Thứ ba, 19/3/2024
Thứ tư, 20/11/2019, 10:37 (GMT+7)

Thầy giáo gần 15 năm dạy trẻ mầm non

TP HCMTrong những giờ học, thầy giáo Nguyễn Phương Bình, 35 tuổi, lặng lẽ chăm sóc từng miếng ăn, giấc ngủ cho học trò.

Thầy Nguyễn Phương Bình dạy tại trường Mầm non 1 (quận 5) gần 15 năm nay. Sinh ra trong gia đình 3 anh chị em, thầy Bình cho biết, thời sinh viên khi chọn ngành sư phạm mầm non, ba mẹ không ủng hộ. Ngày đến giảng đường, cả lớp có hàng trăm sinh viên nữ thì chỉ có 2 nam.

"Từ hồi phổ thông tôi đã yêu thích trẻ con, hay chăm mấy cháu nhỏ ở nhà. Bạn bè trang lứa của tôi thì ít nhưng bạn là con nít thì nhiều lắm", thầy giáo còn độc thân chia sẻ. 

Hiện thầy Bình dạy cho khoảng 30 bé 4-5 tuổi. "Lúc mới ra trường, tôi nhận dạy lớp cho các bé 2-3 tuổi. Trẻ khóc nhiều và rất quậy khiến tôi áp lực. Dạy được một tuần, tôi tính sẽ nghỉ việc nhưng rồi ấn tượng với một bé hay gọi mình là thầy Bình. Từ đó, tôi suy nghĩ lại theo nghề đến bây giờ", thầy kể.

Mỗi tiết học, thầy Bình chuẩn bị những bài dạy dễ hiểu, sinh động để thu hút học trò.

Giáo viên nam duy nhất trong trường thường đảm nhận nhiệm vụ cột tóc cho các bé.

"Lúc đầu nhiều lúc giáo viên cũng ngỡ ngàng không nghĩ thầy có thể làm tốt công việc thường chỉ dành cho nữ. Dần dần, thầy cho thấy là người mến trẻ, dạy học sáng tạo, từng đoạt giải nhất giáo viên dạy giỏi cấp thành phố", cô Huỳnh Thị Tường Anh, Hiệu phó trường Mầm non 1, cho biết.

Như bao giáo viên mầm non khác, công việc của thầy là giúp các bé phát triển nhận thức và các kỹ năng sống.Trên sân trường, thầy thường tổ chức nhiều trò như nhảy lò cò, lăn bao tải, cầu trượt, tàu hỏa...

"Thời gian chính trong ngày của các bé là chơi nhiều trò chơi từ tư duy đến vận động. Để giúp trẻ hòa nhập, mình phải bày đủ trò và cùng chơi với bé", thầy giáo quê Bến Tre nói.

Khoảng 11h, khi các bé đang vui chơi tự do, thầy chuẩn bị cơm trưa cho học trò.

Hầu hết bé đều tự ăn nhưng một số vẫn cần phải đút từng muỗng cơm. Theo thầy, giờ ăn là mệt nhất trong ngày vì nhiều bé thường hay nhõng nhẽo, bỏ bữa hoặc nôn trớ.

Thầy Bình trải mền, chuẩn bị giờ ngủ trưa cho các học trò.

Khi lo cho các bé ngủ trưa xong, thầy ngồi soạn giáo án, đọc thêm sách về nghề sư phạm mầm non. Chiếc bàn vốn là tủ để đồ của học trò.

Tranh thủ giờ nghỉ trưa, thầy cùng đồng nghiệp làm đồ chơi từ vật liệu tái chế cho học trò. "Niềm vui của tôi là thấy những sản phẩm do chính mình làm được các bé hào hứng chơi", thầy nói, vừa dùng cọ sơn vẽ lên đồ chơi làm bằng bìa carton.

Những bức tranh do học trò vẽ tặng, được thầy Bình treo trên tường. Thầy kể, niềm vui trong gần 15 năm làm nghề là có nhiều bé đã đi học vẫn nhớ và tặng quà trong ngày 20/11.

Khoảng 17h, thầy kết thúc công việc. Ngôi trường mầm non nằm trong con hẻm nhỏ, cách nhà thầy Bình khoảng 4 km.

"Tôi sẽ mãi gắn bó với trẻ thơ. Mong ước của tôi là nhìn thấy nụ cười, sự phát triển kỹ năng của các bé mỗi ngày", thầy giáo cho biết, vừa dắt xe qua cổng trường để về với gia đình.

Quỳnh Trần