![]() |
Một máy bay của hãng hàng không Hà Lan KLM. Ảnh: Aviation Tribune. |
Hãng hàng không Hà Lan KLM hôm nay thông báo họ đã đình chỉ các chuyến bay qua eo biển Hormuz sau khi Iran bắn hạ trinh sát cơ không người lái (UAV) MQ-4C của Mỹ tại khu vực chiến lược này.
"An toàn là ưu tiên hàng đầu của KLM. Chúng tôi theo dõi chặt chẽ tất cả diễn biến có thể liên quan tới sự an toàn của không phận, đồng thời tổ chức hoạt động sao cho đảm bảo độ an toàn của các chuyến bay. Sự cố với UAV là lý do chúng tôi hiện không hoạt động tại eo biển Hormuz. Đây là một biện pháp phòng ngừa", thông báo của hãng hàng không cho biết.
Cục hàng không liên bang Mỹ (FAA) cũng phát lệnh khẩn, cấm các hãng hàng không nước này bay vào không phận do Iran kiểm soát trên eo biển Hormuz và vịnh Oman. Tháng trước, FAA khuyến cáo các hãng hàng không thận trọng khi bay qua Iran và các vùng trời lân cận do hoạt động quân sự và căng thẳng chính trị gia tăng.
Hãng hàng không British Airways tuyên bố sẽ làm theo chỉ dẫn của FAA, tránh bay vào một số khu vực không phận Iran mà sử dụng các tuyến thay thế để tiếp tục hoạt động. "Nhóm phụ trách an toàn và an ninh của chúng tôi liên tục liên lạc với các cơ quan khắp thế giới nhằm đánh giá rủi ro toàn diện đối với mọi tuyến bay mà chúng tôi thực hiện", phát ngôn viên của British Airways cho biết.
Iran hôm 20/6 bắn hạ UAV MQ-4C của Mỹ bởi cho rằng nó đã xâm phạm lãnh thổ của họ. Tuy nhiên, Washington khẳng định thiết bị đang hoạt động trong không phận quốc tế khi sự cố xảy ra, bất chấp Tehran dọa sẽ đệ trình sự việc lên Liên Hợp Quốc để chứng minh Washington "nói dối".
Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết Iran đã phạm "một sai lầm rất lớn", nhưng đánh giá đây là tình huống "con sâu làm rầu nồi canh" do "ai đó ngu ngốc và không biết kiềm chế" gây ra. Trump sau đó mời các lãnh đạo quốc hội và quan chức cấp cao tới Phòng Tình huống ở Nhà Trắng để thảo luận về sự cố và các phương pháp đối phó với Iran.
Eo biển Hormuz nằm giữa vịnh Ba Tư và vịnh Oman, là khu vực quan trọng trong chiến lược đối phó với Mỹ của Iran. Đây là tuyến hàng hải duy nhất kết nối các nước sản xuất dầu hàng đầu thế giới như Kuwait, Bahrain, Iran, Iraq và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) với Ấn Độ Dương. Nếu Iran phong tỏa eo biển Hormuz, dù chỉ trong thời gian ngắn, cũng có thể làm giá dầu thế giới tăng đáng kể và khiến nền kinh tế toàn cầu chịu hậu quả nghiêm trọng.
![]() |
Vị trí eo biển Hormuz. Đồ họa: NY Times. |
Ánh Ngọc (Theo AFP)