Dưới đây là cuộc trò chuyện với đạo diễn Malgorzata Szumowska khi bộ phim Hoang thai còn chưa hoàn thành.
- Ý tưởng "Thai nghe được" xuất hiện như thế nào?
- Một sáng mùa thu ảm đạm, chúng tôi đang pha cà phê trong bếp. Thình lình radio nói về phát hiện của các nhà khoa học: thai nghe được...
Ngay từ phút đầu, ý tưởng "thai nghe được" đã gợi mở cho tôi nhiều suy ngẫm, bởi trong đó ẩn chứa tình yêu đối với trẻ nhỏ và thế giới, bất chấp số phận, bất chấp thế giới này. Tôi bắt đầu viết. Khi đã có phác thảo đầu tiên, tôi mời nhà biên kịch Przemek Nowakowski hợp tác. Lần này tôi muốn tạo dựng một câu chuyện cụ thể trên giấy, và cần có một người ở bên tôi, đứng ngoài nhìn những gì tôi làm. Đối với tôi, ý tưởng và tư tưởng của phim là điều quan trọng nhất. Chủ đề, chuyện phim là thứ yếu. Khi tôi đã có tư tưởng, tôi bắt đầu dựng câu chuyện theo chủ đề. Sẽ là hay nếu nó có cấu trúc kịch giống như tấn thảm kịch Hy Lạp - nghĩa là có xung đột rõ ràng, còn nhân vật chính phải có nhiều sự lựa chọn. Câu chuyện sẽ không hấp dẫn, khi chúng ta loại bỏ những khoảng tối, bởi cuộc sống bao gồm cả những lúc vui lẫn những khi buồn.
![]() |
Poster phim "Hoang thai". |
- Mẹ chị mượn ý tưởng của chị. Chị không ghen với mẹ hay sao?
- Cũng có đấy, mặc dầu chính tôi trao cho mẹ. Có lẽ vì thế mà tôi không muốn đọc truyện, không muốn đọc Ewa của mẹ tôi khi tôi chưa có Ewa của tôi trên màn ảnh. Phải cái tôi cũng tò mò, ý tưởng này sẽ được khai thác và thể hiện ra sao trong văn học, tôi nghĩ bụng, mình sẽ là một cô gái cực kỳ ích kỉ nếu không muốn cho mẹ mượn ý tưởng của mình. Ngoài ra, cứ theo như lời mẹ kể, thì tiểu thuyết và phim khác nhau. Đôi lúc tôi cũng có ghen với mẹ, bởi mẹ viết quá ngon lành, mẹ có đất để biểu đạt được nhiều hơn và đa dạng hơn. Tôi thì buộc phải dựng những hình ảnh thực, chuẩn xác và lại còn chuyện muôn thuở - đi tìm nguồn kinh phí. Mẹ chỉ cần ý tưởng và computer. Dẫu vậy có lẽ tôi sẽ không chịu đổi...
Bây giờ tôi đang trong giai đoạn dựng phần đầu của phim, mẹ tôi thường là người xem đầu tiên, và là người xem tuyệt hảo - đón nhận tất thảy, rung cảm thật sự (mẹ thích phim của Almodovar vì độ rung cảm của nó và lời thoại mạnh của phim; mẹ thích những gì mạnh mẽ và rõ ràng, còn tôi thì hơi sợ điều này trong nghệ thuật).
Cho nên không bao giờ tôi mời mẹ làm phim. Có lẽ, hễ đã là phim của tôi thì không thể có chuyện người nhà tham gia. Gia đình đâu phải "người ngoài". Tôi có thể xin lời khuyên của gia đình, thậm chí tôi cũng có thể làm vậy khi mẹ yêu cầu tôi đọc sách của mẹ, tuy nhiên tôi không thể chia sẻ sạch sành sanh thế giới của mình, tôi muốn - có thể theo lối trẻ con - trong lĩnh vực nghệ thuật tôi không bị lệ thuộc vào bố mẹ.
- Ewa của chị liệu có phụ thuộc vào Ewa của mẹ chị?
- Đương nhiên Ewa không phải là chung. Tôi có Ewa của tôi, cụ thể đó là Malgorzata Bela, còn mẹ có Ewa của mẹ mà tôi còn chưa biết, vì tôi không muốn đọc tiểu thuyết của mẹ trước khi hoàn thành bộ phim của mình, tôi không muốn bị ảnh hưởng cách nhìn của mẹ, cho nên các cuộc chuyện trò của chúng tôi về đề tài này thường có phần khó khăn. Thế nhưng tôi có cảm giác, Ewa của mẹ bi đát hơn nhiều so với Ewa của tôi. Tôi chưa có con, có một số chuyện đời tôi không rành, tôi kể câu chuyện của mình theo linh tính, và dĩ nhiên nữ nhân vật chính của tôi chưa phải là người chín chắn. Đó là nghịch lý - "cô gái - đứa con" và "thai - đứa con", và cả hai cùng nhau khám phá thế giới.
![]() |
Trang bìa cuốn "Hoang thai" nguyên bản. |
- Trong tiểu thuyết của mẹ chị, nghe là quan trọng nhất - "Thai" nghe, đó là cốt lõi của tiểu thuyết. Còn trong phim của chị thì sao?
