Thứ tư, 18/10/2017, 10:00 (GMT+7)

Coverciano - Lò luyện danh sư của bóng đá Italy

Pháp nổi tiếng với Clairefontaine, Italy tự hào với Coverciano. Khác biệt ở chỗ: một nơi tạo ra học trò, còn một nơi cho ra lò các HLV lừng danh. 

Sau khi Carlo Ancelotti bị Bayern Munich sa thải, nhiều người đã vội kết luận về sự hết thời của những HLV người Italy. Nhưng ngày tàn của những ông thầy ở đất nước hình chiếc ủng, nếu có, có lẽ vẫn còn ở rất xa. 

Allegri, Ancelotti, Conte và Ranieri (từ trái qua) đều là những học viên xuất sắc của lò Coverciano. Ảnh: Bleacher Report.

Mùa trước, nhà cầm quân giương cao chiếc Cup vô địch Ngoại hạng Anh - giải đấu khốc liệt nhất hành tinh - là Antonio Conte, một người Italy. Nhà cầm quân nào vô địch Ngoại hạng Anh ngay trước Conte? Đấy là Claudio Ranieri, HLV cùng Leicester City viết nên câu chuyện cổ tích thời hiện đại.

Trước khi bị sa thải, Ancelotti cũng đã kịp bổ sung vào bộ sưu tập danh hiệu vốn đã đồ sộ của ông một chiếc đĩa bạc - phần thưởng dành cho nhà vô địch Bundesliga. Massimiliano Allegri cùng Juventus giành scudetto thứ ba liên tiếp, đồng thời tiến vào trận chung kết Champions League thứ hai trong vòng ba mùa.

Ở những nơi xa xôi một chút, Massimo Carrera giúp Spartak Moscow giành chức vô địch Nga đầu tiên kể từ năm 2001. Hiện tại, dẫn đầu giải Ngoại hạng Nga là Zenit St Petersburg, đội bóng được cầm quân bởi một người Italy khác, Roberto Mancini. 

Lippi sang Trung Quốc và từng gặt hái thành công lớn ở cấp CLB, trước khi lĩnh ấn ở ĐTQG quốc gia Đông Á này. Ảnh: Xinhua.

Marcello Lippi được đội tuyển Trung Quốc chọn mặt gửi vàng cho tham vọng trở thành cường quốc ở châu Á. Lippi không cô đơn ở quốc gia đông dân nhất hành tinh. Vì còn hai người đồng hương đang làm việc tại giải vô địch Trung Quốc: Fabio Capello và Fabio Cannavaro.

Tất nhiên, không phải HLV Italy nào cũng được săn đón, ngưỡng mộ. Người ta bảo nếu du khách đến Italy và nhắc đến tên HLV trưởng của đội tuyển nước này là Giampiero Ventura thì sẽ biết ngay thế nào là chửi thề kiểu Italy. Hay như Capello, bị dân Anh cạch mặt vì bỏ của chạy lấy người sau World Cup 2010. Walter Mazzarri từng được ngưỡng mộ ở Napoli, nhưng thất bại thảm hại ở Watford... 

Tuy vậy, những trường hợp ấy không thể phủ nhận thương hiệu ổn định và uy tín của các nhà cầm quân Italy. Điều đó khiến cho Coverciano trở thành một thương hiệu của bóng đá Italy ở nước ngoài, tương tự món spaghetti, ly cappuccino, đôi giày của Salvatore Ferragamo, hay xa xỉ hơn là những chiếc siêu xe Ferrari.

Một trong những sân tập ở Coverciano. 

Năm 1952, LĐBĐ Italy (FIGC) mua lại mảnh đất ở Coverciano, thuộc ngoại ô thành phố Firenze để xây dựng một trung tâm huấn luyện, cho cả cầu thủ lẫn HLV. Được khánh thành hai năm sau đó, Coverciano đã góp phần làm thay đổi hoàn toàn diện mạo bóng đá Italy, và một phần nào đó, cả bóng đá châu Âu.

Arrigo Sacchi, HLV vĩ đại của AC Milan những năm 1980, từng "tốt nghiệp" ở Coverciano. Ông giải thích vì sao các HLV Italy lại được ưa chuộng: "Serie A dạy rất nhiều về chiến thuật, dạy luôn cách chống chọi với áp lực. Hôm nay ta là ngôi sao, hôm sau ta bị ném đá tổng lực là chuyện bình thường. Nhưng những HLV người Italy vẫn xuất hiện đều đặn. Antonio Conte có tố chất làm HLV từ rất sớm, cậu ta ghi chép lại những bài tập mà tôi áp dụng cho đội tuyển Italy vào giữa những năm 1990. Thành công của cậu ta đến từ sự bền bỉ, khát khao và sự ám ảnh dành cho bóng đá".

