-
Tôi bị Covid-19 đã khỏi nhưng cả tháng nay tôi bị mất ngủ, mỗi đêm tôi chỉ ngủ được 2-3 tiếng nhưng và toàn mơ thấy ác mộng, sáng dậy rất nặng đầu và mệt mỏi vô cùng, xin bác sĩ tư vấn giúp tôi.
(Huỳnh Kháng, 71 tuổi, Huế)TTƯT.TS.BS Nguyễn Thị Minh Đức:
Xin chào anh Kháng,
Theo báo cáo của trung tâm bệnh tật Mỹ thì sau khi khỏi bệnh Covid-19, có khoảng 21% người bị triệu chứng mất ngủ kéo dài. Mất ngủ cũng có thể xảy ra như một dấu hiệu của bệnh lo âu, trầm cảm. Trước tiên, anh nên tạo giấc ngủ tốt, chất lượng bằng cách giữ phòng ngủ yên tĩnh, tối (hạn chế mở ti vi, xem điện thoại), tránh ăn quá no và ăn trễ sau 7 giờ tối.
Để chẩn đoán mất ngủ do hậu Covid-19 hay do các bệnh lý khác gây ra thì nên đến các bệnh viện có chuyên khoa thần kinh để được chẩn đoán, tư vấn và điều trị chính xác. Anh có thể đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh chúng tôi, nên đi khám sớm nhằm có giấc ngủ tốt và tránh tình trạng lệ thuộc vào thuốc ngủ. Chúc anh sớm có giấc ngủ ngon và cuộc sống chất lượng!
-
Chồng em là F0 đã khỏi bệnh nhưng buổi tối khi ngủ thường bị khó thở, có khi phải ngồi bật dậy để thở một lúc mới nằm xuống ngủ lại được, làm việc nặng dễ hụt hơi hơn trước. Phải làm thế nào để cải thiện ạ? Mong được các bác sĩ tư vấn. Em cảm ơn ạ!
(H. Thảo, 31 tuổi)TTƯT.PGS.TS.BS Chu Thị Hạnh:
Chào bạn,
Một số tổn thương tim, xơ phổi, tắc mạch phổi, rối loạn thần kinh thực vật... gây khó thở, thở hụt hơi mà chồng bạn có thể mắc phải sau nhiễm Covid-19, hoặc một số bệnh lý tiềm ẩn như ngừng thở khi ngủ, hen phế quản bị kích hoạt bởi nhiễm Covid-19... Do vậy, chồng bạn nên đi khám tại các cơ sở y tế càng sớm càng tốt để được thăm khám và làm một số thăm dò chẩn đoán cần thiết để xác định cụ thể tình trạng bệnh lý mà chồng bạn đang mắc phải. Như vậy bác sĩ mới có thể đưa ra những liệu pháp điều trị và theo dõi phù hợp. Chồng bạn nên thực hiện một số bài tập hô hấp đơn giản tại nhà như sau:
- Thở chúm môi: Bài tập thở này giúp tăng đào thải khí cặn ra khỏi phổi. Bạn hãy ngồi thoải mái, thả lỏng, hít vào từ từ bằng mũi sau đó thở ra bằng miệng với miệng chúm lại. Lưu ý thời gian thở ra gấp đôi thời gian hít vào. Có thể thực hiện bài tập này 3 lần/ ngày, mỗi lần khoảng 10-15 phút và mỗi khi thấy khó thở.
- Thở cơ hoành, thở bụng: giúp làm giãn nở lồng ngực, tăng khí vào phổi. Người bệnh sẽ đặt 1 tay trên ngực và 1 tay lên bụng, hít vào từ từ bằng mũi đồng thời phình bụng lên. Thở ra bằng miệng đồng thời hóp bụng lại. Bài tập này cũng nên được thực hiện với thời gian tương tự như bài tập thở chúm môi. Bên cạnh đó chồng bạn cần tập thể dục đều đặn, không hút thuốc và tránh khói thuốc thụ động, duy trì chế độ dinh dưỡng cân bằng, đầy đủ vitamin...
