![]() |
Vết nứt dài, sâu ở nền nhà của anh Bõp (Gia Lai). Ảnh: Thanh Niên. |
Đó là ấn tượng của cụ Bluich ở làng A Klai, xã Ia Pết (huyện Đak Đoa, Gia Lai) sau vụ sụt đất tối 8/4. Tối đó, hàng trăm người dân ở làng A Klaí, xã Ia Pết đã kêu thét lên, bỏ nhà cửa chạy sang các xã lân cận khi chứng kiến mặt đất toác rộng, đất sụt xuống sâu hoắm tại nơi mình sinh sống.
2 ngày sau vụ sụt đất, hầu hết người dân đã trở về nhà, nhưng nỗi lo sợ vẫn bao trùm khắp ngôi làng. Anh Bõp, ở làng A Klai kể, 7h sáng 8/4, sân nhà anh bỗng xuất hiện nhiều vết nứt nhỏ. Đến trưa thì vết nứt to dần. "Chưa hiểu chuyện gì xảy ra thì tôi thấy nền nhà bỗng nhiên có vết nứt dài hơn chục mét, sâu chạy cắt ngang nhà. Nền nhà bằng xi măng bung lên, mái tôn kêu ken két... Hai đứa con và vợ mình kêu thét lên, chạy ra khỏi nhà", anh Bõp kể lại.
Theo một số người dân, vụ sụt đất không chỉ làm náo loạn làng A Klai, mà còn làm cho hơn 1.000 người dân ở những ngôi làng khác trong xã Ia Pết cũng hoảng loạn đem theo xoong, nồi, chăn màn kéo nhau sang các xã lân cận như: Ia Băng, Ia Tiêm (huyện Đak Đoa) để lánh nạn vì sợ đất sẽ tiếp tục sụt rộng ra. Cửa nhà nào cũng mở toang, còn khổ chủ chen nhau chạy, đèn pin, đuốc đỏ cả một vùng.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó chủ tịch xã Ia Pết cho biết, sau vụ sụt đất, xã đã cử người để giữ an ninh trật tự, nhà cửa cho dân, đồng thời cấp báo lên cấp trên. Tại làng A Klai có rất nhiều vết nứt, có vết dài đến vài chục mét, sâu nhất 3-4 m. Rạng sáng 9/4, xã đã vận động hầu hết người dân trở về nhà, nhưng còn nhiều người không dám vào nhà vì lo sợ. Đến chiều 9/4, chỉ một cơn mưa nhỏ nhưng nhiều người dân cũng rục rịch chờ chạy vì sợ sụt đất tiếp.
Theo ghi nhận tại hiện trường, ở làng A Klai xuất hiện nhiều đường nứt chạy dài theo hình vòng cung, có đường dài hơn 20 m, xuyên qua các con đường trong làng vốn có nhiều phương tiện qua lại mỗi ngày. Người làng bàn nhau mua hai con lợn làm lễ cúng Yàng. "Sợ quá mà! Phải cúng Yàng để cho đất không nứt nữa", một cụ già trong làng nói. Hơn 20 xe công nông của người dân không đem vào nhà như thường lệ mà để sẵn ngoài đường để chờ... chạy.
Phó giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Gia Lai Phạm Duy Du cho biết, sụt đất có thể là hoạt động kiến tạo bình thường của vỏ trái đất. Tuy nhiên cũng không loại trừ ảnh hưởng của mực nước ngầm. "Hiện vẫn chưa có kết luận chính thức, chúng tôi đang đề xuất với tỉnh phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Liên đoàn địa chất 701 đóng chân trên địa bàn tỉnh Gia Lai cùng vào cuộc để tìm ra nguyên nhân chính của vụ sụt đất", ông Du nói.
(Theo Thanh Niên)