Sacchi (trái) và Ancelotti đều là những niềm tự hào của bóng đá Italy khi ra bên ngoài biên giới. 

Tất nhiên, sinh viên "tốt nghiệp" từ Coverciano ra thì không phải ai cũng như ai. Sacchi nói: "Carlo Ancelotti rất biết cách quản trị cầu thủ. Cậu ấy xứng đáng có một giải thưởng cho việc ấy. Capello thì ra dáng của một nhà chiến thuật hơn".

Sacchi, Ancelotti, Capello đều là những niềm tự hào của bóng đá Italy ở nước ngoài. Real Madrid sau này từng mời Sacchi làm Giám đốc thể thao. Và ngay vào những lúc khó khăn nhất, Real đều chấp nhận hy sinh truyền thống đá đẹp để mời Capello về. Hai lần làm việc ở đó, Capello giành hai La Liga ở mùa đầu tiên rồi ra đi ngay lập tức.

Bóng đá Italy đã quá nổi tiếng bởi chiến thuật. Thế nên những lúc ít ngôi sao nhất, bị đánh giá thấp nhất, tinh thần tập thể và sức mạnh chiến thuật của người Italy lại trỗi dậy mạnh mẽ. Thứ tri thức vô giá ấy được nuôi dưỡng tại Coverciano, viên ngọc trên chiếc vương miện mang tên Calcio. Nó là một ngôi làng, nằm phía bắc Firenze, yên bình với những căn villa hạng sang và những cung đường rộng thênh thang. 

Trụ sở của FIGC cũng được đặt ở đó. Các đội tuyển Italy, trải đều ở mọi cấp độ, cũng đều tập trung và tập luyện ở đó. Bên trong trụ sở của FIGC có một phòng truyền thống, lưu giữ những kỷ vật, những danh hiệu đã làm nên sự vĩ đại của màu áo thiên thanh. Không chỉ lưu giữ quá khứ vàng son, Coverciano còn là khởi đầu của tương lai.

Phía sau bức tường này là Coverciano - nơi lưu giữ những bí quyết biến bóng đá Italy thành một trong những nền bóng đá giàu trí thức và không ngừng cách tân về chiến thuật.

Thư viện khổng lồ với đủ thứ sách vở, tài liệu về chiến thuật ở Coverciano được ví như một "Tàng kinh các" của bóng đá phương Tây. Các HLV trẻ đến đây tầm sư học đạo trước khi... "xuống núi" hành hiệp ở các CLB Serie A. Nếu tình cờ ghé ngang Coverciano những ngày này, có thể bạn sẽ bắt gặp hai cao thủ một thời đang "bế quan luyện công": Luca Toni và Mauro Camoranesi, những nhà vô địch World Cup 2006.

Bộ đôi này đang hoàn tất luận văn tốt nghiệp, và đề tài họ chọn chính là tiếp tục đào sâu vào triết lý bóng đá của người Italy, với hy vọng đưa ra một sự kiến giải mới - điều mà các đàn anh thuở trước vẫn làm. 

Allegri hai lần đưa Juventus vào chung kết Champions League trong vòng ba năm gần nhất.

Khi còn là cầu thủ, Allegri đá ở hai vị trí: tiền đạo cánh và "số 10", nên đề tài mà ông trình bày là cách phát huy sức mạnh ở hàng tiền vệ. Bài luận của Allegri có đoạn: "Nơi hàng tiền vệ ba người, cầu thủ cầm trịch phải có sức sáng tạo to lớn, chọn vị trí chuẩn mực và luân chuyển bóng lên thật nhanh cho những đợt phản công. Người đứng bên phải anh ta phải chạy liên tục, tranh bóng bổng tốt và hỗ trợ phòng ngự. Người bên trái sẽ kỹ thuật hơn, biết qua người, dốc bóng, tạo cơ hội ghi bàn hoặc tự mình ghi bàn".

Năm 2006, Antonio Conte nộp bài luận tốt nghiệp dài đến 40 trang, với nhan đề: "Nhìn lại sơ đồ 4-3-1-2 và cách dùng công nghệ video". Conte viết: "Video rất hữu dụng trong việc chỉ ra những điểm sai sót, vì thế cần áp dụng triệt để vào những buổi tập. Không phải cầu thủ nào cũng cầu thị, nhưng bạn đưa video thì họ hết cãi".