Thân mến!
-
Sau khi khỏi ốm, em thường xuyên cảm thấy cơ thể mệt mỏi và hơi thở nặng nề, không giống như trước đây. Khi hoạt động nhịp tim em cũng đập khá nhanh và không được nhanh nhẹn như trước, rất nhanh bị mệt. Cho em hỏi có cách biết chính xác tình hình hiện tại của mình và làm sao để cải thiện tình trạng này ạ. Em cảm ơn các bác sĩ nhiều!
(Lê Vân, 25 tuổi)ThS.BS Huỳnh Thanh Kiều:
Chào bạn,
Sau khi mắc một bệnh cấp tính, khỏi bệnh, một số trường hợp người bệnh có triệu chứng mệt mỏi kéo dài trong vài tuần. Trong thời gian này, cơ thể cần được nghỉ ngơi và hồi phục nên bạn cần có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý, tập thể dục vừa sức và tăng dần chứ không nên tập luyện trở lại ngay như ban đầu chưa bệnh. Nếu sau 2-4 tuần mà triệu chứng mệt mỏi không giảm hoặc nặng thêm thì bạn nên đến bệnh viện khám để tìm nguyên nhân, có thể bệnh chưa hết hẳn hoặc có thêm bệnh đồng mắc.
Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh quy tụ đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm, trang thiết bị hiện đại, cung cấp đa dạng dịch vụ khám, tầm soát và điều trị hiệu quả các bệnh lý tim mạch. Để đặt lịch khám với các chuyên gia Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, bạn có thể liên hệ qua Tổng đài: 1800 6858 (Hà Nội) hoặc 0287 102 6789 (TP HCM) để được hỗ trợ. Thân mến!
-
Sau khi bị F0 và khỏi bệnh, tóc em rụng nhiều hơn trước, mặc dù em đã dùng các loại dầu dưỡng, xịt tóc để hạn chế vấn đề này, nhưng tình hình vẫn không khả quan mấy. Cho em hỏi làm sao để có thể khắc phục tình trạng này ạ? Em cảm ơn các bác ạ.
(Nguyễn Đỗ Bảo Trân, 23 tuổi)ThS.BS Nguyễn Anh Duy Tùng:
Sau khi nhiễm Covid-19, tùy vào cơ địa của mỗi người mà sẽ có rất nhiều triệu chứng còn tồn tại nhiều ngày, thậm chí là nhiều tháng nhiều năm. Các triệu chứng này được gọi chung là hội chứng hậu Covid-19. Thông thường, rụng tóc là dấu hiệu dễ nhận thấy của tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng. Các chất này là tập hợp rất nhiều vi chất dinh dưỡng khác nhau, thường là sắt, kẽm, calci, vitamin D, vitamin nhóm B...
Trong và sau khi nhiễm Covid-19, cơ thể cần một lượng lớn chất dinh dưỡng để hồi phục. Do đó, khẩu phần ăn hằng ngày có thể sẽ không cung cấp đủ. Bạn cần ăn đủ các nhóm chất dinh dưỡng, cung cấp đủ lượng rau xanh và trái cây, uống thêm các loại vitamin tổng hợp theo chỉ định của bác sĩ. Ngoài ra, bạn có thể làm một số xét nghiệm máu để đánh giá tình trạng dinh dưỡng, từ đó mới đưa ra lời khuyên chính xác được. Thân chào!
-
Ba em hậu Covid-19 bị ho dai dẳng và khàn giọng đến nay đã 4 tháng mới có dấu hiệu giảm nhưng chưa dứt. Không biết như vậy phổi có bị tổn thương hay không và có cách nào để điều trị dứt điểm không ạ? Em cảm ơn!
