Lưu Hà
Nhà văn Nguyễn Nhuận Hồng Phương, nhà thơ Tạ Văn Sỹ và Phạm Vân Anh trò chuyện với VnExpress.
'Nếu ở cương vị của họ, tôi cũng mệt mỏi, chán chường và thất vọng lắm'
- Ban giám đốc Trung tâm đột ngột từ chức ngay khi khoá I vừa bế giảng, là học viên, anh chị có cảm giác gì khi nhận được thông tin này?
![]() |
Tiến sĩ Phan Hồng Giang - Giám đốc. Ảnh: thotre. |
- Nhà văn Hồng Phương: Tôi không thấy có gì khó hiểu cả. Các thày đều có tuổi rồi. Công việc này nên để cho những người trẻ tiếp tục. Trong quá trình học, dù có nhiều khó khăn nhưng thày trò vẫn rất vui vẻ. Cá nhân tôi nhận thấy các thày đã rất cố gắng.
- Nhà thơ Tạ Văn Sỹ: Điều này tôi đã linh cảm được từ trước. Các thày đã đổ vào đây rất nhiều nỗ lực với tất cả lòng nhiệt tình, đam mê. Nhưng nếu tôi ở cương vị của họ, tôi cũng mệt mỏi, chán chường và thất vọng lắm. Vì mọi khâu chuẩn bị đều xộc xệch và thiếu chỉn chu ngay từ đầu. Trung tâm quá bị động trong việc đón tiếp học viên và không chuyên nghiệp trong tổ chức công việc hậu cần, hành chính. Tất cả những trở ngại vặt vãnh nhưng rất khó chịu ấy sẽ tác động rất lớn đến nhiệt huyết của Ban giám đốc.
- Nhà thơ Phạm Vân Anh: Tôi không bất ngờ vì tôi thấy các thày vất vả quá. Các thày đều là những nhà nghiên cứu, nhà văn có danh tiếng, nhưng khi đảm nhận vai trò quản lý ở đây, họ phải lo vô số việc không tên. Để thành lập được một trung tâm bồi dưỡng viết văn hiệu quả, cần có cả một guồng máy chứ không thể dựa mãi vào sức lực của ba người. Tôi nghĩ, các thày nhân đây cũng muốn nghỉ để dành thời gian còn lại cho việc viết lách.
- Anh chị gặp những khó khăn gì về nơi ăn chốn ở trong quá trình học tại Trung tâm?
- Nhà thơ Tạ Văn Sỹ: Nếu chiếu theo yêu cầu của các "đại gia" quen cuộc sống sang trọng thì cơ sở vật chất của Trung tâm rõ ràng không đáp ứng được. Nhưng cá nhân tôi vốn xuất thân từ hoàn cảnh khó khăn nên tôi không thấy vất vả gì khi học tập ở đây. Tôi cho rằng, nếu chúng ta đến đây để học, để trao đổi, trau dồi kiến thức thì điều kiện ăn ở chỉ là chuyện thứ yếu.
![]() |
Nhà thơ Vũ Quần Phương - Phó giám đốc. Ảnh: Thanh Niên. |
- Nhà thơ Phạm Vân Anh: Đúng là trước ngày khai giảng, một số cơ sở hạ tầng của trung tâm chưa được hoàn thiện. Đến ngày nhập học, tôi thấy văn phòng Trung tâm mới mua phích nước, ấm chén; phòng ở của học viên mới bắt đầu được trang bị chăn màn, chiếu... Mọi việc diễn ra khá gấp gáp. Trước đó, điều kiện điện đóm, phòng ốc cũng chưa đảm bảo. Nhưng nhà thơ Hữu Thỉnh (Chủ tịch Hội nhà văn VN), lúc ấy đang đi công tác ở Bến Tre, đã bay ra Hà Nội và kịp thời chỉ đạo mọi việc. Trong thời gian học, Ban giám đốc quan tâm rất chu đáo đến nơi ăn chốn ở của học viên.
'Nếu dẹp bỏ Trung tâm thì rất đáng tiếc'
- Anh chị đánh giá thế nào về chương trình giảng dạy?
- Nhà văn Hồng Phương: Theo tôi, chương trình cần bổ sung các buổi học về công việc bếp núc sáng tác. Các giáo sư tham gia giảng dạy đều rất giỏi, nhưng có những người vì xa công việc và tình hình thời sự đã lâu nên họ có cách nhìn hơi cũ. Nhiều giảng viên có những quan điểm, lập trường mâu thuẫn với nhau nên nếu học viên không có bản lĩnh, họ sẽ có thể bị lệch hướng.
