Thành phố cũng quyết định hỗ trợ 15 triệu đồng cho gia đình có một người chết, trợ giúp 5 triệu đồng cho hộ dân có nhà bị sập đổ. Kinh phí được lấy từ các nguồn hỗ trợ và ngân sách thành phố.
Đối với vùng bị chia cắt, dân bị ngập phải di dời, thành phố hỗ trợ hơn 62 tấn mì ăn liền, trích 8 tỷ đồng để hỗ trợ cho các quận huyện gặp khó khăn. Điện đã dần được khắc phục, nhưng vẫn còn 293 trạm biến áp mất điện. Hơn 500 thùng nước tinh khiết đã được gửi đến các khu dân cư đang bị cô lập.
Dịch vụ bán hàng lưu động ở "ốc đảo "Tân Mai. Ảnh: Hoàng Hà. |
Theo Phó chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Huy Tưởng, đối với mặt hàng "nóng" nhất là rau quả, thành phố đã đặt hàng Sapa và Đà Lạt khoảng 20 tấn một ngày. Thành phố cũng đã tăng cường nguồn rau xanh từ các tỉnh lân cận như như Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng...
Hôm nay là tròn một tuần sau trận mưa lịch sử, toàn thành phố vẫn còn 11 khu vực bị ngập, trong đó ngập sâu nhất là ở đường Trần Quang Diệu, Tân Mai khoảng 50 cm, đường Vạn Phúc (Hà Đông) khoảng 40 cm, Thái Hà 30 cm.
Trạm bơm Yên Sở vẫn tích cực hoạt động để hút nước từ nội đô đổ ra ngoài. Đến sáng nay, mực nước tại bể hút trạm Yên Sở đã giảm so với mức đỉnh ngày 3/11 là 0,76 m, giảm so với hôm qua 0,19 m. Tuy nhiên, tại đập Thanh Liệt, mực nước phía sông Nhuệ vẫn cao hơn sông Tô Lịch 0,65 m.
Hệ thống đê kè vẫn an toàn. Riêng khu vực kè Liên Trì (Đan Phượng) bị sạt lở nặng, vị trí sạt chỉ cách chân đê khoảng 15 m, đang được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xử lý hộ chân khẩn cấp. Huyện Đan Phượng đã tổ chức di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Tuyến đê Tả Bùi huyện Chương Mỹ đã có 2 điểm tràn với chiều dài 80 m, hiện đã được chống tràn, đảm bảo ở mức trên báo động 3 và chuẩn bị sẵn sang các biện pháp chống tràn nếu nước sông Bùi tiếp tục lên cao khi có mưa lớn.
Trận mưa lũ từ đêm 30/10 đã làm 22 cư dân thủ đô thiệt mạng. Thiệt hại vật chất lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Diễn biến đợt mưa kỷ lục ở Hà Nội |
- Thứ sáu ngày 31/10: 1h30 đợt mưa bắt đầu. Trong vài giờ đồng hồ, gần như cả Hà Nội bị nhấn chìm. Nhiều tuyến đường ngập sâu tới 1 mét. Đến 16h, trận mưa lập kỷ lục trong 24 năm với lượng mưa đo tại Hà Đông đạt gần 500 mm, nội đô 340 mm. - 1/11, trời tiếp tục mưa to. Lượng mưa tại nội đô và Hà Đông đều vượt xa mốc lịch sử các năm 1984 và 1978. Hàng trăm khu dân cư bị chia cắt, 17 người chết, thiệt hại sơ bộ 3.000 tỷ đồng. Các sự cố sạt lở, trượt mái đê được phát hiện. Thành phố cho học sinh nghỉ học. - 2/11, mưa suy giảm. Nội đô và các huyện ngoại thành vẫn chìm trong biển nước. Giao thông bị chia cắt, tê liệt; nhiều khu vực mất điện, mất nước. Cuộc sống người dân đảo lộn. Các sự cố đê sạt lở đê, tràn đập đe dọa Hà Nội. - 3/11, trời gần như không mưa. Nước rút chậm do hệ thống bơm tiêu của Hà Nội chỉ trông vào một mình trạm bơm Yên Sở. Nước sông Nhuệ lên trên báo động 3 uy hiếp Hà Nội. - 4/11, trời mưa rải rác, nhiều khu vực nội đô vẫn bị nước bao vây, số người chết đã tăng lên 22. Nước sông Nhuệ gần như không giảm, vẫn vượt báo động 3. Hàng loạt tuyến đê sạt lở nghiêm trọng. Hà Nội bác bỏ tin đồn di dân do vỡ đê và xả lũ. - Ngày 5/11, trời không mưa, thành phố vẫn còn 12 điểm úng ngập nặng trên 30 cm. 335 trường với hơn 100.000 học sinh vẫn phải nghỉ học. Ngành giao thông đã lập các chốt trực hướng dẫn phân luồng, gia cường các cầu yếu bị ngập nước. |
Hồng Khánh