Sau khi đon đả mời thấy khách vẫn chần chừ chưa quyết định mua, chị Nguyễn Thị Lâm bán cá tại chợ Mỹ Đình, Hà Nội chép miệng: "Mua đi em đem về mà bỏ tủ lạnh. Từ nay đến 29 Tết, giá chỉ có tăng thêm chứ không có mức này đâu".
Chị Lâm cho biết sáng 25 Tết, giá mỗi kg cá chép chỉ là 50.000 đồng, cá quả 120.000 đồng, trắm đen 160.000 đồng. Thế nhưng đến sáng nay (27 Tết), giá mỗi loại đã đội thêm trên dưới 20.000 đồng một kg. Cụ thể, cá quả có giá bán ra 150.000 đồng một kg, cá trắm đen 180.000 đồng một kg.
![]() |
Các mặt hàng thủy hải sản tươi sống vẫn được các bà nội trợ lựa chọn nhiều trong bữa ăn của gia đình dịp Tết. Ảnh: Tuệ Minh. |
Tại chợ Nghĩa Tân, Hà Nội thịt bò thăn loại ngon được bán phổ biến với giá 185.000 đồng một kg, tăng khoảng 10.000 đồng một kg so với cách đây vài ngày, thịt mông bò 170.000 đồng một kg, cũng tăng khoảng 7% so với trước.
Các loại gà nguyên con, gà thịt sẵn cũng đang có xu hướng mỗi ngày “nhảy” một giá. Chị Tuyến, bán thịt gà tại chợ Cầu Mới, Hà Nội cho hay, giá gà ta thả lồng đã vọt từ 90.000 đồng một kg lên 110.000 đồng một kg, chỉ trong hai ngày. Còn với gà thịt sẵn, mức tăng phổ biến khoảng trên dưới 10.000 đồng một kg.
Trong khi đó, thịt lợn lại là mặt hàng tăng giá chậm hơn cả. Mức tăng phổ biến cho mỗi kg thịt lợn hiện tại, so với trước, chỉ là 5- 7%. Tại chợ Cầu Giấy, thịt thăn loại ngon vẫn được bán với giá 95.000 đồng một kg so với giá trước kia là 90.000 đồng một kg; thịt mông sấn dao động trên dưới 80.000 đồng một kg.
Tuy nhiên, những loại thịt dùng để gói giò thủ, giò chạo như thịt má, thịt thủ lợn… lại có mức tăng rất mạnh so với ngày thường. Chị Yến, bán thịt tại chợ Thành Công, Hà Nội cho biết giá mỗi kg thịt thủ lợn đã lên 80.000 đồng một kg, tăng 20.000 đồng so với cách đây 2 ngày.
Những mặt hàng khác phục vụ người dân ăn tết như giò, chả, bánh chưng gói sẵn, các loại đồ khô, rau củ, quả thờ… cũng đang tăng giá từng giờ. Tại chợ Mỹ Đình, chị Đỗ Thị Nhung (Ước Lễ, Thanh Oai, Hà Nội) báo giá giò lợn 120.000 đồng một kg, giò bò 140.000 đồng một kg, bánh chưng 1 kg 20.000 đồng một chiếc.
Chị Nhung cho biết, giá giò, chả sẽ biến động theo giá thịt lợn. Do vậy, nếu thịt lợn giữ giá, thì các loại giò, chả, giá cũng sẽ đứng yên. “Nhưng từ giờ đến Tết, chỉ cần thịt lợn tăng giá, là mặt hàng này phải đội giá ngay lập tức vì chi phí nguyên liệu tăng”, chị Nhung khẳng định. Chị cũng tiết lộ, giá hiện tại của mặt hàng này đã tăng so với cách đây 3 ngày khoảng 10.000 đồng một kg giò.
Theo ghi nhận của VnExpress.net, do giá lạnh của miền Bắc nên những ngày qua, người Hà Nội đã thay đổi thói quen mua sắm. Thay vì dậy sớm để đi chợ như trước, khách hàng đã chuyển sang mua sắm muộn hơn, vào tầm trưa hoặc chiều.
Anh Dũng, chủ cửa hàng thịt ở chợ Nam Đồng, Hà Nội cho biết một tuần do trời lạnh nên anh mở hàng cũng muộn hơn. Bình thường 7h-8h sáng, chợ đã tấp nập mua bán. Thế nhưng những ngày qua, đến 10h sáng, chợ mới có bắt đầu có khách. Trong khi cùng thời điểm này năm ngoái, nhu cầu mua sắm bước vào giai đoạn cao điểm từ tờ mờ sáng đã thấy khách mua.
![]() |
Các loại rau, củ phục vụ người dân ăn Tết cũng đang tăng giá với mức tăng phổ biến khoảng 10%. Ảnh: Tuệ Minh |
Theo anh Dũng, hiện nay chỉ một số mặt hàng bán tại chợ là đắt khách, chẳng hạn như đồ khô, miến măng, váng đậu, hành tỏi khô, vừng, lạc đỗ... Còn một số mặt hàng khác như rau, củ quả tươi, thịt, cá các loại có giảm hơn so với trước. Hầu hết các gia đình có nhu cầu về giò chả hay thịt gà, thịt bò, ngan... để ăn Tết đều đặt hàng để đến ngày giáp Tết mới mang về nhà chứ chưa mua ngay từ bây giờ. Bên cạnh đó, một số loại thủy, hải sản cũng được dự báo là sẽ đắt khách song sức mua thực sự tăng mạnh phải đến 27-28 hoặc 29 tháng Chạp, trước thời điểm các cửa hàng nghỉ Tết.
Trên thực tế, việc sinh viên các trường đại học đã về nghỉ Tết sớm. Nhiều doanh nghiệp cũng kết thúc những ngày làm việc cuối năm, rục rịch nghỉ Tết... đã khiến sức mua một số mặt hàng như rau củ phục vụ bữa ăn hàng ngày giảm đáng kể. Chị Vinh bán rau ở chợ Khâm Thiên cho biết trước đây khoảng 6-7h sáng, chợ đã rất động đúc. Còn hiện tại, tận 10h cũng chỉ một số khách đến thăm. Nhiều gia đình những ngày giáp Tết, người giúp việc về quê khiến bếp cũng lạnh. "Có khách hàng đến tận 6h tối mới hớt hải phi xe vào chợ hỏi mua rau. May mà lúc đó tôi đang dọn hàng nên vẫn còn vài mớ để bán", chị Vinh nói.
Theo chị Hoa, chủ quầy hàng rong trên phố Hào Nam, Hà Nội những ngày này, tại chợ đầu mối Long Biên (nơi chị nhập hàng), sức mua cũng đang giảm mạnh. Hiện tại, số lượng rau củ mà chị Hoa nhập về để bán tại khu phố này chỉ còn 2 tạ, giảm gần một nửa so với trước. "Khách hàng của tôi là những gia đình quen tại đây, họ ngại đi chợ. Cái chính là khi khách mua hàng, tôi phải làm công việc nhặt sạch và gói vào từng bọc để mang vào tận nhà", chị nói.
Sau ngày Chủ nhật (27 Tết), chị Hoa cũng dọn hàng, đóng cửa để về quê ăn Tết.
Tuệ Minh - Hồng Anh