Tổng số tài sản bị thu giữ gồm 8 điện thoại di động, nhiều tiền mặt và ma túy. Trong 11 trường hợp bị bắt giữ có 9 người nghiện ma túy, mới trở về cộng đồng dịp Tết Mậu Tý. Nhiều người có tiền án, tiền sự. Đáng chú ý, có cả sinh viên một trường đại học phía Bắc hành nghề "2 ngón".
Theo cơ quan điều tra, những thanh niên này thường lang thang tại các bến, trên xe buýt, trà trộn vào đám đông để chôm chỉa tài sản. Điển hình là Đặng Văn Hồng (33 tuổi) trong 3 ngày (15-17/2) đã gây ra 3 vụ trộm cắp với số tiền gần 300.000 đồng và một điện thoại di động. Ngay trong ngày bị bắt giữ, 18/2, Đào Công Thắng (24 tuổi) cũng đã "chôm" một điện thoại di động của hành khách.
Trao đổi với VnExpress, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC14) Công an Hà Nội, Nguyễn Đức Chung cho biết, trước Tết, đơn vị này đã bắt hàng chục trường hợp cò vé, trộm cắp tại các bến xe. Sau Tết âm lịch, lượng khách đi lại gia tăng, nhiều dân nghiện lại lợi dụng để trộm cắp, móc túi.
"Mặc dù tài sản bị mất cắp có thể không lớn nhưng đây là hiện tượng gây nhức nhối xã hội. Qua VnExpress, tôi mong người dân hãy hợp tác. Thời gian tới, Phòng cảnh sát hình sự sẽ phối hợp với các đơn vị, mở đợt trấn áp tội phạm trên các tuyến xe buýt", ông Chung nói.
Theo ông Chung, 4 đối tượng trên xe buýt, xe khách sẽ được công an Hà Nội tập trung xử lý là: cò vé, trộm cắp, cướp giật và cờ bạc. Công an thành phố sẽ phối hợp với công an địa phương lên phương án phòng ngừa tại các địa bàn trọng điểm. Các trinh sát trẻ sẽ mật phục tại những bến, tuyến thường xảy ra mất cắp.
"Thời gian này, xe đông, hành khách thường mặc áo dày, dễ thuận lợi cho kẻ xấu "nắn túi". Người dân cần có ý thức phòng ngừa và báo ngay cho cơ quan công an nếu xảy ra mất cắp", ông Chung nói.
Việt Anh
Ý kiến bạn đọc
Người gửi: Thảo Nhi
Theo dõi loạt bài về tệ nạn trộm cắp hoành hành trên các tuyến xe buýt tại Hà Nội, tôi rất bức xúc vì chính bản thân tôi cũng từng là nạn nhân trên tuyến xe buýt số 20 (Kim Mã - Phùng). Cùng đi trên chuyến xe hôm đó cũng có rất nhiều người nhưng không một ai dám lên tiếng vì sợ bị trả thù.
Qua đây, tôi xin cảm ơn VnExpress đã điều tra vụ việc, cảm ơn Công an Hà Nội đã nhanh chóng vào cuộc. Tôi cũng rất ủng hộ hình thức dán ảnh những kẻ hành nghề trộm cắp trên xe buýt, vừa để răn đe, vừa để nhắc nhở những hành khách cẩn thận hơn khi đi xe buýt.
Người gửi: Hoa
Tôi bị mất 2 điện thoại trên tuyến xe 32, kẻ ăn cắp là một tên to béo mà theo mọi người nói tên này ai cũng biết mặt. Chứng tỏ tên này đã "hành nghề" khá lâu mà vẫn không bị tóm. Tôi mong cơ quan công an có thể bảo đảm an toàn cho hành khách trên tuyến 32 bởi tuyến này rất đông khách.
Người gửi: Trần Định
Tôi có cháu hàng ngày đi học trên tuyến xe bus Cầu Giấy - Nhổn, kể rất nhiều chuyện kẻ cắp móc túi trên xe. Lái xe, phụ xe và những người xung quanh đều biết nhưng không ai dám nói gì. Công ty xe bus phải là có trách nhiệm đầu tiên.
Người gửi: Hương
Hiện nay, tình trạng cướp giật tại các bến xe buýt diễn ra khá phổ biến nhất là các điểm trung chuyển xe buýt. Ngày nào tôi cũng chứng kiến khoảng 4 thanh niên (trong đó có một nữ) tại điểm trung chuyển xe buýt Cầu Giấy rình rập để trộm cắp điện thoại di động của những người chờ xe.
Người gửi: Nhoccon
Một lần ở bến xe bus Ngã Tư Sở, thấy người đàn ông đang ra sức tìm đồ trong túi của một sinh viên, tôi đã thẳng thắn đi đến chỗ đó và nói, không ngờ hắn đã thẳng tay tát tôi. Lần thứ hai, tôi đã bị móc mất một điện thoại trên tuyến 32. Mong mọi người đừng nên để điện thoại trong túi quần, nên để trong túi xách và đừng nên dùng điện thoại trên xe bus hay để chuông.
Người gửi: Đỗ Hoàng Thịnh
Tôi từng bị móc ví trên tuyến 32, lúc xuống xe ở cổng trường ĐH Thương mại. Tôi hô hoán nhưng chẳng có ai có động tĩnh gì cả, chỉ nhìn tôi với ánh mắt thông cảm. Tôi rất vui mừng vì hàng loạt đạo chích vừa bị tóm gọn.