Thứ ba, 26/2/2019, 08:55 (GMT+7)

Kim Jong-un - từ người kế nhiệm trẻ tuổi đến lãnh đạo 'quyến rũ' thế giới

Từng bị đánh giá là lãnh đạo thiếu kinh nghiệm, Kim Jong-un giờ thể hiện mình là nhà ngoại giao khéo léo trong các cuộc họp thượng đỉnh. 

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (giữa) tại ga Đồng Đăng, Lạng Sơn ngày 26/2. Ảnh: Giang Huy.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (giữa) tại ga Đồng Đăng, Lạng Sơn ngày 26/2. Ảnh: Giang Huy.

Theo bộ máy tuyên truyền Triều Tiên, lãnh đạo Kim Jong-un là hậu duệ của gia tộc huyền thoại. Kim Nhật Thành, ông nội của Kim, được xem là thiên tài vĩ đại nhất trên trái đất. Kim Jong-il, cha của ông Kim, cũng là người phi thường trong mọi lĩnh vực, biết bắn súng khi ngồi trên lưng ngựa lúc mới 5 tuổi.

Vì vậy, Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế Thomas Bach hồi tháng 3/2018 rất ngạc nhiên khi thấy ông Kim thoải mái thừa nhận vóc người bệ vệ của mình trong cuộc gặp với ông ở Bình Nhưỡng. "Tôi thích chơi thể thao, đặc biệt là bóng rổ, dù trông tôi có vẻ không giống người như vậy", Bach kể lại lời nói của ông.

Kim Jong-un kế nhiệm bố mình vào tháng 12/2011 khi mới chỉ gần 30 tuổi. Nhiều chuyên gia cho rằng ông không phù hợp với nhiệm vụ nặng nề là lãnh đạo đất nước vì còn quá trẻ.

Thế nhưng, Kim Jong-un chứng minh rằng những nhận định này là sai lầm, ông không chỉ đứng vững ở trong nước mà khẳng định vị trí trên trường quốc tế.

Quang cảnh thủ đô Bình Nhưỡng thay đổi dưới thời cầm quyền của Kim. Bach nhận thấy rằng thành phố tươi sáng và năng động hơn những gì ông chứng kiến trong chuyến thăm cách đây hai thập niên. Người dân ăn mặc diện hơn, văn hóa tiêu dùng và giải trí cũng chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ. Kim Jong-un bắt đầu cập nhật văn hóa nhạc pop ngay khi lên nắm quyền bằng việc thành lập ban nhạc Moranbong, gồm các giọng ca nữ và nhạc sĩ đại diện cho "diện mạo mềm" của Triều Tiên.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại quảng trường Kim Nhật Thành ở Bình Nhưỡng tháng 5/2016. Ảnh: AFP.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại quảng trường Kim Nhật Thành ở Bình Nhưỡng tháng 5/2016. Ảnh: AFP.

Triều Tiên dưới thời ông phát triển thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa vượt xa mức nhiều nhà khoa học dự báo và đe dọa sử dụng chúng để tấn công các thành phố của Mỹ.

Năm 2017 nảy lửa với những màn đấu khẩu gay gắt giữa Trump với Kim Jong-un liên quan đến vũ khí của Triều Tiên. Tuy nhiên, cục diện thay đổi từ bài phát biểu đầu năm mới 2018 của Kim Jong-un, khi ông bắt đầu thể hiện hình ảnh của một nhà ngoại giao. Ông không mặc áo kiểu Mao Trạch Đông quen thuộc mà khoác lên mình bộ vest màu xám, đưa ra thông điệp cải thiện quan hệ với Hàn Quốc, tuyên bố nhiệm vụ hạt nhân của Bình Nhưỡng đã hoàn tất và nhấn mạnh mục tiêu phát triển kinh tế.

Từng không công du nước ngoài trong suốt 6 năm cầm quyền, Kim Jong-un giờ tham gia nhiều cuộc họp thượng đỉnh với các lãnh đạo quyền lực nhất thế giới và khu vực.

Ông liên tiếp đến Trung Quốc để đối thoại với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - động thái sửa chữa mối quan hệ căng thẳng với Bắc Kinh, đồng minh duy nhất của nước này. Ông thể hiện sự khiêm tốn với việc chăm chú lắng nghe và ghi chép khi ông Tập phát biểu. Hình ảnh này có phần lạ lẫm vì trong các bức ảnh của truyền thông Triều Tiên, ông Kim thường được bao quanh bởi các tướng và quan chức cấp cao, những người ghi chép lời chỉ đạo tại chỗ của ông trong các chuyến thị sát.