(Thu Hiền, 26 tuổi)BS.CKII Trần Thị Thúy Hằng:
Chào bạn,
Ho kéo dài và khàn tiếng là triệu chứng của nhiều bệnh lý có thể ảnh hưởng từ mũi họng, thanh quản đến phổi. Để xác định được và điều trị có hiệu quả thì bạn cần khám, nội soi và làm một số xét nghiệm hình ảnh học để kiểm tra nhé! Bệnh viện Tâm Anh có nội soi hoạt nghiệm thanh quản, giúp chẩn đoán chính xác nguyên nhân khàn giọng của ba bạn. Từ kết quả chẩn đoán, bác sĩ sẽ đưa ra hướng điều trị thích hợp cho trường hợp của ba bạn!
Để đặt lịch khám với các chuyên gia Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, bạn có thể liên hệ qua Tổng đài: 1800 6858 (Hà Nội) hoặc 0287 102 6789 (TP HCM); truy cập website, nhắn tin cho fanpage Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh để được hỗ trợ. Thân mến!
-
Em mắc Covid-19 cách đây một tháng, hiện tại đã khỏe nhưng em đang gặp vấn đề về tâm lý. Em hay suy nghĩ tiêu cực, lo lắng quá mức. Vậy bác sĩ cho em hỏi có cách nào khắc phục không ạ?
(Huỳnh Thị Thu Giang, 29 tuổi, Đắk Lắk)TTƯT.TS.BS Nguyễn Thị Minh Đức:
Chào bạn,
Đại dịch Covid-19 đã gây ra mất mát thiệt hại lớn về con người, kinh tế. Thêm vào đó, tình trạng phong tỏa kéo dài hạn chế các hoạt động vui chơi, giải trí nên vấn đề sức khỏe tâm thần trong người dân là một vấn đề đáng quan tâm. Theo thống kê của Trung tâm bệnh tật Mỹ, có khoảng 13% người sau nhiễm Covid-19 bị rối loạn lo âu và 12% người bị trầm cảm.
Nếu bạn đã từng nhiễm Covid-19 và đang có những suy nghĩ tiêu cực, lo lắng quá mức thì bạn nên nhìn nhận những vấn đề đang làm cho mình lo lắng. Vấn đề mà bạn đang lo lắng ấy có thể tâm sự được cùng với ai, hãy tìm người thân hay bạn bè có thể giúp cho mình giải tỏa lo lắng. Bạn cũng nên tìm một công việc để làm, vừa tạo kinh tế cho bản thân vừa giúp đỡ mọi người xung quanh. Hiện tại, xã hội đang bước vào thời kỳ mới, các hoạt động xã hội, vui chơi đã bắt đầu khởi sắc. Những hoạt động thể thao, những mối giao tiếp dần trở lại, mặc dù vẫn còn rào cản nhỏ là chiếc khẩu trang thì vẫn có thể tạo ra cho chúng ta nguồn năng lượng tích cực.
Nếu đã áp dụng các biện pháp trên mà không cải thiện được tình trạng sức khỏe tâm thần thì bạn có thể đến BVĐK Tâm Anh để được các bác sĩ chuyên khoa Nội Thần kinh khám bệnh và đưa ra những chỉ định phù hợp như dùng thuốc thế hệ mới giúp người bệnh vượt qua những suy nghĩ tiêu cực, lo lắng. Chúc bạn mau lấy lại trạng thái sức khỏe tốt nhất, vui vẻ và làm việc hiệu quả.
Thân mến! -
Em bị Covid-19 từ đầu tháng 3 và đã âm tính, nhưng bây giờ còn ho và đờm rất nhiều. Có cách nào cho giảm bớt được không bác sĩ? Tối nằm xuống ngủ em thấy khó thở, thở yếu lắm. Mong bác sĩ cho em xin lời khuyên!
