Dưới đây là những chia sẻ của họ quanh câu chuyện "Đã mang lấy nghiệp vào thân".
- Nghề viết chọn chị hay chị chọn nghề viết?
- Dạ Ngân: Chắc là cả hai đã chọn nhau. Như lương duyên. Tôi giỏi văn từ nhỏ, lại thích cô độc với nước lớn, nước ròng, chim muông hoa lá. Các thày dạy văn đều tiên đoán, tôi lớn lên sẽ viết văn hoặc làm cô giáo dạy văn.
- Phan Thị Thanh Nhàn: Phải cả hai thôi. Một bên chọn chắc không được. Ngày xưa, cạnh nhà tôi có một bà hàng xóm làm nghề cho thuê sách. Bố tôi là người rất hay đọc. Cụ mê Tam quốc, Thủy hử, Hồng lâu mộng… Bà chị cả của tôi cũng ham văn chương thơ phú. Niềm đam mê đó lan truyền sang tôi từ thủa bé. Tôi rất thích ngồi nghe bạn bè của chị tụ họp đọc thơ và nói chuyện. Ngay từ nhỏ, tôi đã tập tành viết nhật ký, làm thơ, nên thường được bạn bè cùng trang lứa gọi đùa là nhà thơ. Thày cô và người thân cũng khuyến khích tôi chọn nghiệp viết.
- Võ Thị Xuân Hà: Tôi cũng nghĩ, sự gặp gỡ này xuất phát từ hai phía. Về mặt tâm linh, tôi luôn cảm thấy có một “thế lực siêu hình” nào đó cứ xui khiến, bắt mình phải day dứt, phải viết ra những điều trăn trở. Khi dấn thân vào làm văn, tôi cũng rất thích nghề này. Tất nhiên, trong quá trình sống và viết, tôi phải học hỏi rất nhiều chứ không thể ỷ lại vào những gì trời cho.
Nhà văn Dạ Ngân. Ảnh: dangannga.googlepages. |
- Theo chị, đâu là thuận lợi và khó khăn đối với những người phụ nữ viết văn?
- Dạ Ngân: Tôi chỉ thấy toàn khó khăn và bất hạnh thôi. Sắc sảo quá cũng bị người ta cảnh giác và đố kỵ, giỏi giang quá thì cực thân, gai góc thì có thể vạ miệng, dấn thân nữa thì coi chừng! Và người phụ nữ viết văn vẫn phải chu toàn với các vai làm vợ, làm dâu, làm mẹ. Còn nữa, ví như khi người ta ngủ thì mình thức, khi người ta bon chen để kiếm chức hay kiếm tiền thì mình lại hay viện dẫn lương tâm, thậm chí, khi con người hí hửng văn minh công nghiệp thì mình lại thấy hình như nhân loại đang nhanh chân đến ngày tận thế. Tóm lại, nhà văn cứ hay suy ngẫm, thế thời, gàn dở, lương tri… thì quả là bất hạnh. Sao mình lại cô đơn giữa bầy đàn của mình như vậy? Không giống ai trong dòng họ, không giống ai trong khu phố, không giống ai cả nhưng vẫn phải giữ lấy cuộc sống thường nhật một cách yên ổn, hài hoà. Đó là bi kịch chứ đâu chỉ khó khăn thôi.
- Phan Thị Thanh Nhàn: Phụ nữ hay đàn ông viết văn cũng thế thôi. Quan trọng là phải có niềm đam mê công việc. Ngoài viết văn, tôi còn viết báo hăng say. Chồng mất khi con mới 6 tuổi, một thân một mình vừa công tác vừa nuôi con, nhưng rồi tôi vẫn sắp xếp được. Vì yêu nghề nên tôi thấy rất nhẹ nhàng.
