Không giống như một buổi tập luyện của học sinh bình thường, những cầu thủ của đội tuyển bóng đá của trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu khá vất vả khi tập luyện. Mỗi cầu thủ phải đeo một cuộn băng dày che trước mắt và tập theo sự hướng dẫn của thầy giáo.
Cả đội được xếp thành một hàng. Sau khi nghe hiệu lệnh của thầy giáo lần lượt từng học sinh chạy lên dẫn bóng về phía khung thành. Nhờ tiếng lách cách phát ra khi lăn trên sân mà các em mới biết được quả bóng dang chạy theo hướng nào. Khi đã về gần tới khung thành thầy lại hô lên làm tín hiệu cho các học trò sút.
K.Cương dẫn bóng theo hướng dẫn của thầy. Ảnh: Hải Duyên. |
Vì các em không có khả năng nhìn thấy nên thầy huấn luyện phải liên tục thổi còi và chỉ hướng để các cầu thủ không để mất bóng và giảm tai nạn cho các em.
Đến lượt mình K.Cương nhanh nhẹn nhận đường chuyền dò dẫm từng bước nhỏ không để lạc bóng. Hai chân cứ quơ bên này, bên kia để tìm bóng cho tới khi dẫn sát đến khung thành nghe thầy hô là em sút thẳng. Mặc dù chưa một lần ghi bàn nhưng đường chuyền của Cương cũng khá chắc chắn. Em là một học sinh người dân tộc, nhỏ nhất đội, em mới 13 tuổi nhưng được thầy giáo nhận xét là người chơi bóng khá tốt.
Đội tuyển đá banh của thầy Hậu gồm hai nhóm cầu thủ trong đó có một nhóm là những bạn vẫn còn khả năng thấy lờ mờ, nhóm còn lại thì bị mù hẳn. Để đảm bảo đúng luật dành cho trẻ em khuyết tật, tất cả đều phải đeo một cuộn băng bịt khín mắt, có như vậy mới công bằng cho cả đội chơi.
Cầu thủ khiếm thị dẫn bóng. Ảnh: Hải Duyên. |
Trao đổi với VnExpress.net thầy Nguyễn Đình Hậu người huấn luyện đội tuyển bóng đá của trường cho biết, đội bóng đầu tiên của trường được thành lập từ năm 2002. Những bạn có khả năng và thích môn này đều được thầy tập hợp lại và huấn luyện. Cũng không biết rõ từ ngày đầu tiên thành lập đến nay thầy đã dạy cho bao nhiêu đội. Cứ hết lớp này thầy lại dạy đến lớp khác.
"Lớp học hôm nay mới bắt đầu từ tháng 10 nhưng các em chơi cũng rất tốt. Từ ngày tôi dạy môn này chưa bao giờ tôi thấy các em tỏ ra nản chí, hầu hết đều rất thích mặc dù môn này không dễ dàng gì", thầy Hậu nói.
Những năm trước đây đội tuyển đá banh của thầy cũng đã từng tham gia giải bóng đá dành cho học sinh khuyết tật toàn quốc ở Quảng Trị, Đồng Nai và tham gia thi đấu với các đội tuyển của Nhật, Hàn Quốc. Mặc dù chưa được giải cao nhưng chơi được môn thể thao này là các em đã thực sự chiến thắng bản thân mình. Đó là phần thưởng lớn nhất mà các em đạt được.
Nói về những khó khăn của đội tuyển thầy cho biết, loại bóng các em chơi rất ít được sản xuất, giá lại cao nhà trường không có khả năng mua. Khi mới bắt đầu thành lập vì không có kinh phí nên các em phải chơi bằng bóng nhựa hoặc túi nlon bỏ sỏi vào trong để phát ra tiếng kêu. Sau nhiều lần tham gia thi đấu ở các giải toàn quốc dành cho học sinh khiếm thị, thầy trò mới có những trái bóng đặc biệt này.
Thầy Hậu cũng cho biết luật chơi của môn thể thao này có nhiều điểm khác biệt so với các cầu thủ bình thường. Khi giữ bóng trong chân, cầu thủ phải hô lên cho đối phương biết nếu không sẽ đụng vào nhau gây tai nạn và bị phạm lỗi. Mỗi đội tuyển gồm có 4 cầu thủ và một thủ môn. Theo luật quốc tế thì thủ môn phải là người bình thường vì không chỉ bắt bóng mà còn phải làm nhiệm vụ điều khiển cả đội. Nhưng hiện nay theo quy định của Bộ GD&ĐT thì luật trong nước quy định thủ môn phải là người khiếm thị. Luật trong nước và quốc tế không thống nhất nên nhiều khi các em cũng chịu những thiệt thòi.
Đối với sân bóng dành cho người khiếm thị thì phải thiết kế đặc biệt, có những tấm chắn cao xung quanh. Khi bóng chạm vào có thể nảy lại vào sân, hạn chế việc các em phải di chuyển nhiều để tìm kiếm bóng, và giảm bớt tai nạn. "Thực tế các sân bóng dành cho người khiếm thị của chúng ta đều chưa đáp ứng yêu cầu này. Nên khi tham gia các cuộc thi trong nước các em bị tai nạn nhiều hơn các giải quốc tế", thầy Hậu nói.
Hải Duyên