Theo đơn kiến nghị của các hộ dân mua đất khu đô thị mới Cầu Bươu, họ ký hợp đồng mua đất với Công ty cổ phần kinh doanh phát triển nhà và đô thị HN (thuộc Tổng công ty Đầu tư và phát triển nhà HN) đầu tư từ năm 2001 với giá 2,5 triệu đồng/m2. Họ cũng đã nộp tiền theo 2 giai đoạn với tổng số 45% giá trị hợp đồng theo yêu cầu của chủ đầu tư.
Tuy nhiên, sau 6 năm dự án đình trệ, chủ đầu tư cũng không thông báo tình hình dự án với người dân. Tới năm 2007, khu đô thị mới Cầu Bươu mới bắt đầu san lấp, xây dựng hạ tầng. Song thay vì mức giá cũ, lãnh đạo Công ty CP kinh doanh phát triển nhà và đô thị HN đã họp dân và thông báo mức giá mới, từ 10 triệu đến 11 triệu đồng/m2 tùy theo từng vị trí.
Theo bà Lê Thị Bích Dung, phố Kim Mã, nhiều người dân đã vay tiền, gom góp, bán nhà cũ để mua đất bởi mỗi suất phải nộp trước từ 150 đến 300 triệu đồng. Mấy năm qua, họ phải vất vưởng thuê nhà, chờ đợi được giao đất. Song hiện nay, chủ đầu tư đã đòi nâng giá bán gấp 4 lần, gây bức xúc cho nhiều hộ dân.
![]() |
Nhiều khu đô thị thiếu chỗ đỗ xe cho người dân. Ảnh: Hoàng Hà |
Theo tìm hiểu của VnExpress, hợp đồng đã ký không có điều khoản quy định thời gian thực hiện dự án. Tuy nhiên, cũng không có điều khoản nói về điều chỉnh giá đất nếu thay đổi thời gian thực hiện.
Ông Phạm Duy Cương, Giám đốc Công ty CP kinh doanh phát triển nhà và đô thị HN, tỏ vẻ né tránh khi nói đến dự án khu đô thị Cầu Bươu. Theo ông, dự án đình trệ qua nhiều năm là do... giám đốc cũ. Ông chỉ là người kế thừa nên không nắm được những hoạt động trước đây. Về việc thay đổi mức giá, ông Cương cho rằng, dự án đến nay mới được triển khi thì phải được định giá đất theo hiện tại, giá này đã được liên ngành của thành phố tính toán.
Tại cuộc họp với các hộ dân mới đây, Giám đốc Công ty CP kinh doanh phát triển nhà và đô thị HN đã hứa sẽ lập tổ nghiên cứu cùng người dân tính toán lại giá thành lô đất theo hướng hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và người dân.
Mắc lỡm với các điều khoản không rõ ràng
Mới đây, gần 400 hộ dân thuộc chung cư cao tầng CT8, CT9, khu đô thị mới Định Công rất hoang mang biết rằng, họ có thể không phải là chủ sở hữu hợp pháp của các căn hộ của mình, đồng nghĩa việc họ không được cấp hộ khẩu và sổ đỏ. Nguyên nhân là lô nhà họ đã mua được xây dựng trên đất sử dụng sai mục đích. Khi ký hợp đồng mua nhà, chủ đầu tư không đưa ra điều khoản nào về việc cấp sổ cho dân.
Theo ông Phạm Thanh Bình, Văn phòng Luật sư Hồng Hà, tình trạng lừa đảo trong đầu tư bất động sản khá phổ biến. Nhiều chủ đầu tư là doanh nghiệp lớn, có uy tín cũng làm sai so với hợp đồng. Văn phòng ông đang thụ lý vụ kiện tại các chung cư cao cấp như Pacific Place ở HN, chung cư The Manor ở TP HCM về việc thay đổi nội thất căn hộ chất lượng thấp hơn so với hợp đồng.
Ông Bình cho rằng, người dân nên mạnh dạn khởi kiện chủ đầu tư về việc thu tiền sai nguyên tắc hoặc không giữ cam kết theo hợp đồng.
Trao đổi với VnExpress, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Đặng Hùng Võ, cho rằng, các chủ đầu tư cố tình trì hoãn hợp đồng để chiếm dụng vốn của người dân, làm sai hợp đồng là rất đáng lên án. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều hợp đồng giữa người dân và doanh nghiệp được ký kết không chặt chẽ, khó xử lý khi có tranh chấp.
"Trong khi thị trường nhà đất chênh lệch giữa cung và cầu như hiện nay, người dân không nên quá tin tưởng chủ đầu tư mà cần tỉnh táo khi ký hợp đồng, các điều khoản của hợp đồng phải chi tiết và chặt chẽ", ông Võ cảnh bảo.
Đoàn Loan