Hay như bài luận của Maurizio Sarri, viết về những nhiệm vụ đặt ra cho Ban huấn luyện lẫn cầu thủ trong tuần lễ trước khi diễn ra trận đấu. HLV đang cùng Napoli bay cao trên đỉnh Serie A lúc này viết: "Một tuần bình thường sẽ có bảy buổi tập. Hai buổi tập thể lực. Hai buổi xét lỗi của trận đấu trước đó, một buổi chung cho toàn đội, một buổi dành cho từng khu vực riêng biệt (phòng ngự, tiền vệ, tấn công). Ba buổi tập còn lại mới hướng đến trận đấu tiếp theo. Một buổi tập phòng ngự, buổi thứ hai tập tấn công, buổi thứ ba tập đá phạt và chống đá phạt".

Sarri đang cùng Napoli bay cao trên đỉnh Serie A, và được xem là đại diện tiêu biểu mới nhất cho thế hệ "sinh viên" tốt nghiệp từ Coverciano.

Thành công của Sarri mấy năm qua tại Napoli nhận được rất nhiều sự ngưỡng mộ. Dẫn đầu "fan club" của Sarri chính là... Sacchi. Sacchi nói: "Những HLV Italy thuộc thế hệ mới nhận ra chiến thắng thôi là chưa đủ. Họ muốn làm việc ấy cùng với vẻ đẹp và cảm xúc của bóng đá. Sarri là đại diện tiêu biểu cho trường phái này. Cầu thủ của ông ta đam mê và quả cảm".

Không chỉ viết bài luận, họ còn phải bảo vệ bài luận ấy thông qua một phần thi vấn đáp. Renzo Ulivieri, cựu HLV Parma, Napoli, Chủ tịch Hiệp hội HLV Italy, và là hiệu trưởng của trường đào tạo Coverciano, sẽ cùng cộng sự lắng nghe các HLV bảo vệ quan điểm họ nêu ra trong bài luận. Bài thi này nhằm mục đích kiểm tra khả năng thuyết phục của các học viên. Bởi nếu họ không thể thuyết phục được các giáo sư, làm sao họ thuyết phục được ngôi sao ở các đội bóng tương lai, hay thậm chí là những ông chủ thích xen vào chuyên môn, kiểu như Silvio Berlusconi?

Có hai cụm từ bị xem là cấm kỵ trong lúc bảo vệ bài luận. Thứ nhất là “ai miei tempi” (thời của tôi), thứ hai là “il mio calcio” (bóng đá của tôi). Vì ở đây, những gì liên quan đến hào quang quá khứ đều là vô nghĩa. Nếu anh giỏi, hãy chứng minh khả năng sư phạm và chiến thuật, chứ không cần phải trình tiểu sử huy hoàng khi còn thi đấu. Lịch sử chứng minh: những siêu sao giỏi nhất vẫn thất bại thê thảm khi cầm quân. Và những người đã bóng dở ẹc vẫn có thể làm thầy và thành công vang dội, như... Sacchi, Lippi và Sarri.

Renzo Ulivieri trong lúc đứng lớp HLV. Ông nhấn mạnh triết lý đào tạo HLV ở Coverciano: "Không có thứ bóng đá hoàn hảo, chỉ có thứ bóng phù hợp nhất trong mỗi hoàn cảnh". Ảnh: NY Times.

Ulivieri, người để một bức tượng chân dung của Lenin trên bàn làm việc, nói: "Chúng tôi không tạo ra những HLV khuôn mẫu. Không có HLV kiểu Italy hay kiểu Pháp. Nơi đây không phải nhà máy. Không có bóng đá của tôi, của anh. Chỉ có thứ bóng đá để anh áp dụng cho 20 cầu thủ của mình mà thôi".

Trong cuốn hồi ký mang tên "Nghề Italy" của danh thủ Gianluca Vialli kể lại lời của Marcello Lippi, HLV giúp Italy vô địch World Cup 2006. Lippi nói: "Coverciano không mang đến những định lý hay sự thật, mà vạch ra những khả năng". Ulivieri nói thêm: "Bóng đá tiến lên nhanh lắm. Sách vừa xuất bản đã là sách cũ rồi. Và chúng tôi không cho phép mình nhìn lại phía sau".

Cách vận hành của Coverciano cũng như thời trang lừng danh của Italy: cổ điển nhưng vẫn cách tân, hàn lâm nhưng vẫn gần gũi. Đấy là lý do người Italy chưa bao giờ dừng lại về chiến thuật. Khi Sacchi từ giã băng ghế huấn luyện, ông tiếp tục mang trí tuệ của mình giúp cho những HLV trẻ. 

Nhìn những tập bài luận của các HLV được chất trong kho lưu trữ, ta biết vì sao Italy vẫn là "Thái sơn bắc đẩu" của làng HLV thế giới. Và thành công của họ trong ba mươi năm qua, kể cả khi đội hình không có một ngôi sao nào hay Serie A chìm vào bóng tối scandal, sẽ được giải thích một cách dễ dàng hơn.

Hoài Thương tổng hợp