Thứ sáu, 22/2/2019, 17:09 (GMT+7)

Hội nghị Trump - Kim ở Hà Nội có thể thúc đẩy kinh tế Triều Tiên

Nếu các lệnh trừng phạt được nới lỏng, Triều Tiên sẽ có cơ hội cải thiện cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư và tăng xuất nhập khẩu. 

Tại một ga tàu hỏa phía Bắc Hàn Quốc, một tuyến đường ray đột ngột dừng lại ngay trước khu phi quân sự đánh dấu biên giới Triều Tiên. Tấm biển đặt cạnh đó có dòng chữ: "Ngựa thép muốn được chạy".

Việc này có thể sớm trở thành hiện thực khi Tổng thống Mỹ - Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên - Kim Jong Un sắp có hội nghị thượng đỉnh lần hai tại Hà Nội. Một trong các kết quả được kỳ vọng là nới lỏng các lệnh trừng phạt để đổi lấy việc thúc đẩy phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Dự án đường sắt này khởi công từ hơn 15 năm trước, nhưng sau đó bị đình trệ vì căng thẳng chính trị và các lệnh trừng phạt quốc tế áp lên Bình Nhưỡng quanh chương trình vũ khí hạt nhân của nước này.

Trong một cuộc điện đàm với ông Trump tuần này, Tổng thống Hàn Quốc - Moon Jae-in cho biết Hàn Quốc sẵn sàng thúc đẩy dự án đường sắt và các dự án kinh tế khác, nếu nó có ích cho việc đàm phán. Nội dung đàm phán có thể bao gồm việc mở lại khu công nghiệp chung liên Triều - Kaesong. Nơi này từng có hơn 120 công ty Hàn Quốc hoạt động trước khi bị đóng của năm 2016 vì căng thẳng leo thang.

Đường ray tại ga Baengmagoji gần khu phi quân sự. Ảnh: AFP

Đường ray tại ga Baengmagoji gần khu phi quân sự. Ảnh: AFP

"Chúng tôi đang làm mọi thứ. Chúng tôi sẵn sàng đi bất kỳ lúc nào có cơ hội", Shin Han-yong - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc hoạt động tại Kaesong cho biết. Dù vậy, ông nói rằng nhiều lãnh đạo vẫn còn thận trọng với khả năng Mỹ - Triều đạt thỏa thuận: "Mọi việc không tệ, nhưng rất khó để lạc quan quá".

Kể từ khi tuyên bố ngừng thử tên lửa và hạt nhân năm ngoái, ông Kim Jong-un đã nỗ lực thuyết phục quốc tế gỡ bỏ các lệnh trừng phạt đang hạn chế đầu tư vào nước này, khiến họ khó họ nhập khẩu dầu mỏ - khí đốt cũng như xuất khẩu các loại hàng hóa. Đến nay, ông Trump vẫn khẳng định chỉ gỡ bỏ các lệnh cấm vận nếu ông Kim từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Cơ sở hạ tầng được cải thiện cũng sẽ giúp Triều Tiên tháo bỏ các rào cản để kiếm tiền từ tài nguyên khoáng sản. Theo ước tính của Viện Tài nguyên Hàn Quốc, quy mô ngành công nghiệp này của Triều Tiên có thể lên tới 6.000 tỷ USD. Triều Tiên hiện là nơi có thể có dự trữ đất hiếm hàng đầu thế giới. Đây là nguyên liệu quan trọng trong động cơ xe điện và nhiều thiết bị hiện đại khác mà Hàn Quốc đang sản xuất.

"Dự án đường sắt này rất khác so với các dự án trước. Vì nó không chỉ nhằm kết nối Hàn Quốc với phần còn lại của châu Á, mà còn cải thiện được logistics ở Triều Tiên", Lee Hae-jung - nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Hyundai cho biết, "Các tuyến đường sắt và đường bộ rất quan trọng để phát triển kinh tế. Vì thế, giúp Triều Tiên hiện đại hóa hệ thống giao thông cũng có thể giúp thúc đẩy kinh tế nước này".

Đường sắt của Triều Tiên chưa có nhiều cải tiến sau khi được xây lại sau Chiến tranh Triều Tiên thập niên 50. Họ có 5 tuyến đường sắt nối sang Trung Quốc, Nga và Hàn Quốc. Hai tuyến sôi động nhất và hiện đại nhất là với Trung Quốc. Nếu có thỏa thuận xây dựng đường sắt, các hãng xây dựng và sản xuất toa tàu Hàn Quốc sẽ có lợi thế hơn so với đối thủ Trung Quốc.

Hồi tháng 1, ông Kim cũng đề xuất khôi phục hoạt động tại Khu công nghiệp chung Kaesong và khu nghỉ dưỡng trên núi Geumgang. Mỹ cũng tỏ thái độ sẵn sàng nới lỏng các lệnh trừng phạt nếu Triều Tiên từng bước phi hạt nhân hóa. Các cơ sở này sẽ cung cấp lượng ngoại tệ cần thiết cho Triều Tiên.

Năm ngoái, lãnh đạo Triều Tiên và Hàn Quốc cũng đã tổ chức lễ động thổ dự án đường sắt liên Triều. Các tuyến đường phía đông và tây bán đảo Triều Tiên sẽ được hiện đại hóa. Dù việc này có lợi cho Triều Tiên, Hàn Quốc cũng muốn kết nối với phần còn lại của châu Á trên đất liền. Họ có thể vận hành các tuyến tàu hỏa tới Nga, Trung Quốc và các nước khác, từ đó làm giảm chi phí vận chuyển. Kinh tế Hàn Quốc hiện phụ thuộc lớn vào xuất khẩu.

Nhiều công ty Hàn Quốc cũng đã hoàn tất việc nghiên cứu và sẵn sàng nhảy vào một khi lệnh trừng phạt được nới lỏng, Kim Young Hui - nhà kinh tế học tại Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc cho biết. "Hy vọng đang được nhen nhóm rồi. Giờ họ chỉ yên lặng chờ đợi và quan sát thôi", ông nói.

Hà Thu (theo Bloomberg)

 

Chia sẻ bài viết qua email