Xe bọc thép của Gruzia bốc cháy tại Tskhinvali, thủ phủ Nam Ossetia. Ảnh: Telegraph. |
Bộ Ngoại giao Gruzia cho biết, quân đội nước này đã "ngừng giao tranh tại khu vực chiến sự Nam Ossetia và sẵn sàng đàm phàn với Nga về việc ngừng bắn". Trong khi đó, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc bắt đầu phiên họp thứ tư để thảo luận về chiến sự tại Nam Ossetia nhưng vẫn chưa thể thông qua một tuyên bố.
Hãng tin Interfax thì dẫn lời một quan chức Bộ Ngoại giao Nga cho biết: "Những nguồn tin của chúng tôi không xác nhận tuyên bố của Gruzia. Vẫn còn những dấu hiệu cho thấy các cuộc giao tranh đang tiếp diễn và quân đội Gruzia chưa rút hoàn toàn khỏi vùng chiến sự".
Chiến tranh bùng nổ từ đêm 7/8 vừa qua, khi quân đội Gruzia bất ngờ tấn công tổng lực bằng bộ binh, pháo hạng nặng và không quân nhằm tái chiếm Nam Ossetia. Chỉ vài giờ sau, Matxcơva quyết định động binh khi nhận tin có hơn 10 binh sĩ gìn giữ hoà bình Nga tại Tskhinvali thiệt mạng trong chiến dịch của Gruzia.
Tới ngày 9/8, Gruzia ban bố tình trạng chiến tranh trên cả nước và áp dụng thiết quân luật trong 15 ngày. Tổng thống Gruzia Mikhail Saakashvili cáo buộc Nga đang "phát động cuộc xâm lược toàn diện nhằm vào Gruzia”, bằng việc mở rộng các mục tiêu không kích trên lãnh thổ nước này, dữ dội nhất là tại thành phố Gori.
Ossetia nằm bên dãy núi Kavkaz thuộc phía bắc Gruzia và phía nam nước Nga và được chia thành hai phần. Trong đó Bắc Ossetia là nước cộng hòa thuộc Nga còn Nam Ossetia vốn thuộc Gruzia, nhưng ly khai kể từ sau cuộc xung đột 1991-1992. Nam Ossetia tuyên bố độc lập nhưng không được bất cứ quốc gia nào trên thế giới công nhận.
Gruzia luôn kiên quyết coi Nam Ossetia là một phần lãnh thổ của mình. Matxcơva không công nhận chính quyền tự xưng tại đây, nhưng cấp quy chế quốc tịch cho hầu hết dân số tại Nam Ossetia. Người dân địa phương cũng chủ yếu sử dụng đồng rúp của Nga trong tiêu dùng.
Quân Nga có mặt tại Nam Ossetia trên cơ sở thỏa thuận chấm dứt xung đột tại đây năm 1992. Theo đó Nga, Gruzia và Bắc Ossetia cử mỗi bên 500 quân tham gia nhóm phối hợp gìn giữ hòa bình tại Nam Ossetia.
Ngọc Quỳnh (theo AP, BBC)