(Nguyen Huyen Trang, 28 tuổi, Biên Hòa, Đồng Nai)BS.CKII Trần Thị Thúy Hằng:
Chào bạn,
Các triệu chứng bạn mô tả có thể liên quan đến hậu Covid-19 nhưng cũng có thể do một bệnh liên quan đến mũi họng, thanh quản, phế quản phổi, trào ngược dạ dày thực quản gây ra. Vì thế, bạn nên đến bệnh viện khám tai mũi họng để bác sĩ chẩn đoán được chính xác bệnh, nếu nghi ngờ bác sĩ sẽ cho chụp thêm X-quang phổi để kiểm tra tình trạng khó thở của bạn.
Để đặt lịch khám với các chuyên gia Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, bạn có thể liên hệ qua Tổng đài: 1800 6858 (Hà Nội) hoặc 0287 102 6789 (TP HCM); truy cập website, nhắn tin cho fanpage Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh để được hỗ trợ. Thân mến!
-
Con em hậu Covid-19 cứ ho suốt mấy tháng, mà uống thuốc thì hết ho, riết rồi uống thuốc không còn tác dụng luôn ạ. Xin bác sĩ tư vấn giúp trường hợp của em. Em cám ơn bác sĩ rất nhiều ạ.
(Lê Thị Thủy Tiên, 42 tuổi, Phường 3, Quận Gò Vấp)ThS.BSCKI Trần Thị Mai Trinh:
Chào chị,
Thông tin chị cung cấp không cho biết bé bao nhiêu tuối, bé nhiễm Covid-19 bao lâu rồi? Trong lúc nhiễm Covid-19 bé có phải nhập viện và điều trị đặc biệt gì không? Bé ho khan hay ho có đàm, thời điểm nào ho nhiều nhất trong ngày? Ngoài ho, bé có triệu chứng gì khác không, như: sốt, khó thở, đau ngực, khò khè, nôn ói...
Trẻ hậu Covid-19 có thể xuất hiện nhiều triệu chứng, tuy nhiên thường gặp nhất là triệu chứng trên đường hô hấp. Ở trẻ em, ho kéo dài được định nghĩa là ho từ 4 tuần trở lên. Trẻ bị ho kéo dài hậu Covid-19 sẽ ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe. Trẻ có thể ho khan hoặc ho có đàm. Thông thường, ho ở trẻ có thể cải thiện với các thuốc giảm ho. Tuy nhiên, trẻ nhỏ chỉ được sử dụng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ. Ba mẹ không nên cho con ở nhà uống thuốc mà phải đưa đi khám ngay nếu triệu chứng ho hậu Covid-19 ở trẻ em dai dẳng không thuyên giảm, trẻ sốt cao hoặc khó thở...
Thời gian trẻ bị ho hậu Covid-19 có thể diễn ra khoảng 3-4 tuần, thậm chí vài tháng. Đặc biệt nguy cơ cao hơn nếu giai đoạn điều trị Covid-19 trẻ có sử dụng kháng sinh, thuốc ức chế miễn dịch. Tuy nhiên, ho có thể biểu hiện của nhiều bệnh lý khác nhau như: nhiễm trùng đường hô hấp, trào ngược dạ dày thực quản... Khi trẻ có các biểu hiện như vậy, ba mẹ cần chăm sóc, theo dõi sát biểu hiện của trẻ giai đoạn hậu Covid-19 như: nhanh mệt khi chạy nhảy hoặc chơi, thậm chí không muốn chơi. Trẻ có học tập bình thường không, trẻ có đau ngực hay khó thở khi vận động không... Nếu có những dấu hiệu bất thường kèm theo, ba mẹ cần đưa con đi khám để được bác sĩ trực tiếp thăm khám, xác định nguyên nhân và điều trị sớm nhất để tránh các di chứng đáng tiếc về sau.
Bên cạnh đó, ba mẹ cần bổ sung chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng, cho trẻ uống nhiều nước, khuyến khích trẻ vui chơi, vận động nhẹ nhàng để tăng cường thêm sức đề kháng.