- Trong phim của tôi, nghe cũng là điều quan trọng nhất. Trong phim, khác trong tiểu thuyết, chẳng những có thể biểu đạt thế giới âm thanh, mà còn có thể thay thế lời bằng thế giới âm thanh. Nếu như trong tiểu thuyết của mẹ cũng xuất hiện âm thanh, thì đó là việc khó làm hơn trong phim. Đó là văn học cơ mà, mẹ làm gì có đường tiếng như trong phim. Ewa của tôi đối thoại với đứa con, nhưng đồng thời thế giới cũng đối thoại với đứa bé - với sự trợ giúp của âm thanh, âm nhạc. Thoạt đầu tôi định làm những màn độc thoại dài, kiểu như độc thoại trong tiểu thuyết, tuy nhiên trong phim làm vậy không khả thi, cho nên tôi phải tìm cách khác và đó chính là đời sống thứ hai, cũng quan trọng, trong phim của tôi - đời sống âm thanh.
- Phim cũng sẽ thầm kín như tiểu thuyết hay sao?
- Tôi nghĩ phim cũng sẽ thầm kín theo kiểu phụ nữ, tuy nhiên tôi không thích cụm từ "phim phụ nữ" và lối phân chia như vậy. Bản thân tôi thấy ngạc nhiên khi bỗng dưng cái sự thầm kín này xuất hiện trên màn ảnh; Cùng với Bela Malgorzata chúng tôi đã xây dựng một thế giới, trong đó chúng tôi có những chuyện thầm kín của phụ nữ và cô ta đã chia sẻ những chuyện thầm kín đó với đứa con còn đang nằm trong bụng mình. Cô ta nhận ra, cơ thể mình thay đổi như thế nào do có chửa, cô ta đẹp hơn khi bản thân mình trở thành một phụ nữ từ một đứa bé. Trong phim cũng ẩn chứa nhiều cảm xúc cá nhân của tôi, nhiều thứ nhỏ bé mà chúng ta thường không để ý. Rất nhiều cảnh kiếm tìm tình yêu và cái đẹp, nhưng theo cách đơn giản, kiểu đàn bà - trẻ con, có thể hơi ấu trĩ. Cái thầm kín của tôi là như vậy đó.
- Mẹ mà đề nghị chị làm phim tiểu thuyết "Con nhộng" hoặc một tiểu thuyết khác của mẹ thì chị nghĩ sao?
- Tôi rất xúc động khi đọc Con nhộng của mẹ, nhưng làm phim thì tôi chưa biết nên làm như thế nào. Tôi phải lắp ráp lại theo kiểu của tôi ngay từ đầu, tôi không biết đi vào thế giới của người khác, mẹ, dẫu rất gần gũi, nhưng mẹ có thế giới riêng của mẹ. Có một lần đạo diễn Filip Zylber nói chuyện với mẹ tôi, tỏ ý muốn làm bộ phim Con nhộng. Tôi bụng bảo dạ: "Tốt thôi, nhưng đó không phải việc của tôi". Mặc dầu đó là một tư liệu cực tốt cho làm phim.
- "Hoang thai" có làm cho hai mẹ con gần nhau hơn?
- Khi tôi làm phim thì tôi bị công việc cuốn hút đến nỗi tôi không thể có quan hệ bình thuờng với ngay cả người trong gia đình mình; đó là sự ích kỷ nghề nghiệp. Mẹ ngồi hàng giờ đồng hồ, dán mắt vào máy vi tính, tập trung cho tiểu thuyết, còn tôi tập trung vào các cuộc tiếp xúc tuyển chọn diễn viên và các tấm ảnh thử. Hiếm khi hai mẹ con góp ý cho nhau. Tuy vậy mẹ cũng đã phác hoạ cho tôi được một số ý hay. Chúng tôi gần nhau đủ độ để không can thiệp vào chuyện tiểu thuyết và chuyện phim của nhau. Cứ để cho hai cái "thai" đó được sống cuộc sống của mình, còn nơi chúng gặp nhau cũng có thể là "điểm giao nhau" của chúng tôi ở nơi chúng tôi giống nhau.
"Hoang thai" trong phim và "Hoang thai" trong tiểu thuyết:
Trong phim: Ewa sinh sống ở Krakow, làm việc tại trạm xăng. Tình cờ có chửa, cha của đứa bé là một gã đàn ông nghiện ngập, dân tán gái. Cô gái định đi nạo thai. Tuy nhiên toàn bộ số tiền cô gái dành nạo thai đã bị đánh cắp. Một hôm nghe radio cô gái được biết: "hình như thai nhi trong bụng mẹ nghe được". Thế là cô gái bắt đầu trò chuyện với đứa con còn nằm trong bụng mình, kể và giảng giải cho bé về thế giới chung quanh. Rốt cuộc cô gái quen một gã con trai dân ăn chơi và đem lòng yêu hắn ta. Trong tiểu thuyết: Ewa là cô gái ở một thị trấn nhỏ. Bị gã con trai cô gái quen tại sàn nhảy cưỡng dâm. Khi biết mình có thai, cô gái định loại bỏ nó đi. Song cô gái đã thay đổi quyết định khi nghe radio nói: "Hình như thai nhi nghe được". Sống trong một gia đình, nơi mọi người không biết đối xử tình cảm với nhau, không biết trò chuyện thật tình với nhau, không biết sẻ chia, lần đầu tiên Ewa tin rằng, có một người chịu lắng nghe mình nói. Người đó chính là Thai (Ono). Cô gái rong ruổi khắp Ba Lan, đi tìm người cha của con mình. |
Renata Radlowska thực hiện
Lê Bá Thự dịch
(Nguồn: Thế Giới Điện Ảnh)