Tháng 4/2018, thế giới đổ dồn chú ý khi Kim Jong-un bắt tay Tổng thống Hàn Moon Jae-in ở Khu Phi quân sự (DMZ), đánh dấu lần đầu tiên trong 11 năm lãnh đạo hai miền gặp mặt. Trong một động thái không nằm trong kế hoạch, Kim Jong-un mời Tổng thống Moon bước sang phía bắc cùng mình rồi hai người cùng bước trở lại phía nam. Đây là lần đầu tiên sau 65 năm một lãnh đạo Triều Tiên đặt chân sang phía Hàn Quốc. CNN bình luận hành động này của Kim Jong-un là "sự thể hiện khéo léo về mặt ngoại giao trước ống kính của phóng viên".

Đề nghị bất ngờ của Kim Jong-un khi gặp Tổng thống Hàn Quốc ở biên giới
 
 

Kim Jong-un mời Moon Jae-in bước chân qua giới tuyến. Video: NBC.

Trong cuộc gặp, Kim Jong-un tỏ ra nhã nhặn và tôn trọng Tổng thống Moon Jae-in, người gần gấp đôi tuổi mình, khi tránh hút thuốc dù gạt tàn đã được để sẵn trên bàn.

Kim - Moon sau đó có cuộc gặp lần hai vào ngày 26/5 tại DMZ để tạo điều kiện cho thượng đỉnh Mỹ - Triều diễn ra như kế hoạch, sau khi Trump dọa hủy sự kiện. Tháng 9, Tổng thống Hàn bay tới Bình Nhưỡng và có hội nghị thượng đỉnh lần ba với lãnh đạo Triều Tiên nhằm thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa đang bế tắc.

Triều Tiên đã tiếp đón lãnh đạo Hàn rất long trọng. Ông Kim ra sân bay đón ông Moon. Hàng chục nghìn người xuống đường phố ở Bình Nhưỡng để vẫy chào. Ông Moon cũng phát biểu trước 150.000 người Triều Tiên tại sân vận động. Tổng thống Hàn ca ngợi Kim Jong-un là "người lịch sự và chân thành, luôn cư xử với tôi một cách rất tôn trọng".

Giây phút nổi bật nhất của Kim Jong-un trên sân khấu thế giới năm 2018 là cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Trump. Cả hai bắt tay và mỉm cười với nhau trong bầu không khí thân thiện. Kim nói với Trump thông qua phiên dịch viên rằng: "Tôi nghĩ toàn thế giới đang theo dõi khoảnh khắc này. Nhiều người trên thế giới sẽ nghĩ rằng điều này giống như một bộ phim khoa học viễn tưởng".

Cú bắt tay 12 giây lịch sử giữa Trump và Kim Jong-un
 
 

Cú bắt tay giữa Trump và Kim Jong-un tại Singapore tháng 6/2018. Video: Reuters

Hai lãnh đạo nhất trí chấm dứt tình trạng đối đầu và hướng tới mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo, nhưng không đề ra thời gian biểu cụ thể.  Sau hội nghị, Mỹ chấm dứt các cuộc tập trận chung quy mô với Hàn Quốc, trong khi Triều Tiên đồng ý trao trả hài cốt lính Mỹ chết trong chiến tranh và phá dỡ một số cơ sở thử nghiệm vũ khí hạt nhân, tên lửa. Tuy nhiên, nỗ lực phi hạt nhân hóa bán đảo không tiến triển như kỳ vọng, khi Triều Tiên được cho là vẫn tiếp tục mở rộng các cơ sở tên lửa, hạt nhân, còn Mỹ vẫn duy trì chiến dịch gây sức ép tối đa.

Những người theo phe bảo thủ ở Hàn Quốc và các quan chức diều hâu ở Mỹ cho rằng Kim không có ý định từ bỏ vũ khí hạt nhân vì xem đây giống như một hành động tự sát. Thay vào đó, họ xem đòn tấn công quyến rũ của Kim là nhằm giảm nguy cơ bị Mỹ tấn công quân sự và thuyết phục Trung Quốc nới lỏng các biện pháp trừng phạt, đồng thời được Hàn Quốc cung cấp thực phẩm và các hình thức viện trợ khác. Thực tế, Triều Tiên từng phá vỡ 4 thỏa thuận hạt nhân kể từ năm 1992 trong khi nhận được 1,3 tỷ USD viện trợ thực phẩm và dầu thô từ Mỹ.

Quan điểm của Kim Jong-un có thể được thể hiện rõ hơn khi ông và Tổng thống Trump dự kiến gặp nhau tại Hà Nội ngày 27 - 28/2. Ông Kim đã lên tàu ở ga Bình Nhưỡng vào ngày 23/2 và đến ga Đồng Đăng, Lạng Sơn vào sáng nay.

"Chúng ta sẽ thấy liệu ông Kim có thực sự muốn một tương lai không hạt nhân, trong đó Triều Tiên là một thành viên hội nhập hoàn toàn với cộng đồng quốc tế, hay chiến dịch tấn công quyến rũ hiện tại chỉ nhằm mục đích được nới lỏng trừng phạt để thúc đẩy phát triển kinh tế", cây bút Steven Borowiec viết trên CNA.

Phương Vũ

 

Chia sẻ bài viết qua email