![]() |
TS tâm lý Nguyễn Công Khanh. Ảnh: Hoàng Hà. |
- Là chuyên gia tâm lý, ông nhìn nhận thế nào về việc giáo viên liên tiếp hành xử phản sư phạm với học sinh thời gian qua?
- Một trong những yếu tố ảnh hưởng tới việc hành xử phản sư phạm của giáo viên là do nhiều trường sư phạm chưa tập trung bồi dưỡng cho thày cô về tâm lý trẻ cũng như giúp họ có khả năng tổ chức các lớp học trong môi trường tương tác thuận lợi nhằm tạo cảm xúc, kích hoạt sự sáng tạo cho trẻ. Hiện các trường chủ yếu chỉ mới cung cấp cho giáo viên kiến thức, kỹ năng về môn học và bỏ qua các kỹ năng sống. Thí dụ như khi trẻ buồn, phải làm thế nào cho nó vui, trẻ không có bạn thì làm thế nào để nó có bạn…
- Vì 47.800 đồng mà cô bé lớp 5 bị hỏi cung, còn em Tý bị cô bắt đứng trước lớp để khám do bạn cùng lớp mất 100.000 đồng. Theo ông, trong trường hợp đó, giáo viên nên xử lý thế nào cho đúng cách?
- Cần xem hành vi vi phạm của trẻ xuất phát từ những nguyên nhân nào. Đối với trẻ, nhiều khi hành vi lấy cắp đồ, làm hỏng đồ vật… không có nghĩa là em đó đã hư hỏng. Phần lớn các trường hợp đó xảy ra trong tình huống do trẻ suy nghĩ không chín chắn nên hay bị nhu cầu, cảm xúc trước mắt cám dỗ.
Giả thiết trẻ vi phạm thì người lớn phải biết cách ứng xử, để trẻ hiểu rằng đó là việc không nên làm chứ đừng nên gây thương tổn cho trẻ. Điều đó có thể đẩy trẻ vào những tình huống stress, dẫn đến sang chấn tâm lý và để lại hậu quả khôn lường.
Trong trường hợp em Trâm và em Tý, nếu thày cô biết cách xử sự thì vụ việc đơn giản hơn nhiều. Ví như gọi em đó lại, nói chuyện rồi bảo trẻ rằng có thể bỏ qua hành vi đó nhưng lần sau không được lặp lại. Cách làm này tốt hơn nhiều việc kỷ luật để cố tình truy tìm chứng cứ kết tội trẻ. Nhiệm vụ của giáo viên là hỗ trợ trẻ nhận ra những hành vi không tốt và tìm cách củng cố những hành vi tích cực.
- Một số thày cô quen đối xử theo lối áp đặt suy nghĩ, thể hiện uy quyền người lớn với trẻ. Ông nghĩ gì trước ý kiến cần thay đổi cách đối xử đó?
- Trẻ em là sản phẩm của xã hội. Điều đó có nghĩa, trẻ lớn lên nhờ sự tương tác với thế giới xung quanh. Khi thế giới xung quanh thay đổi thì cách đối xử với trẻ cũng cần thay đổi. Ví dụ, trước đây, phần lớn mọi người đều thích trẻ vâng lời và nhiều gia đình còn áp dụng cách đối xử uy quyền với trẻ. Tuy nhiên, trong xã hội hiện nay, cách áp dụng như vậy dễ thất bại.
Các thày cô nên áp dụng cách mềm dẻo như quan tâm đến trẻ, thiết lập những quy tắc và thực hiện nó một cách chặt chẽ nhưng không áp đặt. Đồng thời, cần học những cách giáo dục mới như kích hoạt sự sáng tạo của trẻ, dạy kỹ năng xã hội như tự giúp mình, ứng xử với người khác như thế nào cũng như tự đánh giá hành vi bản thân.
- Vậy những cú sốc đầu đời sẽ ảnh hưởng thế nào tới tâm lý trẻ sau này?
- Điều này chưa thể nói trước được bởi mức độ thương tổn tâm lý phải có sự đánh giá cụ thể của các chuyên gia. Thương tổn qua nhanh hay không phụ thuộc rất nhiều vào cách khắc phục. Tốt nhất nên tìm gặp chuyên gia tâm lý có kinh nghiệm, hơn là thuần túy đưa trẻ đến bệnh viện tâm thần. Thuốc không thể cứu chữa cho những em bị sang chấn tâm lý khỏi trạng thái trầm cảm.
Bà Nguyễn Thị Hoài Thu, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội: Hành xử thô bạo với trò, thày không còn chỗ đứng trên bục giảngBất kỳ ai, dù là ông bà, cha mẹ, anh chị… đều không được quyền hành xử ngược đãi với trẻ, bởi các em là người yếu thế nhất trong xã hội. Thày giáo mà đi túm tóc học trò, khám xét học trò trước cả lớp học là xa lạ đối với đất nước này. Những người này không còn xứng đáng làm thày cô giáo nữa, không còn chỗ đứng trên bục giảng. Theo tôi, không có một sự tha thứ nào đối với các thày cô giáo đó, trừ khi những người đó bị mất năng lực hành vi dân sự. Còn người bình thường, đầy đủ tư cách đứng trên bục giảng mà hành xử với học sinh như vậy thì căn cứ vào pháp luật mà trừng trị, không thể được tha thứ. Vào ngành sư phạm là phải xác định đi dạy dỗ người khác. Muốn dạy người khác thì trước hết mình phải dạy mình, phải là người đàng hoàng, có tư cách. Bây giờ không phải "chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm" nữa rồi. Đó là nghề do mình tự chọn và được xã hội tôn vinh. Thày giáo phải thay mặt cha mẹ học trò trong thời gian các em không ở nhà, thay mặt cho Nhà nước đứng ra dạy dỗ trẻ điều hay lẽ phải, đạo đức xã hội. Thứ trưởng GD&ĐT Đặng Huỳnh Mai: Không chấp nhận tiêu cực phản sư phạmGần đây chúng ta đang cố gắng không dùng những hình thức trừng phạt trong nhà trường. Tuy nhiên, có những nhà giáo thiếu rèn luyện nâng cao năng lực nên ứng xử tình huống kém. Thực tế là vẫn còn những giáo viên chưa tốt. Chúng ta có thể cho họ cơ hội để làm lại, nếu không được nữa thì không để họ làm giáo viên. Mọi người lên án điều đó, chúng tôi đồng ý, nhưng là để cùng nhau xử lý. Những thày cô gây ra vụ việc vừa rồi đáng bị xử lý và làm nghiêm khắc cũng không ai có ý kiến gì. Việc kỷ luật thuộc về địa phương, nếu không có phản đối của phụ huynh và nhân dân thì có thể chấp nhận.Qua tiếp xúc, tôi thấy thày Ca quá hiền lành và nhu nhược, còn Tổng phụ trách Xem không có giải pháp khôn ngoan nên cứ nghĩ đưa sang công an là tốt nhất, bởi mấy đứa nhỏ sẽ sợ. Nếu công an nói rằng làm như vậy là vi phạm quyền trẻ em thì chắc giáo viên cũng phải dừng ngay lại. |
Tiến Dũng - Như Trang thực hiện