệ tín nhiệm của Tổng thống Hàn Quốc lao dốc từ 84% vào giữa năm 2017 xuống còn 45% hồi tháng 1, theo khảo sát của Gallup. Hơn một nửa số người được hỏi không tín nhiệm Tổng thống tỏ ra nghi ngờ khả năng giải quyết các vấn đề kinh tế của ông Moon. Trước áp lực dư luận, tháng 11 năm ngoái, ông chủ Nhà Xanh đã sa thải hai quan chức hoạch định chính sách kinh tế cấp cao.

Theo kịch bản lý tưởng, Trump và Kim Jong-un ra tuyên bố chung ở Hà Nội, Liên Hợp Quốc sau đó gỡ bỏ trừng phạt kinh tế, Tổng thống Hàn Quốc có thể đẩy mạnh kế hoạch hợp tác kinh tế đầy tham vọng với Triều Tiên. Tất cả đồng nghĩa với uy tín trong nước của Tổng thống Moon sẽ được khôi phục. 

Mỹ và Triều Tiên đàm phán tại hội nghị thượng đỉnh lần hai ở Hà Nội ngày 28/2. Ảnh: NYT.

Mỹ và Triều Tiên đàm phán tại hội nghị thượng đỉnh lần hai ở Hà Nội ngày 28/2. Ảnh: NYT.

Tuy nhiên, thực tế đã không diễn ra như vậy. Tổng thống Moon Jae-in đang đối mặt với chỉ trích của dư luận rằng ông quá lạc quan, ngây thơ và phóng đại thiện chí phi hạt nhân hóa của Triều Tiên. 

"Các đảng phái bảo thủ ở Hàn Quốc sẽ chỉ trích dữ dội rằng chính sách của Tổng thống Moon đối với Triều Tiên đã đi quá xa và quá nhanh", theo Leif-Eric Easley, giáo sư nghiên cứu quốc tế học tại trường đại học Phụ nữ Ewha ở thủ đô Seoul.

Đúng như dự đoán, chính trị gia Hwang Kyo-ahn, thủ lĩnh đảng đối lập chính ở Hàn Quốc, hôm qua phát biểu rằng Tổng thống Moon đã lừa dối người dân về "một viễn cảnh màu hồng".

Kể từ khi nhậm chức năm 2017, Tổng thổng Moon đã "đặt cược" sự thành công chính trị của mình vào vai trò hòa giải giữa Mỹ và Triều Tiên trong tiến trình phi hạt nhân hóa. Ông đã ba lần gặp gỡ lãnh đạo Triều Tiên, đồng thời làm cầu nối giúp hội nghị thượng đỉnh lần một ở Singapore và lần hai ở Hà Nội thành hiện thực. 

Ông Moon dành mọi lời có cánh cho Tổng thống Trump với hy vọng chính quyền Washington sẽ đứng ra thuyết phục Bình Nhưỡng đồng ý từ bỏ vũ khí hạt nhân và tập trung xây dựng kinh tế. Thậm chí, ông tuyên bố Tổng thống Mỹ xứng đáng được trao giải Nobel Hòa bình. 

Kể cả khi các quan chức tình báo cảnh báo rằng Triều Tiên khó có khả năng từ bỏ vũ khí hạt nhân, Tổng thống Hàn Quốc vẫn không nao núng. Trước những ý kiến nghi ngờ thiện chí của Triều Tiên, ông Moon phản biện "có một số thế lực dường như muốn duy trì sự thù địch và xung đột trên bán đảo Triều Tiên".

Tổng thống Hàn Quốc vẫn tỏ ra lạc quan khi nhiều nhà phân tích đưa ra dự đoán không mấy tích cực trước thềm hội nghị tại Hà Nội do cuộc đàm phán ở cấp thấp vẫn chưa giúp thu hẹp khác biệt giữa Washington và Bình Nhưỡng. Ông Moon không nhụt chí trước tuyên bố của Tổng thống Trump rằng Mỹ "không vội vàng" trong tiến trình phi hạt nhân hóa.

Cú bắt tay lịch sử giữa Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un (trái) và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại hội nghị thượng đỉnh liên Triều năm 2018. Ảnh: Reuters. 

Cú bắt tay lịch sử giữa Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un (trái) và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại hội nghị thượng đỉnh liên Triều năm 2018. Ảnh: Reuters

Tổng thống Moon Jae-in có thể thất vọng trước kết quả của hội nghị tại Hà Nội, nhưng một số nhà quan sát cho rằng "trong cái rủi có cái may" và kết quả tốt hơn vẫn đang đợi ở phía trước. 

"Chừng nào hai lãnh đạo còn muốn và tiếp tục đối thoại, chúng ta còn có thể kỳ vọng vào tương lai", David Kim, nhà nghiên cứu tại trung tâm Stimson ở Mỹ, nhận định. "Chúng ta rời đi vì chúng ta không đạt được thỏa thuận, nhưng không có thỏa thuận nào vẫn tốt hơn một thỏa thuận tồi". 

"Bằng cách rời khỏi bàn đàm phán, Tổng thống Trump dường như muốn nói với Kim Jong-un rằng họ sẽ gặp lại nhau khi Triều Tiên sẵn sàng từ bỏ vũ khí hạt nhân", Cheon Seong-whun, nhà phân tích của Viện Asan ở Seoul, nhận định.

An Hồng

 

Chia sẻ bài viết qua email