- Nhà thơ Tạ Văn Sỹ: Chương trình giảng dạy nhìn chung là được. Ở góc nhìn cá nhân, theo tôi, trung tâm nên giúp học viên nâng cao hơn nữa nhận thức ở mọi lĩnh vực xã hội. Đối với đội ngũ giảng viên, cần mời thêm bộ phận nghiên cứu, lý luận, phê bình, đặc biệt là những người trẻ hoặc quan tâm đến văn học trẻ. Người trẻ nhất chúng tôi được học là nhà phê bình Nguyễn Đăng Điệp, nhưng ông cũng đã ngoài 40 rồi. Sau khoá học này, mỗi cá nhân sẽ có cách thu lượm riêng. Vì như lời nhà thơ Hữu Thỉnh nói, kinh nghiệm của mỗi một nhà văn chỉ đủ dùng cho cá nhân người đó. Trong văn chương, không ai dạy được ai cả. Còn tôi, tôi như con bò mải mê gặm cỏ trong những ngày đi học. Giờ là lúc tôi ngồi nhai lại những gì mình đã gặm nhấm được trong những ngày qua.
![]() |
Nhà văn Ma Văn Kháng - Phó giám đốc. Ảnh: phuongnamvh. |
- Nhà thơ Phạm Vân Anh: Với tôi, đây là một khoá học bổ ích. Ở mảng kiến thức kinh tế xã hội, chúng tôi được tiếp xúc với những giáo sư đầu ngành như Chu Hảo, Nguyễn Lân Dũng, Dương Trung Quốc... Những kiến thức các thày cung cấp sẽ giúp các tác giả viết không bị lệch, bị vênh so với thực tiễn cuộc sống.
Trong giới, chúng tôi được học những nhà văn, nhà nghiên cứu tên tuổi như Hữu Thỉnh, Trần Đình Hiến, Trần Đăng Khoa, Phạm Tiến Duật... Nhà thơ Vũ Quần Phương và nhà văn Ma Văn Kháng cũng tham gia nhiều buổi nói chuyện rất bổ ích, cung cấp những kiến thức và kinh nghiệm sát sườn cho học viên. Trong thời gian học ở đây, tôi đã viết được 3 chương tiểu thuyết và một chùm thơ gần 10 bài.
- Sau tất cả những sự cố này, anh chị đánh giá thế nào về triển vọng phát triển của mô hình bồi dưỡng viết văn?
- Nhà văn Hồng Phương: Nếu vì những khó khăn này mà bỏ hẳn Trung tâm thì rất đáng tiếc. Theo tôi, để khoá học được triển khai tốt hơn, cần chú ý tới một số vấn đề như: chặt chẽ hơn trong việc tuyển sinh (vì thực tế cho thấy, một vài tác giả thơ còn rất yếu); nên cố gắng tập trung về Quảng Bá để tiện việc ăn ở và sáng tác cho học viên; tổ chức tốt công việc hậu cần, ví như xây dựng được một bếp ăn tập thể...
- Nhà thơ Tạ Văn Sỹ: Hội nhà văn nên tiếp tục triển khai mô hình đã đặt ra. Tuy khoá I có chệch choạc nhưng đó là quy luật: vạn sự khởi đầu nan. Nếu rút ra được những kinh nghiệm sau tất cả sự việc này và vạch được đường hướng tổ chức khoa học, tôi tin Trung tâm sẽ tiếp nối được truyền thống của Trường viết văn Quảng Bá. Nói mãn nguyện thì không, nhưng anh em khoá I vẫn cảm thấy rất tự hào vì mình là lứa học viên đầu tiên.
Nhà văn Nguyễn Trí Huân: Giữa tháng 9 chúng tôi sẽ xem xét đơn xin từ chức Ban chấp hành Hội Nhà văn mới nhận được đơn của các bác chiều 16/8 nên chúng tôi chưa thể đưa ra quyết định gì cả. Chúng tôi đánh giá cao những đóng góp có ý nghĩa mở đầu của họ. Cá nhân tôi cho rằng, nguyện vọng của các bác là rất chính đáng, vì họ đều đã cao tuổi. Trước mắt, Ban chấp hành sẽ cố thuyết phục các bác tiếp tục cống hiến, nếu không được, chúng tôi mới tính đến phương án thay thế bằng một ban giám đốc mới. Ban chấp hành Hội sẽ có một phiên họp để bàn về vấn đề này. Phiên họp dự kiến diễn ra vào giữa tháng 9 Đúng là điều kiện vật chất của Trung tâm chưa được như ý muốn, nhưng đây mới là khóa đầu tiên, chúng tôi sẽ hoàn thiện dần dần. Quả thực, Trung tâm cũng thiếu bộ phận hành chính quản trị. Nhưng thực tế, mỗi năm Trung tâm chỉ đào tạo có 1-2 khóa (vì tổ chức nhiều thì lấy đâu ra học viên) tương đương từ 3 đến 6 tháng làm việc. Nếu cơ cấu hẳn một bộ phận hành chính thường trực, chúng tôi cũng phải tính sao cho hợp lý. Vì không thể để họ mỗi năm chỉ đi làm 6 tháng. Thời gian tới, Hội sẽ cân nhắc để giải quyết những tồn đọng này. |
Lưu Hà thực hiện