Các chi tiết về hóa chất, về thiết kế, quy trình sản xuất phải được nêu một cách rõ ràng trong hồ sơ này tuân theo yêu cầu mới trong đạo luật Cải thiện an toàn sản phẩm tiêu dùng năm 2008 (CPSIA), theo ông Joseph P. Mohorovic, Phó chủ tịch của tập đoàn Intertek về kiểm định.
Theo quy định này, các nhà nhập khẩu Mỹ được phép chấp thuận các hồ sơ kỹ thuật do các nhà sản xuất nước ngoài cung cấp, nhưng phải được một phòng thí nghiệm độc lập do Ủy ban An toàn sản phẩm tiêu dùng Mỹ (CPSC) chỉ định đánh giá.
Phát biểu trước các doanh nghiệp trong một hội thảo do Amcham Việt Nam tổ chức vào ngày 18/9 tại TP HCM, ông Mohorovic nói rằng trong những năm gần đây, thị trường Mỹ đang rất chú ý đến tính an toàn của các sản phẩm nhập khẩu, như đồ chơi, hàng dệt may, da dày, đặc biệt là các sản phẩm dành cho trẻ em.
Các quy định an toàn mới được xây dựng vì lý do trong thời gian qua tại thị trường Mỹ số lượng các vụ thu hồi sản phẩm cũng như những sự cố đáng tiếc xảy ra ngày càng nhiều, phần lớn là do các lỗi về thiết kế và sản xuất.
Chính những tiêu chuẩn mới và quy định mới đã dẫn đến các yêu cầu nghiêm ngặt hơn đối với hoạt động thử nghiệm, và đòi hỏi phải có một hồ sơ kỹ thuật đầy đủ.
Tại Việt Nam, các phòng thí nghiệm của các công ty như Intertek, Tuv Sud PSB SGS và Quatest 3 đã được UPSC chấp thuận đánh giá độc lập.
Ngoài các tiêu chuẩn do CPSC ban hành, ông Mohorovic cho biết nhiều nhà bán lẻ hay nhập khẩu ở Mỹ còn có các yêu cầu riêng của họ. Theo một chuyên gia, thị trường kiểm định vẫn đang rất phát triển, theo sau một sự gia tăng các mặt hàng xuất khẩu vào thị trường Mỹ trong 8 tháng đầu năm nay.
Giá trị kiểm định cũng vì thế mà tăng cao. Chẳng hạn như một doanh nghiệp dệt may xuất khẩu khoảng 300 triệu đô la Mỹ, thì chi phí bỏ ra cho kiểm định cũng lên tới 2 triệu đô la Mỹ. Tuy nhiên, chi phí này chỉ là rất nhỏ so với các chi phí thu hồi sản phẩm hay bị phạt do vi phạm các quy định tại Mỹ.
Cũng theo vị chuyên gia này, khoảng 60% các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam hiện được đánh giá và thử nghiệm trong nước, và 40% còn lại do các phòng thí nghiệm ở trong khu vực thực hiện.
Ông Mohorovic cũng giới thiệu dịch vụ iComply, một nền tảng dựa trên web mở để các thành viên có thể tham gia và đưa ra các thông số về các quy định cũng như có thể tra cứu các tiêu chuẩn và hồ sơ kỹ thuật của sản phẩm. Chi phí để tham gia của dịch vụ này là 99 đô la Mỹ/năm và hiện đã có hơn 2.000 người sử dụng.
Theo ông, trong năm tới, với những quy định mới về tính an toàn của các sản phẩm từ các thị trường Mỹ, Canada và châu Âu có hiệu lực, số lượng người tham gia vào nền tảng này sẽ tăng vọt.
Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn