Phạm Nhật Linh -
Tuổi trẻ bao giờ cũng sung sức trong công việc và đặc biệt, trong tình yêu - lĩnh vực mà dường như nguồn cảm xúc trải bày của họ luôn tươi tắn, lãng mạn và... lai láng hơn nhiều so với khi đã có tuổi. Nhưng riêng với nhà phê bình văn học Hoài Thanh, sự thể xem ra có phần... ngược lại. Ấy là tôi căn cứ vào những điều thể hiện trong một số thư từ và di bút của ông.
Đọc những bức thư đầu tiên ông gửi cho nữ nhà báo Phan Thị Nga, người sau này trở thành phu nhân của ông, hẳn bạn đọc sẽ không khỏi ngạc nhiên và... bật cười vì lời lẽ quá mô phạm, khô cứng, thật khác với những gì người ta trông đợi và hình dung ở một ngòi bút nổi tiếng tài hoa như Hoài Thanh.
Trong bức thư đề "Huế, 7 avril-1933", Hoài Thanh mở đầu bằng những dòng thưa gửi rất nghiêm cẩn: "Chị Nga. Tuy chị chưa tự giới thiệu, nhưng tôi xem thư cũng có thể hiểu chị là một người thực và nghiêm. Trước kia tôi cũng nghe nói như thế. Và chính một phần cũng bởi nghe nói thế nên tôi mới muốn giao thiệp cùng chị".
Tiếp đó Hoài Thanh cho biết việc ông muốn giao thiệp với cô gái (tức nữ nhà báo Phan Thị Nga) chẳng qua cũng như ông "muốn giao thiệp cùng anh Lư [ 1] hay một người bạn trai nào khác, nghĩa là muốn biết một người nghe nói có chí khí, có lòng tốt, có trí thức. Thế thôi!"
Thời nay, có lẽ hiếm cô gái nào lại cảm thấy "vừa lòng" khi một chàng trai nêu lý do muốn "giao thiệp" với mình như vậy. Và cách khen "một người thực và nghiêm", "một người nghe nói có chí khí, có lòng tốt..." cũng chưa hẳn là điều họ thích nghe nhất.
Đọc tới đây, cũng có thể ai đó lại cho rằng: Biết đâu lúc bấy giờ, Hoài Thanh cũng chỉ muốn "giới hạn" mối quan hệ của mình với nữ nhà báo Phan Thị Nga ở đấy? Sự thể không phải vậy, bởi ở cuối bức thư, Hoài Thanh đã tiết lộ: "Tôi muốn giao thiệp cùng chị, mục đích trước nhất là tìm một người bạn, sau nữa, nếu tính tình chúng ta đồng điệu với nhau, là tìm một người yêu". Chao ôi, hiếm ai thời nay lại "tìm một người yêu" bằng những lời lẽ "ngang bằng, sổ thẳng" như vậy. Khi tôi đặt vấn đề này với nhà văn Từ Sơn, con trai trưởng của nhà phê bình Hoài Thanh, anh Sơn đã bật cười mà rằng: "Phải công nhận cụ viết thư tình... khô thật".
Khi viết bức thư nói trên, Hoài Thanh mới... 24 tuổi.
Một điều thật lạ là, ở tuổi trẻ trai, nhà phê bình văn học của chúng ta có những lời lẽ quá ư khuôn phép vậy, nhưng khi sắp giã biệt cõi đời, ông đã hồi nhớ lại mối nhân duyên của mình và đã chấp bút viết nên những dòng hoài niệm chan chứa yêu thương và đầy... sức trẻ.
Đọc những dòng này, không ai nghĩ Hoài Thanh đã ở vào tuổi thất thập: "Nguyên [ 2] ngồi trong bệnh viện, viết mấy dòng này, không biết rồi có đứa con nào của chúng ta đọc đến không. Nhưng Nguyên thì vẫn nhớ như in cái hình ảnh nhẹ nhàng, thanh thoát với chiếc áo dài màu xanh nhạt hôm Tết 1934 lần đầu tiên Nga đến gặp Nguyên tại nhà chị Tân Hội An, nhớ như in cái nhìn ngượng ngùng của Nga hôm Nga đưa cho Nguyên gói thuốc lào nhỏ trong lá chuối..., nhớ như in cả cái cười sung sướng của Nga trước số nhà 20 Nguyễn Thượng Hiền vẫy Nguyên đến ăn cơm quán buổi trưa...".
Ở đây, cũng cần kể thêm: Nhà báo Phan Thị Nga sống với nhà văn Hoài Thanh tới năm 1964 thì mất vì bệnh tim. Năm 1968, nhà văn tục huyền với bà Nguyễn Thị Bền. Sau nay, bà Bền gặp tai nạn, bị bệnh tâm thần rồi mất. Nhớ về những ân nghĩa của bà Bền đối với mình, Hoài Thanh cũng đã có những dòng hồi ức rất cảm động (và không kém phần lãng mạn): "Trong bóng đêm đang muốn trùm lên người em vẫn sáng ngời lên rất đẹp mối tình âu yếm của em đối với anh. Đến bữa ăn, đôi đũa của em vẫn tìm những miếng ngon nhất để gắp cho anh... Lại những năm mới vào Sài Gòn, em cầm tay anh dắt anh đi qua những phố đông người, dắt anh đi lên xe buýt, khéo léo tìm cho anh một chỗ ngồi trong khi em cứ đứng".
Hoài Thanh vốn dĩ được xem là một nhà phê bình thơ rất tinh tế, là "một nhà thơ không làm thơ". Vậy mà, khi gặp bà Bền, nguồn thơ trong ông bỗng bừng bừng tuôn chảy. Và - ở tuổi 60, ông đã sáng tác nên một bài... thơ tình, với những câu đầy âu yếm: "Bền ơi, thương em quá đi thôi/ Thương từ cái miệng em cười/ Hàm răng em trắng muốt/ Thương tấm thân em mát rượi dưới tay anh" và "Khi hai đứa mình gặp lại nhau thì cuộc đời riêng đã xế bóng/ Có ngờ đâu bỗng lại tràn ngập ánh xuân tươi/ Em đến với anh như nàng tiên trong truyện cổ".
Công bằng mà nói thì đây là những vần thơ còn thô mộc, nặng yếu tố tình cảm hơn nghệ thuật. Theo như thổ lộ của nhà văn Từ Sơn, thì thoạt đầu, tiến sĩ - dịch giả Phan Hồng Giang, em trai ông, rất không muốn cho công bố bài thơ này trong bộ Toàn tập của Hoài Thanh, sợ chất lượng của nó có thể làm ảnh hưởng đến uy tín của người cha đáng kính. Song Từ Sơn vẫn quyết đưa bài thơ vào bộ sách vì ông cho rằng, qua bài thơ, người đọc sẽ thêm hiểu cốt cách, tâm hồn của nhà phê bình lỗi lạc.
Ít ra, nó cũng cho thấy ở Hoài Thanh cái sự: một "tình già" bằng ba "tình trẻ", là có thật.
(Nguồn: Văn Nghệ Công An)