"Trong những lần họp HĐND gần đây, nhiều đại biểu cho rằng dự án đang thất bại, càng triển khai càng tốn tiền mà không có hiệu quả", ông Trần Đại Đồng, Phó Giám đốc công ty Môi trường đô thị TP HCM phát biểu trong cuộc họp góp ý về Chiến lược quốc gia về giảm thiều, tái chế chất thải đến năm 2020 mới đây.
Trao đổi với VnExpress.net ông Trần Văn Danh, Phó giám đốc Công ty dịch vụ công ích quận 6, đơn vị chủ đầu tư thừa nhận: "Hiện nay, tỷ lệ người dân còn ủng hộ việc tự phân loại rác ngay tại nhà chỉ còn đạt 20%, một vài nơi trọng điểm cao lắm cũng là 50%".
Nếu không có biện pháp nhanh chóng phân loại và tái chế, chất thải rắn sinh hoạt sẽ là mối hiểm họa với môi trường của TP HCM về sau. Ảnh: Thiên Chương |
Dự án phân loại chất thải rắn tại nguồn với mục tiêu tách riêng rác vô cơ (loại rắn khó phân hủy độc hại như: pin, bóng đèn, túi ni lông...) và rác hữu cơ (thức ăn, hoa, bã trà...) ngay tại gia đình bằng việc cung cấp cho mỗi hộ hai loại thùng rác, túi riêng để phân biệt.
Tháng 3/2006, TP HCM thí điểm triển khai thực hiện tại quận 6. Với 320-330 tấn rác một ngày tại quận này, nếu thực hiện thành công dự án có thể thu từ 120.000 đến 180.000 tấn phân compost từ rác hữu cơ, các loại chất thải còn lại được dùng tái chế với mức thu khoảng hơn 17,5 tỷ đồng mỗi năm.
Tuy nhiên, ngay khi tiến hành với 9 trên 14 phường ủng hộ, dự án liên tục gặp "sự cố".
Phải mất rất nhiều thời gian cũng như công sức, Công ty Dịch vụ công ích quận 6 mới thuyết phục được người dân làm quen với việc tách riêng hai loại rác bỏ vào các thùng chuyên dụng, nhưng lực lượng thu gom rác dân lập vì không có phương tiện lại "thản nhiên" gộp chung lại làm một cho tiện.
Một nghịch lý nữa khiến việc phân loại chất thải trở nên vô nghĩa là hiện TP HCM chưa có nhà máy sản xuất phân compost. "Chính do sự thiếu đồng bộ từ các khâu đã dẫn đến sự không hiệu quả do chỉ làm tốt công tác phân loại rác tại nguồn mà không tiến hành đến nơi đến chốn các công tác tiếp theo", ông Nguyễn Văn Tài, Phó viện trưởng phụ trách Viện chiến lược và chính sách tài nguyên môi trường thuộc Bộ Tài nguyên môi trường phân tích.
Theo đại diện của Công ty môi trường đô thị quận 6, dù lúc này dự án vẫn đang duy trì, nhưng chỉ còn khả năng "sống" chủ yếu dưới hình thức tuyên truyền, người dân cũng bắt đầu mất dần sự tin tưởng nên công việc càng khó khăn hơn trước.
Nhận xét về vấn đề này, ông Đào Anh Kiệt, Giám đốc Sở Tài nguyên môi trường TP HCM cho biết: “Số tiền gần 6 tỷ đồng đầu tư cho dự án dù không lãng phí hoàn toàn nhưng đã cho chúng ta một cơ hội học tập, đặc biệt chương trình đã gây được ý thức ban đầu cho người dân trong việc phân loại chất thải rắn tại nguồn".
Hiện, để dự án không "chết" hẳn, Công ty dịch vụ công ích quận 6 đã phối hợp với Liên minh Hợp tác xã TP HCM vay thêm 1,5 tỷ đồng mua các loại xe chuyên dụng để phân loại dễ dàng các loại rác gồm: 60 xe 800 lít và 5 xe tải 990 kg - 1,2 tấn cho 136 người thu gom rác dân lập của toàn quận, đầu tư thêm trạm ép rác khép kín.
Và số tiền khôi phục lại chương trình từ 6 tỷ đồng ban đầu được nâng lên thành... 19 tỷ đồng.
Hải Yến