Thứ sáu, 1/3/2019, 16:26 (GMT+7)

Sự khác biệt trong cách Mỹ - Triều giải thích lý do không đạt thỏa thuận

Mỹ nói rằng Triều Tiên muốn dỡ bỏ toàn bộ lệnh trừng phạt trong khi Bình Nhưỡng lý giải họ chỉ muốn được nới lỏng một số lệnh cấm vận. 

Tổng thống Mỹ Trump (trái) và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tại Hà Nội ngày 27/2. Ảnh: AFP.

Tổng thống Mỹ Trump (trái) và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tại Hà Nội ngày 27/2. Ảnh: AFP.

Tổng thống Mỹ Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ngày 28/2 đột ngột cắt ngắn hội nghị thượng đỉnh và sau đó đưa ra những giải thích khác nhau về lý do hai lãnh đạo không đạt được thỏa thuận. Những bất đồng tập trung ở lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên và chương trình vũ khí hạt nhân của nước này.

Trước khi rời Hà Nội, ông Trump nói với các phóng viên rằng Triều Tiên yêu cầu Mỹ dỡ bỏ lệnh toàn bộ lệnh trừng phạt. Trong khi đó, trong cuộc họp báo vào đêm 28/2, Triều Tiên tuyên bố họ chỉ yêu cầu nới lỏng cấm vận. "Triều Tiên đang phải chịu 11 lệnh cấm vận và chỉ yêu cầu Mỹ dỡ bỏ 5", Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho cho hay.

Sau cuộc họp báo, một quan chức cấp cao Mỹ giấu tên giải thích rằng Triều Tiên muốn tất cả biện pháp trừng phạt, ngoại trừ những lệnh liên quan đến bán và chuyển nhượng vũ khí, được dỡ bỏ.

Ông Trump cho biết ông Kim hứa sẽ không tiến hành các vụ phóng tên lửa hoặc thử vũ khí hạt nhân. Để được dỡ bỏ trừng phạt, ông Kim sẵn sàng đóng cửa Trung tâm Nghiên cứu Hạt nhân Yongbyon, nơi đặt lò phản ứng hạt nhân chính của Triều Tiên. Bình Nhưỡng nói rằng Yongbyon là nguồn plutonium duy nhất của nước này để chế tạo bom.

Nhưng Tổng thống Trump giải thích rằng Mỹ nhận thấy ông Kim không đề xuất đóng cửa các cơ sở bí mật làm giàu uranium khác. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho rằng kể cả khi Triều Tiên dỡ bỏ Yongbyon thì ông Kim vẫn còn tên lửa, đầu đạn và hệ thống vũ khí.

"Chắc là họ ngạc nhiên khi thấy chúng tôi biết điều đó", ông nói. "Các bạn tin hay không thì tùy, chúng tôi hiểu tường tận đất nước đó và chúng tôi phải đạt được những điều chúng tôi muốn".

Ngoại trưởng Ri Yong-ho sau đó xác nhận rằng Triều Tiên "sẵn sàng tháo dỡ vĩnh viễn tất cả cơ sở sản xuất vật liệu hạt nhân" tại Yongbyon và cho phép các chuyên gia hạt nhân của Mỹ thanh sát. Thứ trưởng ngoại giao Choe Son-hui diễn giải điều này bao gồm dỡ bỏ một cơ sở làm giàu uranium tại địa điểm đó.

Nhưng cả ông Ri và bà Choe đều không đề cập đến các cơ sở làm giàu uranium tại các địa điểm khác. Đây có thể là điều khiến Mỹ nghi ngờ về sự chân thành của Triều Tiên trong cuộc đàm phán, theo Washington Post.

Một quan chức Mỹ giấu tên còn nói với Reuters rằng Mỹ và Triều Tiên có quan điểm khác nhau về việc đóng cửa tổ hợp hạt nhân Yongbyon. "Phía Triều Tiên đề nghị đóng cửa một phần khu phức hợp Yongbyon. Đó là các cơ sở quan trọng và cần phải xác định rất chính xác về chúng. Tuy nhiên, họ không sẵn lòng giải thích kỹ lưỡng cho chúng tôi", quan chức nói.

"Vì vậy, việc mang lại cho họ hàng tỷ USD bằng cách nới lỏng các lệnh trừng phạt đồng nghĩa rằng chúng tôi đang hỗ trợ cho sự phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt vẫn diễn ra ở Triều Tiên", người này giải thích thêm.

Điểm mấu chốt khiến cuộc đàm phán tưởng chừng suôn sẻ lại đi đến kết thúc đột ngột là quan chức hai bên chưa thống nhất về một số vấn đề trọng yếu trước khi hai lãnh đạo gặp nhau.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, người đã dẫn đầu nỗ lực chuẩn bị cùng với đặc phái viên Mỹ Stephen Biegun, cho biết các nhà đàm phán cố tình để lại một số vấn đề gây tranh cãi nhất để chúng được thảo luận trong hội nghị thượng đỉnh.

Pompeo lý giải rằng "khi bạn làm việc với một quốc gia như Triều Tiên, thường chỉ có các lãnh đạo cấp cao nhất mới có khả năng đưa ra những quyết định quan trọng".

"Chúng tôi đã hy vọng rằng có thể có một cú hích lớn khi hai lãnh đạo gặp nhau", ông nói với các phóng viên khi rời khỏi Việt Nam. "Chúng tôi đã đạt được một số tiến bộ. Nhưng chúng tôi không đi xa như kỳ vọng".

"Những diễn biến này cho thấy điểm yếu của chính sách "ngoại giao thượng đỉnh" mà ông Trump yêu thích", Paul Haenle, chuyên gia Trung tâm chính sách toàn cầu Carnegie-Tsinghua, nhận xét. 

National Security Action, nhóm nghiên cứu gồm nhiều quan chức dưới thời Obama, cho rằng ông Trump nên để các cấp dưới làm việc và đạt được thống nhất rõ ràng với Bình Nhưỡng trước khi gặp thượng đỉnh.

Cựu quan chức ngoại giao Michael Fuchs cho rằng không nên có thêm hội nghị thượng đỉnh cho đến khi hai bên sẵn sàng công bố một thỏa thuận cụ thể. "Hãy để các nhà đàm phán thực sự từ cả hai bên làm việc"

Trong khi đó, Robert Gallucci, người từng đàm phán với Triều Tiên dưới thời Bill Clinton, cho rằng mặc dù hai bên không đưa ra được thỏa thuận, vẫn có triển vọng đạt được tiến bộ trong tương lai.

"Tôi cảm thấy ổn vì không có gì thực sự tồi tệ xảy ra, chúng ta có triển vọng sử dụng động lực của cuộc họp thượng đỉnh để thúc đẩy các cuộc thảo luận ở cấp quan chức, với sự thấu hiểu rằng cả hai bên đều đầu tư công sức vào việc này", Gallucci nói.

Phương Vũ

 

Chia sẻ bài viết qua email