![]() |
Điểm tập trung rác ở BV Phụ sản Trung ương. Ảnh: T.N. |
Tại Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội), theo bà Nguyễn Hồng Phương, y tá trưởng khoa Chống nhiễm khuẩn, rác thải y tế từ các phòng điều trị được phân loại và tập kết ở một chỗ trong các khoa phòng, rồi đưa về kho chứa rác của bệnh viện ngày 2 lần. Cứ hai ngày một lần, nhân viên khoa Chống nhiễm khuẩn giao rác cho công ty môi trường đô thị xử lý.
Tại Hà Nội và TP HCM hiện nay, rác thải y tế đều được công ty môi trường đô thị thu gom để đốt tập trung trong lò chuyên dụng. Ở bệnh viện, rác được phân loại ngay tại nguồn. Rác sinh hoạt cho vào túi màu xanh, rác y tế (như vỏ chai dịch truyền, bông băng, bệnh phẩm...) cho vào túi màu vàng. Vật sắc nhọn như bơm kim tiêm để vào hộp đựng riêng. Các bệnh phẩm cũng được xử lý bằng phoóc môn trước khi cho vào túi, riêng những bộ phận lớn còn được trữ lạnh khi xe chưa đến chuyển. |
Việc cân và giao rác thải y tế do tổ Vệ sinh ngoại cảnh thực hiện, với sự giám sát của một nhân viên trong khoa, có vào sổ từng ngày. Tất cả các khâu liên quan đều do nhân viên chính thức của bệnh viện đảm nhiệm. Bà Phương khẳng định, với sự chặt chẽ như vậy, việc bán rác thải y tế ra ngoài là không thể xảy ra.
Tiến sĩ Nguyễn Thái Sơn, Phó giám đốc bệnh viện, cũng tin rằng không có hiện tượng này ở Xanh Pôn do lượng rác thải y tế ở đây không nhiều, và do tin tưởng ở khả năng giám sát của quản lý khoa Chống nhiễm khuẩn. Mặt khác, hoạt động xử lý rác của khoa này còn chịu sự giám sát của bộ phận điều dưỡng.
Tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, công việc thu gom rác để tập kết về một nơi (ngay cạnh cổng chính) do các nhân viên công ty vệ sinh Hoàn Mỹ thực hiện mỗi ngày hai lần. Vào đầu giờ chiều, xe của công ty môi trường đô thị đến lấy rác thải y tế. Lúc này sẽ có mặt nhân viên khoa Chống nhiễm khuẩn cân và giao rác, vào sổ.
Theo tiến sĩ Nguyễn Quốc Việt, Phó giám đốc bệnh viện, quá trình giao rác có sự chứng kiến của bảo vệ, các tổ giám sát của bệnh viện cũng thường xuyên kiểm tra. Mặt khác, những thứ rác có thể bán được như vỏ chai dịch truyền, vỏ chai thuốc... đều được đếm lại để so với con số xuất kho. Do đó, ông Việt cũng khẳng định ở bệnh viện Phụ sản Trung ương không có chuyện bán rác.
Lãnh đạo các bệnh viện lớn tại TP HCM cũng đưa ra những khẳng định tương tự khi trả lời với VnExpress. Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương nói: "Chúng tôi luôn giám sát chặt việc phân loại rác của nhân viên phụ trách vệ sinh. Chỉ có rác sinh hoạt mới được mang bán. Rác nguy hại chuyển vào kho chứa, để cơ quan môi trường đô thị chuyển đi xử lý". Các bệnh viện Chợ Rẫy, Nhân Dân Gia Định, Từ Dũ cũng có chung sự cam kết: không có chuyện bán chất thải y tế
Bà Hoàng Thị Ngọc Ngân, Trưởng khoa Sức khỏe cộng đồng thuộc Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM, cho biết, mỗi tuần, đơn vị này và Sở tài nguyên - Môi trường đều có 2 ngày kiểm tra việc phân loại và vận chuyển rác tại các bệnh viện. Do đó, các cơ sở sẽ không dám bán rác thải y tế.
Trong khi các bệnh viện lớn đều khẳng định không có chuyện bán rác thải y tế thì Cục phó Cảnh sát môi trường Lương Minh Thảo cho biết, phần lớn các bệnh viện lớn ở Hà Nội được kiểm tra đều có hiện tượng bán rác chứ không chỉ riêng Việt Đức.
Trả lời câu hỏi "với quy trình giám sát hiện có, liệu có thể chắc chắn rằng việc nhân viên bệnh viện hoặc nhân viên vệ sinh thỏa thuận với nhau để bán rác y tế là không thể xảy ra", ông Nguyễn Quốc Việt thừa nhận là không thể bảo đảm 100%. Công việc gom và giao rác được giao hẳn cho từng bộ phận tương ứng, và việc cử người giám sát họ từng ngày từng giờ là chuyện không thể. Tuy nhiên, khả năng bán rác theo ông Việt là rất thấp.
Bệnh viện Việt Đức, nơi cũng khẳng định không có chủ trương bán rác thải, công việc xử lý rác cũng được tiến hành theo quy trình tương tự các bệnh viện kể trên chính là nơi đầu tiên bị Cục cảnh sát điều tra về môi trường phát hiện bán chất thải y tế ra bên ngoài.
Hôm nay, Bộ Y tế đã gửi công điện khẩn đến các bệnh viện trực thuộc Bộ, các sở y tế và trung tâm y tế các ngành, yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát chặt quy trình phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế. Bộ yêu cầu lưu ý việc thu gom chất thải chứa thành phần có thể tái chế như nhựa, thuỷ tinh, giấy, kim loại. Nghiêm cấm mua bán, cho, tặng các thành phần chất thải có yếu tố nguy hại chưa qua xử lý. Ngoài ra, Bộ cũng yêu cầu các cơ sở y tế phân công rõ trách nhiệm cho cán bộ quản lý chất thải và cán bộ kiểm tra, giám sát. |
Hải Hà - Thiên Chương