Để đặt lịch khám với các chuyên gia Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, chị có thể liên hệ qua Tổng đài: 1800 6858 (Hà Nội) hoặc 0287 102 6789 (TP HCM); website hoặc nhắn tin cho fanpage Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh để được hỗ trợ. Thân mến!
-
Em bị Covid-19 xong bây giờ giống như có cái gì đè giữa ngực, cảm thấy khó thở về ban đêm, ho hụt hơi. Mong bác sĩ tư vấn giúp!
(Nguyễn Thị Hồng Duyên, 38 tuổi, Vũ Quang, Hà Tĩnh)TTND.PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bạch Yến:
Chào bạn,
Tình trạng tức ngực sau khi khỏi Covid-19 có thể là triệu chứng đơn thuần tự khỏi không nguy hiểm hoặc cũng có thể là dấu hiệu của một số vấn đề tim mạch như huyết khối động mạch phổi, rối loạn nhịp tim, suy tim. Do đó, để có được chẩn đoán chính xác, loại trừ các vấn đề tim mạch nặng một cách kịp thời, bạn có thể đến thăm khám tại các cơ sở y tế có chuyên khoa tim mạch để được bác sĩ tìm nguyên nhân và điều trị thích hợp.
Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh quy tụ đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm, trang thiết bị hiện đại, cung cấp đa dạng dịch vụ khám, tầm soát và điều trị hiệu quả hội chứng tim mạch hậu Covid-19 và các bệnh lý tim mạch khác, sẵn sàng hỗ trợ bạn.
Để đặt lịch khám với các chuyên gia Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, bạn có thể liên hệ qua Tổng đài: 1800 6858 (Hà Nội) hoặc 0287 102 6789 (TP HCM) để được hỗ trợ. Thân mến!
-
Tôi bị Covid-19 đã xuất viện 6 tháng nhưng vẫn bị ho nhiều mỗi khi nói, thở mạnh, đi lên cầu thang, đi bộ... Buổi tối ngủ cũng ho và đặc biệt sáng dậy ho nhiều, có đàm màu trắng. Tôi đã đi khám hậu Covid-19, kết quả là "xơ phổi và giãn phế quản". Tôi ăn uống đầy đủ, thể dục đều không bệnh nền và sức khỏe ổn định. Tôi phải chữa trị thế nào để hết tình trạng đang ho hiện nay. Mong được các bác sĩ tư vấn.
(Lê Đức Tuyên, 66 tuổi, 42bis/10, Trần Đình Xu, Quận 1)TTƯT.PGS.TS.BS Chu Thị Hạnh:
Nếu bạn đã được khám và được chẩn đoán "Xơ phổi và giãn phế quản", nhưng tình trạng bệnh của bạn không cải thiện, vậy bạn cần được thăm khám tại các bệnh viện có chuyên khoa sâu về hô hấp. Từ đó, bạn sẽ được làm thêm một số các thăm dò chuyên sâu hơn để đánh giá chức năng của phổi như đo chức năng hô hấp, test đi bộ 6 phút, đo độ khuyếch tán khí CO (DLCO), khí máu động mạch... và chụp cắt lớp vi tính phổi độ phân giải cao để đánh giá mức độ tổn thương. Từ đó, bác sĩ sẽ đưa ra những liệu pháp điều trị phù hợp với tình trạng của bạn.
Tập thể dục đều đặn, duy trì chế độ dinh dưỡng cân bằng, đầy đủ, bỏ thuốc lá, ăn một chế độ ăn uống lành mạnh; giúp khắc phục xơ phổi nhưng cần thời gian dài và kiên trì. Một số điều mà bệnh nhân bị xơ phổi cần thực hiện:
- Tập thể dục đều đặn với các bài tập sức bền
- Thực hành các kĩ thuật thở
- Chế độ dinh dưỡng cân bằng, đầy đủ
- Không hút thuốc và tránh hút thuốc thụ động
- Dùng thuốc theo đơn của bác sĩ.