Hai em bé Nhật đang cầm trên tay các máy điện thoại di động dành cho trẻ em. Ảnh: AFP. |
Theo một báo cáo mà chính phủ nước này công bố vào tháng trước thì khoảng một phần ba học sinh tiểu học trong độ tuổi từ 7 đến 12 ở Nhật đang sử dụng điện thoại di động và tỷ lệ học sinh trung học có điện thoại là khoảng 96%.
Họ sử dụng điện thoại để đọc sách, nghe nhạc, tán gẫu với bạn bè và lướt Internet. Trung bình, các nữ sinh trung học dành 124 phút một ngày cho điện thoại, các em nam dùng 92 phút .
Tuy thế giới ảo cung cấp cho người trẻ cơ hội học tập và giao lưu nhưng nó cũng có nhiều mặt trái. Các chuyên gia đã chỉ ra sự gia tăng về nạn quấy rối qua điện thoại và việc trẻ em ngày càng ngại tiếp xúc trực tiếp với người khác.
"Cuộc sống của tôi sẽ trở nên vô vị nếu không có nó (điện thoại di động). Tôi thường giả vờ ốm để có thể về sớm mỗi lần quên điện thoại", Ayumi Chiba, 20 tuổi, tâm sự.
Hideki Nakagawa - giáo sư xã hội học tại trường Đại học Nihon ở Tokyo, cho biết điện thoại di động đã trở thành nỗi ám ảnh với những người Nhật trẻ. "Chúng cảm thấy bất an khi không có điện thoại, như những nhà kinh doanh cảm thấy lúng túng nếu không có danh thiếp", ông nói.
Ông Masashi Yasukawa, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Web Quốc gia cho biết : "Trẻ em ngày nay nói rằng điều quan trọng nhất đối với chúng, bên cạnh cuộc sống, chính là chiếc điện thoại di động. Chúng thậm chí không ngừng di chuyển các ngón tay ngay cả khi ăn và xem vô tuyến".
Khi điện thoại trở thành trung tâm trong cuộc sống của người trẻ, nó sẽ có nhiều vai trò khác nhau bao gồm cả việc trở thành vũ khí để tấn công người khác.
Yasukawa nhắc đến trường hợp một bé gái 15 tuổi, người thường xuyên nhận được những tin nhắn như: "Chết đi", "Mày thật là phiền toái" hay "Người mày bốc mùi". Đáng buồn thay, những tin nhắn này lại được gửi từ chính bạn gái của cô bé trên - người em thường giãi bày tâm sự và luôn khuyên em đừng quá quan tâm đến các tin nhắn như thế.
"Tác giả của các tin nhắn trên thú nhận rằng cô thấy vui khi nhìn thấy sự đau khổ trên khuôn mặt của người bạn", Yasukawa nói.
"Một số thậm chí còn gửi các tin nhắn thô tục cho đồng nghiệp của mình. Đó là một thế giới đáng sợ. Các bậc phụ huynh không hề biết rằng có một thế giới rất đáng sợ đằng sau màn hình chiếc điện thoại", ông nói tiếp.
Khi những người trẻ tiết lộ thông tin cá nhân của mình trên mạng, họ vô tình tự biến mình thành miếng mồi cho những tên yêu râu xanh và những kẻ lừa đảo. Thậm chí giờ đây di động còn trở thành phương tiện duy nhất để liên lạc của những bạn trẻ.
Giáo sư Tetsuro Saito cho biết theo kết quả của một cuộc nghiên cứu gần đây với 1.600 học sinh cấp hai trong độ tuổi 14 ở Nhật thì có khoảng 60% các em có điện thoại di dộng và gần một nửa trong số này gửi khoảng 20 email hay thậm chí nhiều hơn trong một ngày.
Tomomi, 18 tuổi, cho biết: "Em gửi khoảng 20 email một ngày. Có những người em gặp ở trường nhưng em thậm chí không nói chuyện với họ. Em chỉ trao đổi bằng thư điện tử. Em nghĩ chúng em chỉ giao tiếp với nhau qua một cái máy mà thôi".
Nghiên cứu của Saito cũng cho thấy phần lớn học sinh sử dụng điện thoại như một vật để nương tựa về mặt tình cảm, khi các em gặp chuyện không vui ở nhà, các em càng thấy tự do hơn khi chia sẻ trên điện thoại.
Điện thoại có thể khiến các em giải khuây, nhưng nó đi kèm một cái giá cắt cổ.
Kanae Yokoyama, 36 tuổi, đang phải ra hầu tòa sau khi đánh vào cổ cô con gái 15 tuổi vì phát hiện em dùng trộm điện thoại. Cô cấm con gái dùng di động sau khi phải trả hóa đơn lên đến 1.060 USD.
"Có lẽ chiếc điện thoại là người bạn duy nhất của cô bé", một nhân viên cảnh sát nhận xét.
Quỳnh Mai (theo AFP)