Du khách xếp hàng làm thủ tục check-in tại sân bay Phuket sau khi mở cửa trở lại. Ảnh: Reuters. |
Giám đốc phi trường Phuket, sân bay bận rộn thứ hai ở Thái Lan cho biết: "Sân bay đã nối lại hoạt động vào khoảng 11 giờ ngày chủ nhật. Tất cả các hoạt động tại đây đang trở lại bình thường. Người biểu tình đã dần rời khỏi sân bay".
Trước đó hôm thứ sáu, người biểu tình tràn vào sân bay Phuket và phong tỏa cả đường băng, đồng thời chặn các lối vào phi trường trên hòn đảo du lịch phía nam Thái Lan này. Có 3 sân bay bị ngừng hoạt động vì biểu tình chống chính phủ gồm Phuket, Krabi và Hat Yai. Đây là hậu quả của việc làn sóng biểu tình rầm rộ tại thủ đô Bangkok lan rộng xuống các khu vực phía nam Thái Lan.
Sân bay Hat Yai hoạt động trở lại sớm nhất từ thứ bảy tuần trước, một ngày sau khi bị đóng cửa. Hai phi trường còn lại Phuket và Krabi cũng nối lại hoạt động từ ngày hôm qua để giải phóng số du khách đang bị mắc kẹt.
Trong khi đó, hàng nghìn người thuộc Liên minh nhân dân vì dân chủ (PAD) tiếp tục phong tỏa các khu làm việc chính của chính phủ ở Bangkok, đòi Thủ tướng Samak Sundaravej phải từ chức. Các nghị sĩ đối lập nước này cũng lặp lại lời kêu gọi ông phải ra đi.
Tuy nhiên, Thủ tướng Samak, người có liên minh chiếm đa số trong quốc hội Thái, tuyên bố sẽ không từ chức. Ông chỉ trích phe đối lập: "Những giải pháp của các ông không thể hiện rằng các ông muốn dân chủ. Tại sao lại chỉ có giải pháp giải tán quốc hội và từ chức chứ? Tại sau chúng ta không thể chọn giải pháp thứ ba là cho thế giới thấy chúng ta duy trì nền dân chủ của mình".
Cuộc khủng hoảng chính trị tại Thái Lan bắt đầu hôm thứ ba, khi có khoảng 35.000 người bao vây các tòa nhà chính phủ và xông vào đài truyền hình quốc gia ở Bangkok, khiến chương trình phát sóng bị gián đoạn vài giờ liền. Vụ lộn xộn tại đây chỉ được kiểm soát sau khi cảnh sát đột kích và bắt đi khoảng 80 người.
Các nhà tổ chức cho biết người dân xuống đường là để phản đối chính phủ đương nhiệm và yêu cầu Thủ tướng Samak Sundaravej từ chức. Họ cáo buộc ông Samak là con rối và đang điều hành Thái Lan thay cho cựu thủ tướng bị lật đổ Thaksin Shinawatra.
Họ còn cho rằng đương kim thủ tướng Thái Lan đã sửa đổi hiến pháp nhằm giúp Thaksin tránh được hàng loạt các tội danh tham nhũng, đồng thời chỉ trích chính phủ không chịu truy tố Thaksin đến cùng bằng cách dẫn độ ông này từ Anh về nước xét xử.
Đình Chính (theo BBC, AFP)