Thứ tư, 24/4/2024
Thứ bảy, 12/1/2019, 11:04 (GMT+7)

Thầy trò dùng máng tre lấy nước sinh hoạt

Điểm trường Khuổi Bon (Bảo Lâm, Cao Bằng) nằm bên sườn núi, không có điện, nước phải dè sẻn.

Điểm trường Khuổi Bon, xã Lý Bôn (Bảo Lâm, Cao Bằng) cách trường học chính hơn 10 km. Để lên được điểm trường, thầy cô phải đi xe máy trên con đường dân sinh men theo các dãy núi, trời nắng đi hết 20 phút mưa chỉ có thể đi bộ. Nơi này hiện có 94 học sinh, 9 thầy cô (dạy mẫu giáo và tiểu học) dạy và học trong cảnh không điện, thiếu nước. 

Để có nước sinh hoạt, thầy cô tại điểm trường phải đi ngược lên núi tìm nguồn nước ngầm chảy ra. Mùa mưa nước luôn vàng đục, mùa đông xuân thiếu nước.

Nơi có nước gần nhất cách điểm trường hơn 1.000 m, nằm giữa hai dãy núi. Nước đọng thành vũng nông, thầy cô phải sử dụng 50 m máng tre và 1.000 m ống nhựa để đưa nước về.

Thầy Lục Văn Chánh, giáo viên ở Phiên Pẻn cho biết, hai ngày một lần, thầy cô thay nhau lên núi kiểm tra tình trạng nước về. 50 m máng tre dẫn nước từ khe về chiếc phuy nhựa. Phuy là nơi lọc nước, cũng là để tạo áp lực cho dòng nước chảy xuống trường.

Để đặt được máng nước, giáo viên dùng tay khơi thông dòng chảy. Đôi khi nước lớn cuốn trôi hay trâu bò đi lại, đất sạt lở gây mất đường dẫn nước.

Những máng nước tự chế chia làm nhiều đoạn ngắt quãng, tất cả được gá tạm bằng chạc cây. Đường nước bám theo đường mòn hoặc vắt qua đường để rút ngắn khoảng cách, tạo áp lực nước chảy về nhanh hơn.

Chiếc phuy nhựa chứa nước được trải lưới trên miệng nhằm lọc bỏ rác và lá cây. Mỗi lần đi thăm nước, thầy cô phải rũ bỏ phần rác, đất, rêu giăng kín các mắt lưới.

Gần 1.000 m đường ống nhựa đưa nước về len lỏi trong những tán cây bụi.

Đường ống nước bằng nhựa được tập thể giáo viên tại điểm trường Khuổi Bon góp tiền mua. Nước một phần dẫn bằng máng tre, phần còn lại dùng ống nhựa. Tuy nhiên, khi nước về cách điểm trường 400 m thì phải tách làm 3 đường (một đường chia vào nhà dân, đường cho lớp mẫu giáo và đường còn lại mới là trường tiểu học). "Khi bên nào cần nước thì phải chạy lên nối lại dòng chảy", cô giáo Ngọc chia sẻ.

Sau khi đấu nối, thầy cô phải chờ 20-30 phút để có nước. Nguồn nước duy nhất này cũng là nước uống, sinh hoạt, vệ sinh của gần 100 thầy trò tại điểm trường.

Ngọc Thành