- Võ Thị Xuân Hà: Tôi luôn thấy băn khoăn, rằng công việc viết văn liệu có quá sức mình không, liệu mình có gặp thất bại không? Đã mang lấy cái danh nhà văn, tôi phải chịu rất nhiều áp lực. Chồng thì không sao. Nhưng với gia đình và bạn bè chồng thì việc cưới một cô vợ nhà văn là cả một vấn đề. Làm nghề viết, tôi nhiều khi phải bớt xén thời gian dành cho gia đình. Lắm lúc, tôi "ghen tỵ" với những người phụ nữ thảnh thơi vừa rửa bát, vừa trò chuyện hay những người mẹ có thời gian chăm sóc con, dạy con học hằng đêm...
Nhưng chọn nghề viết, chúng tôi cũng có rất nhiều thuận lợi. Chúng tôi đi nhiều, biết nhiều, được nhiều người quý mến. Đó là hạnh phúc mà không phải ai cũng có.
Nhà văn Võ Thị Xuân Hà. Ảnh nhà văn cung cấp. |
- Điều gì khiến chị ghét nhất khi chọn công việc này?
- Dạ Ngân: Ghét nhất là bị tước mất thời gian vì những chuyện không đâu. Ví như phải ngồi lê đôi mách một chút ở công sở hay lối phố để được gọi là hoà đồng, ví như phải đi ăn cưới, ăn giỗ, ăn sinh nhật, ăn tân gia, ăn đủ những thứ tiệc chẳng để làm gì cả trong khi đáng lẽ tiền bạc và thời giờ ấy phải dành cho ngao du, đọc sách và viết những tác phẩm như dự điịnh.
- Phan Thị Thanh Nhàn: Trong cuộc đời viết lách, tôi đôi khi cũng gặp phải những chuyện rắc rối, nhưng bây giờ nghĩ lại, chỉ thấy buồn cười. Khoảng những năm 1960, khi còn làm báo Hà Nội Mới, tôi có được đăng một bài thơ, trong đó có những câu như: Anh đến thăm em/ Cả nhà đi vắng/ Chẳng dám nhìn nhau/ Chỉ ngồi im lặng/ Một chiếc gương xinh/ Treo trên vách nứa/ Chỉ có chúng mình/ Không còn ai nữa/ Em e dè ngước lên/ Tìm anh qua gương nhỏ/ Ô kìa từ trong gương/ Anh cũng đang nhìn em chăm chú/ Hai đứa ngượng cúi đầu... Bài thơ đăng lên, tờ báo lập tức nhận được một bức thư chỉ trích gay gắt. Người ta coi đây là bài thơ sex, hủ hóa, rằng trong khi cả nước đang chiến tranh, tại sao lại có hai người ngồi với nhau trong phòng vắng. Khi đọc bức thư, tôi òa lên khóc nức nở, cảm thấy mình oan ức quá. Nhưng trưởng ban của tôi, lúc đó là ông Bình Minh, nói: "Việc gì mà cô phải khóc, cô không phải lo gì cả. Tôi là người duyệt bài, tôi sẽ chịu trách nhiệm". Đến bây giờ, tôi vẫn rất quý một người lãnh đạo biết bảo vệ phóng viên như ông.
- Võ Thị Xuân Hà: Không có điều gì khiến tôi phải ghét cả. Vì ham viết nên tôi say mê tất cả mọi công đoạn của thứ lao động này.
- Người ta thường ví, thời điểm đặt dấu chấm hết cho một tác phẩm là khoảnh khắc tuyệt vời đối với mỗi người cầm bút. Với chị thì sao?
- Dạ Ngân: Không gì gọi là thông thường có thể sánh được với nó. Nếu có thể thì nó giống với khoảnh khắc đứa con trong bụng mình oà ra, kết thúc tình cảnh mang nặng đẻ đau và mình biết thế là nó đã được sinh xong và bắt đầu cuộc sống riêng giữa cõi đời này.
Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn. Ảnh nhà thơ cung cấp. |
- Phan Thị Thanh Nhàn: Tôi chỉ rút ra kinh nghiệm thế này. Bài nào viết nhanh thường là những bài đọc được, còn nếu viết chậm, viết phải ngẫm nghĩ, sửa chữa nhiều thì đó là những bài thơ không thành công. Hương thầm, Con đường, Đám cưới ngày mùa là những bài thơ được viết rất nhanh. Mà khi viết nhanh thì ấn tượng về sự kết thúc không phải là sâu đậm lắm.
- Võ Thị Xuân Hà: Tôi không quan trọng hóa khoảnh khắc này. Tôi chỉ thở phào nhẹ nhõm như là vừa làm xong một việc gì đó có ích.
- Văn chương đem đến hay xén bớt hạnh phúc của chị trong cuộc sống?
- Dạ Ngân: Như đã nói, chúng tôi chọn nhau nên cũng như chọn vợ hay chọn chồng, nhiều lúc tôi thấy mình hạnh phúc mà cũng không ít lần thấy đau khổ, ngao ngán, bất lực.
- Phan Thị Thanh Nhàn: Văn chương đem lại cho tôi nhiều hạnh phúc. Đi đến tận Cà Mau, tôi vẫn được nghe người ta hát Hương thầm. Trong ngày cưới, tôi được nghe người ta đọc Đám cưới ngày mùa. Còn trai gái yêu nhau thường chép tặng nhau bài thơ Con đường với những câu như Khi anh đi với người yêu/ Chỉ xin anh nhớ một điều nhỏ thôi/ Con đường ta đã dạo chơi/ Xin đừng đi với một người khác em... Đó là hạnh phúc của người viết.
Cái hay của văn chương là con người ta, không cần gặp nhau, chỉ cần đọc nhau cũng có thể quý mến nhau qua câu chữ.
- Võ Thị Xuân Hà: Không có văn chương đời tôi còn bất hạnh hơn. Khi cuộc hôn nhân đầu tiên của tôi tan vỡ, vì là người phụ nữ viết văn, làm báo nên tôi cũng bị người ta đồn thổi nọ kia. Nhưng cũng chính nhờ văn chương, tôi tìm thấy niềm an ủi để vượt lên tất cả.
- Chị ngưỡng mộ những nhà văn nào cùng giới với mình?
- Dạ Ngân: Nói là thích thì chính xác hơn. Bởi tôi dễ ghi nhận người khác, hay có cảm hứng liên tài với bạn viết nhưng để tôi ngưỡng mộ thật khó. Có lẽ vì tôi kén đọc, thế thôi. Tôi phục Phạm Thị Hoài với Thiên sứ, tôi yêu Nguyễn Ngọc Tư với Cánh đồng bất tận và tôi thích một số tác phẩm của Phan Thị Vàng Anh, Lê Minh Khuê, Trần Thuỳ Mai, Y Ban, Lý Lan…
- Phan Thị Thanh Nhàn: Tôi thích đọc thơ của các nữ nhà thơ Nga như Bella Akhatovna Akhmadulina, Olga Berggolts qua bản dịch của Bằng Việt.
Việt Nam cũng có những nhà thơ nữ rất tuyệt. Hồ Xuân Hương dí dỏm, tinh nghịch; Bà Huyện Thanh Quan sâu sắc và trữ tình; Đoàn Thị Điểm triết lý và chua chát... Tôi cũng rất thích thơ của Lâm Thị Mỹ Dạ, Xuân Quỳnh, Đoàn Thị Lam Luyến...
- Võ Thị Xuân Hà: Gần đây, tôi có đọc một số truyện của các nữ nhà văn Trung Quốc. Tôi thích Sơn Táp. Truyện của tác giả này có cái gì đó khiến ta phải suy nghĩ. Còn với các nhà văn trong nước, tôi có đọc mỗi người một vài truyện hay nhưng không thích hẳn một ai.
Lưu Hà thực hiện