Thứ ba, 16/4/2024
Thứ ba, 5/12/2017, 15:56 (GMT+7)

Thầy cô hái măng, bắt cá cải thiện bữa ăn

Giáo viên cắm bản thường xuyên đối diện với việc thiếu thực phẩm. Để cải thiện, thầy cô lên rừng hái măng, lá sắn, hay quăng chài bắt cá.

Giáo viên dạy học ở Pá Mỳ (Mường Nhé, Điện Biên) người lâu nhất 15 năm, người ít nhất gần 5 năm. Điểm trường xa nhất cách trường chính hơn 20 km, đi lại khó khăn nên thầy cô ở tại điểm trường. Lương thực, thực phẩm chuẩn bị từ đầu tuần, chủ yếu là đồ khô, còn rau lên rừng hái. 

Lá sắn, rau rừng, hoa chuối rừng luôn được giáo viên sử dụng làm rau xanh trong các bữa ăn. "Cuối năm 2014 giáo viên ở Pá Mỳ không còn được hưởng phụ cấp biên giới khi chia tách địa giới hành chính. Công việc không thay đổi nhưng phụ cấp và thu nhập giảm từ 6,9 triệu xuống còn 6,3 triệu đồng. Xã Pá Mì cách trung tâm thành phố gần 300 km, đường đi lại khó khăn, lương thực, thực phẩm đắt gấp rưỡi ở trung tâm", thầy Lò Văn Việt chia sẻ.

Cuối năm, khi mưa xuống, măng rừng mọc nhiều. Những củ măng nặng cả cân được chặt lấy phần non nhất mang về.

Măng chứa glycocid gây độc cho cơ thể nên khi hái về phải bóc vỏ, bỏ vào nồi nước luộc 2-3 lần, sau đó ngâm nước gạo 2 ngày mới ăn được.

Cuối tuần, thầy giáo có sức khỏe tìm đến khúc sông gần trường quăng chài bắt cá. "Trước khi lên dạy tại trường Dân tộc nội trú Pá Mỳ, tôi đã biết quăng chài bởi gia đình gần sông suối, là người dân tộc Thái nên thạo sông nước", thầy Vi Văn Mạnh, quê huyện Sông Mã (Sơn La) nói.

Thông thường các thầy sử dụng chài nặng 6,5 kg, dài 2,5 m. Mùa lũ nước đục, chảy xiết, cá bé bơi sát bờ nên dùng chài lưới mắt bé. Mùa khô nước lặng có thể bơi được ra vũng sâu, họ sử dụng chài mắt lưới to.

Thầy Lò Văn Lai là người sát cá nhất trường. Những cuộc đánh bắt cá cải thiện bữa ăn không thể vắng mặt thầy.

Đồ ăn tươi hiếm hoi trong tuần của thầy cô làm nhiệm vụ ở Pá Mỳ. 

Ngọc Thành