Thứ tư, 24/4/2024
Thứ ba, 1/10/2019, 08:57 (GMT+7)

Tuổi vào lớp 2 của những bé gái sinh tư

Đồng ThápViệt, Nam, Hạnh, Phúc là ca sinh tư hiếm hoi, có khuôn mặt giống nhau, cùng sở thích và học chung một lớp.

Năm 2012, vợ chồng anh Trần Hữu Đồng và chị Trần Thị Tình (ấp Tân Phú, xã Tân Phước, huyện Lai Vung, Đồng Tháp) sinh được 4 bé gái. Đây là trường hợp sinh tư tự nhiên rất hiếm gặp với tỷ lệ 1/700.000.

Bên chị Tình, lần lượt từ trái qua là các bé Trần Thị Minh Hạnh, Trần Thị Minh Nam, Trần Thị Minh Phúc và Trần Thị Minh Việt (hàng sau). "Những cái tên đều do bác sĩ ở Bệnh viện Từ Dũ (TP HCM) đặt. Gia đình thấy nó mang nhiều ý nghĩa nên làm khai sinh như vậy luôn", mẹ các bé giải thích.

Các bé đang học lớp 2 tại ngôi trường chỉ cách nhà gần một km. Mỗi ngày, chị Tình đạp xe chở hai con đến trường rồi lại vòng về nhà chở tiếp hai bé nữa.

"Mới đầu chúng hay khóc tị nạnh nhau khi không được mẹ chở đầu tiên. Giờ thì sáng tôi chở đi, chiều bốn đứa tự đi bộ về nhà", chị Tình, nói.

Cô giáo chủ nhiệm Diệp Thị Phương Lan chỉ bài cho bé Phúc. Theo cô giáo, trong bốn chị em, Phúc là có học lực khá nhất. Trong lớp học, mỗi bé cũng được giáo viên chủ nhiệm xếp ngồi riêng bàn để không nói chuyện với nhau.

"Ban đầu tôi khá bối rối khi phân biệt từng bé, sau phải dựa vào tính tình mới nhận biết được. Trong lớp các bé đều chăm học, hòa đồng với bạn bè", cô Lan chia sẻ.

"Những bé còn lại cũng ngoan ngoãn, chịu khó học tập, hòa đồng với bạn bè. Điểm chung của các bé là tinh nghịch, thích chạy nô đùa khắp trường", cô Lan cho biết.

Hai bé Phúc (phải) và Nam tranh thủ ôn bài cùng nhau trước khi cô giáo vào lớp. Hiện, các bé ngoài học chính khóa buổi sáng còn học thêm tại trường vào buổi trưa.

Bé Phúc chăm chú ôn bài trong lớp.

Sau giờ học, các bé thường lấy xe đạp chạy khắp xóm.

Các bé Minh Việt - Minh Phúc - Minh Nam - Minh Hạnh (từ trái qua) tung tăng trên đường. Bốn chị em đều rất giống nhau khiến nhiều người khó phân biệt khi mới gặp.

"Ngay cả ba mẹ lúc đầu còn lẫn lộn tên các con suốt. Sau này dựa vào đặc điểm riêng như nốt ruồi, làn da, giọng nói mới phân biệt được", chị Tình, mẹ bé, nói.

Ở tuổi lên 7, các bé ngoan hơn, biết phụ việc nhà, tự chơi đùa với nhau. Các em đi đâu cũng có nhau, ai cũng tinh nghịch và hiếu động.

Sở thích của bốn chị em là được nhảy xuống con kênh trước nhà để tắm. "Mấy chị em con được cha dạy bơi từ khi 5 tuổi, giờ ai cũng lội nước giỏi lắm", bé Hạnh khoe.

Cô chị cả Minh Việt ngồi cho mẹ cột tóc, phía sau các em khúc khích cười nghịch. "Trong bốn đứa thì Việt là hiền nhất, tính trầm hơn nhưng cũng ra dáng là người chị lớn nhất. Khi thay quần áo, cột tóc, cho ăn... tôi đều theo thứ tự Việt - Nam - Hạnh - Phúc", chị Tình nói.

Trên chiếc bàn ở phòng khách của gia đình chị Tình còn lồng những bức hình chụp kỷ niệm các bé qua các lứa tuổi. 

Trước khi sinh bốn, vợ chồng chị đã có một gái (11 tuổi), một trai (8 tuổi). 

Hàng ngày người mẹ phải chăm sóc bốn con từ miếng ăn đến giấc ngủ. Chị Tình cho biết, chăm các bé lúc nhỏ là cực nhất. Gia đình không có ruộng đất, sau khi sinh, chị phải nghỉ để ở nhà chăm các con.

Không được hưởng trợ giúp từ các chính sách xã hội, hoàn cảnh vợ chồng anh Đồng chị Tình thêm khó khăn khi nuôi các bé ngày một lớn. Hiện mỗi tháng chỉ riêng tiền ăn học của các bé là gần 5 triệu đồng. Để có tiền chăm con, anh Đồng phải lên TP HCM, Bình Dương làm nước đá, còn chị Tình ở quê đi làm lúa, hái ớt thuê...

"Nhờ trời thương nên bốn đứa con lớn lên đều khoẻ mạnh, ngoan ngoãn. Nghèo nhưng có Việt, Nam, Hạnh, Phúc là vợ chồng tôi vui rồi", bà mẹ của sáu con giãi bày.

Quỳnh Trần