Thứ năm, 21/2/2019, 11:50 (GMT+7)

Dụng ý của Kim Jong-un khi chọn đặc phái viên mới cho cuộc họp với Trump

Lãnh đạo Triều Tiên muốn giao trọng trách cho người trung thành và có khả năng rút ngắn khoảng cách giữa ông với Trump.

Đặc phái viên Triều Tiên Kim Hyok-chol. Ảnh: KFA.

Đặc phái viên Triều Tiên Kim Hyok-chol. Ảnh: KFA.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã bổ nhiệm nhiều gương mặt mới trẻ tuổi trong chính quyền, thay cho nhiều nhà ngoại giao và quan chức từng làm việc dưới thời cha và ông nội, trong bối cảnh ông sắp có cuộc gặp thượng đỉnh lần hai với Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến diễn ra tuần tới tại Việt Nam, theo Reuters.

Một trong những thay đổi đáng chú ý nhất của Kim Jong-un là việc lựa chọn Kim Hyok-chol, một quan chức ngoài 40 tuổi chưa được nhiều người biết đến, làm đặc phái viên phụ trách các cuộc đàm phán với phía Mỹ để thảo luận những tiền đề quan trọng nhất có thể quyết định thành bại của hội nghị thượng đỉnh. Kim Hyok-chol chiều tối qua đến Hà Nội và dự kiến gặp đặc phái viên Mỹ Stephen Biegun để chuẩn bị cho hội nghị.

Kim Hyok-chol từng là đại sứ Triều Tiên tại Tây Ban Nha nhưng bị nước này trục xuất vào năm 2017, sau khi Bình Nhưỡng tiến hành một loạt vụ thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Ông sau đó làm việc tại Ủy ban Quốc vụ Triều Tiên, cơ quan quyền lực tối cao do Kim Jong-un làm Chủ tịch.

Kim Hyok-chol mới tiếp nhận vai trò đặc phái viên về Mỹ từ Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son-hui hồi đầu tháng. Bà Choe là người phụ trách các cuộc đàm phán chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh Trump - Kim đầu tiên tại Singapore vào tháng 6 năm ngoái.

"Nhân sự trong giới ngoại giao Triều Tiên có sự thay đổi khi họ đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt giữa các cơ quan và câu hỏi xoay quanh sự trung thành", một quan chức Hàn Quốc giấu tên nhận xét về những biến động nhân sự gần đây ở Triều Tiên.

Theo một số nhà phân tích, việc Kim Hyok-chol được bổ nhiệm vào vị trí này một phần do Kim Jong-un mất niềm tin vào các quan chức lão làng khác như vụ đào tẩu năm 2016 của Thae Yong-ho, cựu phó đại sứ tại Anh và vụ biến mất hồi tháng trước của Jo Song-gil, nhà ngoại giao cấp cao ở Italy.

Han Song Ryol, thứ trưởng ngoại giao Triều Tiên phụ trách quan hệ với Mỹ, đầu năm ngoái bị cách chức vì bị cáo buộc làm gián điệp cho Mỹ, hai nguồn thạo tin cho biết. Báo Hàn Chosun Ilbo cho biết Han đã đưa ra một đề nghị về đàm phán hạt nhân trái với chỉ thị của đảng Lao động Triều Tiên.

Han là một trong những nhà ngoại giao Triều Tiên nổi tiếng và được kính trọng nhất ở Mỹ. Ông từng là người điều hành "kênh New York" - kênh ngoại giao quan trọng giữa Bình Nhưỡng và Washington, trước khi về nước năm 2013.

Ông đã không xuất hiện trước công chúng trong năm qua. Lần cuối cùng truyền thông nhà nước Triều Tiên nhắc đến Han là vào tháng 2/2018. Tên ông không xuất hiện trong danh sách các quan chức Triều Tiên đáng chú ý được Bộ Thống nhất Hàn Quốc công bố tháng trước.

"Kim Hyok-chol cũng là một nhà ngoại giao làm việc nhiều năm, nhưng rõ ràng ông ấy đã vượt qua bài kiểm tra lòng trung thành để trở thành người dẫn dắt các cuộc đàm phán", quan chức Hàn Quốc nói.

Ông Thae cho rằng ngoài việc lựa chọn người tin cậy, lãnh đạo Kim Jong-un còn có dụng ý khác khi bổ nhiệm nhà đàm phán mới. Kim Hyok-chol có thể là "nước cờ cao" của Kim Jong-un nhằm tạo khoảng cách giữa Trump, người thường không theo các nguyên tắc, với đội ngũ cố vấn của ông, những người luôn thận trọng và hoài nghi về tuyên bố phi hạt nhân hóa của Triều Tiên.

Việc lựa chọn một đặc phái viên trẻ, chưa mấy nổi tiếng nhiều khả năng là động thái giúp Kim Jong-un chứng tỏ rằng mình cũng làm việc với phong cách "phi truyền thống" giống như Trump.

"Với việc bổ nhiệm Kim Hyok-chol, Kim Jong-un cố gắng tạo ấn tượng rằng giữa ông và Trump không có nhiều khác biệt, vì vậy Tổng thống Mỹ sẽ nói chuyện với ông và không nghe tư vấn từ chính những trợ lý của mình".

"Chính sách ngoại giao của Triều Tiên đã rẽ theo một hướng chiến thuật chưa từng có tiền lệ, được thiết kế riêng cho Trump", Thae nhận định.

Phương Vũ

 

Chia sẻ bài viết qua email