Thứ sáu, 15/2/2019, 11:07 (GMT+7)

Phóng viên Hàn Quốc bị cấm mang laptop, máy ảnh vào Triều Tiên

Hàn Quốc cấm phóng viên mang laptop và máy ảnh khi đến Triều Tiên công tác vì những thiết bị này nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ. 

Các phóng viên Hàn Quốc trong một chuyến công tác đến Triều Tiên. Ảnh: EuroNews.

Các phóng viên Hàn Quốc trong một chuyến công tác đến Triều Tiên. Ảnh: EuroNews.

Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết cấm các phóng viên mang các thiết bị điện tử tác nghiệp đến Triều Tiên vì Seoul không kịp trao đổi với Washington về vấn đề này, theo hãng tin Yonhap

Hồi đầu tuần, 10 phóng viên Hàn Quốc không được phép mang máy tính xách tay (laptop), máy ảnh và một số thiết bị điện tử khác khi tháp tùng 200 đại biểu tới cuộc gặp liên Triều kéo dài hai ngày tại núi Kumgang ở Triều Tiên. 

Người phát ngôn của Bộ Thống nhất Baik Tae-hyun từ chối tiết lộ chi tiết trao đổi giữa chính phủ Mỹ và Hàn Quốc và khẳng định "không có sự bất đồng lớn nào giữa hai bên liên quan đến vấn đề này". 

Sự việc này làm dấy lên nghi ngờ Washington đã cố gắng "sục sạo" mọi thông tin liên quan đến các cuộc đối thoại liên Triều và dùng các thông tin thu thập được để giành lợi thế cạnh tranh trong đàm phán với Triều Tiên về giải giáp vũ khí hạt nhân.

"Thứ quan trọng nhất khi đi đưa tin là máy tính xách tay nhưng các phóng viên Hàn Quốc cuối cùng không được mang thiết bị đó vào Triều Tiên", giáo sư Yang Moo-jin của đại học nghiên cứu về Triều Tiên ở Seoul bình luận. "Vấn đề là hình như người ta đang áp dụng tiêu chuẩn kép ở đây. Anh giải thích thế nào khi mà các phóng viên quốc tế được phép vào Triều Tiên với các thiết bị tác nghiệp để đưa tin về vụ tháo dỡ bãi thử hạt nhân Punggye-ri hồi năm ngoái?"

Giới quan sát cho rằng Mỹ thường viện tới lệnh trừng phạt quốc tế, bao gồm các biện pháp nhằm nhăn chặn giao thương công nghệ với Triều Tiên, để gây thêm khó khăn trong các hoạt động liên Triều. Một cuộc khảo sát về việc kết nối tuyến đường sắt xuyên biên giới giữa hai nước bị hoãn lại vào năm ngoái sau khi Mỹ cho rằng dự án này vi phạm lệnh trừng phạt Triều Tiên. Một chuyến hàng chở thuốc kháng virus từ Seoul đến Bình Nhưỡng vẫn chưa thể khởi hành vì lý do tương tự. 

Truyền thông Mỹ dẫn lời một quan chức của Bộ Thương mại Mỹ cho rằng các phóng viên không cần giấy phép để mang theo các thiết bị tác nghiệp và hiếm khi các phóng viên Mỹ bị cấm như vậy khi vào Triều Tiên đưa tin. 

Trong khi đó, một số nhà phân tích cho rằng động thái này phản ánh sự thận trọng của cả Seoul và Washington trước thềm hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai dự kiến diễn ra ở Hà Nội vào ngày 27 và 28/2.

"Dường như họ rất thận trọng, không muốn gây ra bất cứ vấn đề gì liên quan đến trao đổi liên Triều khi mà hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên đang đến gần", Kim Yong-hyun, giáo sư đại học Dongguk tại thủ đô Seoul, nhận định. "Không chỉ chính phủ Hàn Quốc mà cả chính phủ Mỹ đều trong trạng thái đề phòng vào thời điểm mà mọi sự nguồn lực đang tập trung cho hội nghị thượng đỉnh sắp tới". 

Tổng thống Donald Trump tuyên bố trên Twitter cuộc gặp lần thứ hai với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Hà Nội diễn ra vào ngày 27 và 28/2. Sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ và Triều Tiên lần thứ nhất diễn ra ở Singapore hồi tháng 6 năm ngoái, đàm phán giữa hai bên về vấn đề giải trừ vũ khí hạt nhân lâm vào bế tắc. Bình Nhưỡng cho rằng Washington cần có "những biện pháp tương ứng" để đáp lại những nỗ lực từ phía họ. Trong khi đó, Mỹ muốn Triều Tiên thực hiện các bước đi cụ thể và thực chất hơn.

An Hồng

 

Chia sẻ bài viết qua email