Thứ bảy, 23/2/2019, 19:00 (GMT+7)

Đội đặc nhiệm sẵn sàng xả thân bảo vệ lãnh đạo tối cao Triều Tiên

Đơn vị đặc nhiệm 525 được trang bị hiện đại nhất quân đội Triều Tiên, có nhiệm vụ bảo vệ lãnh đạo nước này trước mọi mối đe dọa.

Đội đặc nhiệm sẵn sàng xả thân bảo vệ lãnh đạo tối cao Triều Tiên

Các thành viên Đơn vị 525 của Triều Tiên. Ảnh: Reuters.

Triều Tiên lần đầu tiên công khai Đơn vị đặc nhiệm số 525 trong lễ duyệt binh hoành tráng hồi tháng 4/2017, nhân dịp kỷ niệm 105 năm ngày sinh cố chủ tịch Kim Nhật Thành. Đây được coi là đơn vị tinh nhuệ nhất của quân đội Triều Tiên, sẵn sàng xả thân bảo vệ lãnh đạo Kim Jong-un trước mọi mối đe dọa, theo National Interest.

Các thành viên đội đặc nhiệm 525 được trang bị vũ khí, khí tài không thua kém các lực lượng đặc nhiệm phương Tây, như kính nhìn đêm, áo chống đạn, mũ sắt. Vũ khí tiêu chuẩn của họ là khẩu súng trường tấn công Type-98-1 lắp băng đạn hình trụ đặc biệt, có thể chứa hơn 100 viên đạn, tạo hỏa lực chế áp đáng sợ khi tác chiến tầm gần trong đô thị.

"Một khi Lãnh đạo Tối cao Kim Jong-un ra lệnh, họ sẽ quyết tấn công nhằm thọc lưỡi gươm vào trái tim kẻ thù như tia chớp trên Đỉnh Paektu", truyền hình nhà nước Triều Tiên bình luận về đơn vị này, nhắc đến ngọn núi cao nhất trên bán đảo Triều Tiên.

Báo cáo của Lầu Năm Góc khẳng định đây là lực lượng được đào tạo bài bản, trang bị tốt nhất và có năng lực chiến đấu cao nhất trong quân đội Triều Tiên. Giới phân tích nhận định Triều Tiên lập đơn vị đặc nhiệm 525 nhằm đối phó với kế hoạch tấn công nhắm vào giới lãnh đạo Bình Nhưỡng từ các lực lượng thù địch nước ngoài.

Đơn vị đặc nhiệm số 525 được cho là từng thực hiện nhiệm vụ bí mật ở Hàn Quốc. Họ có khả năng triển khai tấn công chớp nhoáng, đổ bộ bằng phương tiện đường không và đường thủy, cũng như phòng thủ chống các cuộc tấn công của đối phương.

Đội đặc nhiệm sẵn sàng xả thân bảo vệ lãnh đạo tối cao Triều Tiên
 
 

Đơn vị 525 tham dự lễ duyệt binh ở Bình Nhưỡng ngày 15/4/2017. Video: Sputnik.

Triều Tiên là quốc gia có lực lượng đặc nhiệm hùng hậu nhất thế giới với quân số khoảng 180.000 người. Lực lượng này được chia thành nhiều đơn vị ưu tú, được huấn luyện chuyên biệt để thực hiện những chiến dịch quân sự, chính trị hoặc tâm lý đặc biệt.

Nhiệm vụ chính của họ trước đây là xâm nhập, vượt qua phòng tuyến đối phương để tạo ra "mặt trận thứ hai" trên lãnh thổ Hàn Quốc. Tuy nhiên, trong bối cảnh quan hệ hai nước được cải thiện đáng kể, nhiệm vụ mới của lực lượng này là bảo vệ lãnh đạo Triều Tiên, chống âm mưu tấn công do đặc nhiệm hoặc biệt kích nước ngoài tiến hành.

Lực lượng đặc nhiệm Triều Tiên (KPASOF) chia thành 4 lữ đoàn phụ trách 4 lĩnh vực khác nhau. Lữ đoàn trinh sát chuyên thu thập thông tin tình báo, ám sát, tấn công mục tiêu chiến lược. Lữ đoàn bộ binh hạng nhẹ chuyên thực hiện nhiệm vụ đột kích chớp nhoáng ở khu vực hậu phương, cắt đứt thông tin liên lạc, đánh phá nhà máy, kho tàng, bến bãi và các mục tiêu giá trị cao.

Lữ đoàn đổ bộ đường không chuyên thâm nhập sâu bên trong lãnh thổ đối phương bằng máy bay An-2, vốn có khả năng bay rất thấp và gần như tàng hình trước radar. Lữ đoàn đặc nhiệm hải quân sử dụng tàu ngầm mini hoặc tàu bán ngầm để đột nhập từ đường biển, thu thập thông tin tình báo và tấn công các khu vực duyên hải đối phương.

KPASOF giữ vai trò là lực lượng chiến đấu chủ lực đặc biệt tinh nhuệ, với vũ khí lợi hại nhất là sự thiện chiến, dũng cảm. Sự xuất hiện của Đơn vị đặc nhiệm số 525 cho thấy Bình Nhưỡng đã có khả năng trang bị khí tài tác chiến tối tân cho lực lượng đặc biệt này, chuyên gia quân sự Ryan Pickrell nhận định.

Nguyễn Hoàng

 

Chia sẻ bài viết qua email