Ông Phạm Sỹ Liêm. Ảnh: Nguyễn Hưng. |
- Ông nhận xét gì về quy hoạch cơ bản phát triển khu vực sông Hồng đoạn qua Hà Nội?
- Hà Nội từng có tới 10 quy hoạch mà chẳng cái nào được thực hiện. Vì tư duy quy hoạch của chúng ta còn cổ lỗ, tách biệt quy hoạch và thực hiện. Trong khi hai yếu tố này là một quá trình.
Ngày nay, quy hoạch phải nghĩ làm thế nào để ra nguồn vốn. Và điều quan trọng hàng đầu là phải tạo ra những địa điểm có giá trị, hấp dẫn. Đất đai tăng giá trị thì sẽ thu được tiền để phát triển hạ tầng. Nếu quy hoạch đô thị này được thực hiện thì nó sẽ là một khu đa chức năng chứ không phải tách biệt như tư duy cũ. Người dân sẽ rất thuận tiện trong sinh hoạt, làm việc. Họ đỡ phải bôn ba suốt ngày từ khu này sang khu khác của thành phố.
Ông Đỗ Viết Chiến, Phó giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội: Để xây dựng thành phố ven sông Hồng cần di dời khoảng 70%, tương đương 120.000 người trong tổng số 170.000 người dân liên quan đến dự án. Theo Luật Đê điều, những hộ nằm trong khoảng cách 5 m tính từ chân đê trở ra thềm bãi (đoạn qua đô thị) sẽ bắt buộc phải di dời vì nằm trong hành lang thoát lũ. Những hộ này sẽ phải di dời trong vòng 5 năm sau khi quy hoạch được duyệt. |
- Theo ông, tác động lớn nhất của "siêu dự án" này với thủ đô là như thế nào?
- Hà Nội có một hệ thống cầu thì sông Hồng tự nhiên thành một con sông chảy giữa thành phố. Một trung tâm thủ đô không thể để mấy trăm nghìn người ở khu vực sông sống một cách nhếch nhác, luộm thuộm như hiện nay. Dự án này sẽ cải tạo những cái đó, tạo thành một thủ đô văn minh hiện đại.
Trước đây, dân ở khu vực sông đó chỉ có mấy chục nghìn, mà bây giờ đã lên tới 170.000. Chỉ 10 năm nữa rất có thể con số đó sẽ tăng gấp đôi. Nếu ta chần chừ thì số người ở ven sông Hồng càng đông lên.
- Hà Nội đang gặp rất nhiều vấn đề như các công trình hướng tới 1.000 năm Thăng Long chậm tiến độ, ùn tắc giao thông, giảm chi tiêu công... Vậy theo ông, việc “ôm” dự án này của Hà Nội liệu có quá sức?
- Khi làm dự án này, chúng ta phải mời các chuyên gia nước ngoài. Họ có kinh nghiệm để hiến kế giúp chúng ta. Còn những tồn tại hiện nay ở Hà Nội như xây dựng cầu Thanh Trì hay nhiều cái khác nữa cứ bị chậm là do năng lực của cán bộ chúng ta quá yếu và thậm chí đưa những người không chuyên nghiệp vào làm.
Người dân Thủ đô rất quan tâm đến dự án thành phố bên sông Hồng. Ảnh: Nguyễn Hưng. |
- Sắp tới, khi Hà Tây sát nhập vào Hà Nội, ông đánh giá thế nào về sự tác động tới dự án thành phố ven sông?
- Hiện nay, tất cả những người đóng góp ý kiến cho dự án sông Hồng đều quên mất một điểm rằng, chúng ta đang đô thị hoá bằng cách lấy đất nông nghiệp. Nhưng thực ra khi dự án phát triển sông Hồng được triển khai, chúng ta chỉ lấy một phần rất nhỏ là đất nông nghiệp mà đất này lại ở ngoài sông, không ổn định. Đây là điều nên làm. Việc này thậm chí còn gỡ cho thế mất đất nông nghiệp của tỉnh Hà Tây do quá trình đô thị hoá đang tăng nhanh như vậy.
- Chúng ta phải dựa rất nhiều vào các chuyên gia nước ngoài để xây dựng dự án này. Vậy sau này thủ đô mở rộng, nhiều dự án lớn hơn nữa thì các chuyên gia Việt Nam sẽ đảm đương thế nào?
- Chúng ta phải coi dự án này như một trường học cho những người làm quy hoạch ở VN. Phải thừa nhận là kiến thức về quy hoạch của chúng ta còn rất yếu, có một nơi như thế này để mà học là rất quý.
Có một câu nói thế này: người thông minh thì học kinh nghiệm chính mình, người khôn ngoan thì học kinh nghiệm người khác. Chúng ta thường được khen thông minh, học được kinh nghiệm của chính mình, nhưng lại phải trả giá đắt. Trong khi người khôn ngoan đi học tập người khác thì vừa đỡ tốn kém lại rất hiệu quả. Tôi mong người VN được khen là khôn ngoan hơn là thông minh.
- Điều ông còn băn khoăn trong dự án này là gì?
- Hiện, tôi thấy người ta quan tâm nhất tới sự ổn định của dòng sông, đoạn qua Hà Nội. Điều này là hợp lý. Chúng ta nên tham khảo ý kiến của chuyên gia về động lực học dòng sông và nghiên cứu kỹ để tạo ra ổn định cho dòng sông.
Những vấn đề ấy không chỉ xảy ra ở những con sông lớn như sông Hồng. Chúng ta đã có bài học về trận lũ ở một con suối nhỏ nhưng có sức tàn phá ghê ghớm quét sạch thị xã Lai Châu mà không hề có nhà thủy lợi, thủy văn nào cảnh báo. Do vậy, quy hoạch đô thị càng không nên chủ quan điều này.
Các nhà lập quy hoạch tính toán, khi triển khai dự án, việc di dân sẽ kéo dài trong 12 năm, từ 2008-2020. Quá trình này được chia thành ba giai đoạn. Giai đoạn một (2008-2012): di dời các hộ dân tại khu vực điểm cuối dự án cầu Thăng Long; giai đoạn hai (2013-2016): tiếp tục chuyển các hộ dân đoạn từ dự án cầu Thăng Long đến dự án cầu Thanh Trì; giai đoạn cuối (2017-2020): di dời tiếp các hộ dân ở khu vực đoạn cầu Thanh Trì. Đồng thời, việc trị thủy sông Hồng sẽ phải làm rõ phương án thoát lũ, không phá bỏ đê cũ khi xây dựng thêm con đê khác ven sông để đảm bảo lượng lũ qua Hà Nội là 20.000 m3/s. |
Nguyễn Hưng ghi