Thứ sáu, 19/4/2024
Thứ năm, 20/8/2015, 13:33 (GMT+7)

Thí sinh, phụ huynh chạy đua trước giờ G

Hàng nghìn thí sinh từ khắp nơi đổ về các trường đại học ở Hà Nội để nộp - rút hồ sơ, cố gắng hoàn tất thủ tục trước 17h hôm nay - thời hạn cuối cùng của đợt xét tuyển đầu tiên.

Từ sớm 20/8, khu vực nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển vào Đại học Sư phạm Hà Nội đã có đông thí sinh cùng phụ huynh đến làm thủ tục. Cả buổi sáng, loa đặt trong phòng thường xuyên phát đi thông báo: "Đề nghị thí sinh, phụ huynh đã làm xong thủ tục rời phòng để lấy chỗ cho người khác vào". Đại diện nhà trường cho biết, hôm nay là ngày có số thí sinh đến làm thủ tục đông nhất.

Bảng thông báo điểm chuẩn xét tuyển tạm thời bên ngoài phòng nhận hồ sơ luôn có đông thí sinh, phụ huynh theo dõi. So với các trường ở Hà Nội, Đại học Sư phạm có nhiều thí sinh ở tỉnh xa đến làm thủ tục. Điểm chuẩn dự kiến vào trường, nhất là các khoa hot như Sư phạm Toán, Hóa, Lý, tiếng Anh... luôn trên 27.

Theo quy định, mỗi thí sinh được đăng ký 4 nguyện vọng cho mỗi trường và có tất cả 4 đợt xét tuyển. Đợt 1 kéo dài từ 1 đến 20/8 có đông thí sinh nộp - rút hồ sơ nhất. Phần lớn đại học, cao đẳng tốp đầu và giữa sẽ tuyển đủ chỉ tiêu trong đợt này.

Vì thế, cả thí sinh và phụ huynh phải rất cân nhắc, nếu trượt trong đợt 1 cơ hội chọn được ngành, trường yêu thích trong các đợt xét tuyển tiếp theo không nhiều.

Đưa con từ Điện Biên về Hà Nội đăng ký xét tuyển vào Đại học Sư phạm Hà Nội, người mẹ này ngồi nhiều giờ cùng con suy nghĩ chọn trường. Đến gần trưa, cả hai phải ra một góc vắng trong tòa nhà cho yên tĩnh để tiếp tục bàn bạc, cân nhắc.

Từ quê đưa con lên Hà Nội làm hồ sơ đăng ký xét tuyển, người mẹ này cho biết việc đi lại rất vất vả, tốn kém. Dù vậy, nếu con không đỗ đợt này, bà sẽ cho con đăng ký tiếp vào các đợt sau vì "con gái ở quê chả học thì biết làm gì, chân yếu tay mềm làm ruộng không nổi".

Anh Trần Duy Tuấn đưa cháu từ Bắc Giang xuống Đại học Công nghiệp Hà Nội nộp hồ sơ. Trước đó cháu anh nộp vào Học viện Ngân hàng, khoa Tài chính Ngân hàng, nhưng đến nay điểm chuẩn tạm thời đã lên tới 22, bằng với mức điểm của cháu, vì thế buộc phải rút hồ sơ chuyển sang trường khác. Tại Đại học Công nghiệp, hai chú cháu sau hồi bàn bạc kỹ lưỡng, quyết định đăng ký 4 nguyện vọng, thứ tự ưu tiên lần lượt là Kế toán, Tài chính Ngân hàng, Kiểm toán và Quản trị Kinh doanh. Ngành Kế toán điểm chuẩn tạm thời hiện là 19,5.

Từ Sài Đồng, ông Ngô Văn Dũng chở con gái Ngô Diệu Linh đi thật sớm đến Đại học Thương mại. Ngồi chờ con làm thủ tục, ông Dũng chia sẻ Linh thi được 21,5 điểm, đã nộp hồ sơ vào ngành Quản trị kinh doanh ở Học viện Tài chính. Do điểm của em thấp hơn mức điểm chuẩn dự kiến nên đành phải rút và chuyển sang Thương mại. 

Rất đông thí sinh ở Đại học Thương mại tỏ ra mệt mỏi khi phải chạy đi chạy lại rút rồi nộp hồ sơ mà vẫn không chắc chắn mình có đỗ hay không.

Trong khi con làm thủ tục, nhiều phụ huynh tụ lại trao đổi ngành nào ra trường dễ xin việc nhất. Theo bản tin cập nhật thị trường lao động quý I/2015, số lao động trình độ đại học, sau đại học thất nghiệp là gần 178.000; lao động tốt nghiệp cao đẳng thất nghiệp là hơn 100.000.

Thi sinh và người nhà lo lắng đi rút hồ sơ và chuyển nguyện vọng
 
 

Nhóm phóng viên