Thứ sáu, 19/4/2024
Thứ năm, 12/2/2015, 20:36 (GMT+7)

Sinh viên y khoa tri ân người hiến xác

Hàng trăm sinh viên và thầy cô trường y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP HCM, đã thắp hương cảm tạ những thân xác mà họ gọi là thầy.

Lễ tri ân người hiến xác Macchabée được hình thành từ năm 1990. Tại ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, buổi lễ được tổ chức vào những ngày giáp Tết Nguyên đán. Đây là dịp để sinh viên ngành y tri ân những người thầy thầm lặng đã giúp mình trong quá trình học tập. 

Không chỉ là dịp để những sinh viên y khoa tỏ lòng tôn trọng và biết ơn những người hiến thi hài cho khoa học, đây còn là thời khắc mà những người thân đến thăm và tưởng nhớ người thân của mình đã qua đời. Dù sắc da đã thay màu, nhưng do được ướp hóa chất và bảo quản tốt, thi thể của người hiến xác vẫn còn nguyên hình hài như đang ngủ say.

Với các sinh viên, buổi lễ tri ân mang tính chất thiêng liêng và sẽ trở thành dấu ấn in sâu trong lòng mỗi người, xuyên suốt những năm học và ngay cả khi đã trở thành bác sĩ.
 

Người đầu tiên tại Việt Nam hiến xác là vào năm 1996. Ông mắc bệnh tim, trải qua nhiều lần phẫu thuật, biết mình không thể tiếp tục sống, ông đã tình nguyện hiến xác cho y học. Nghĩa cử này luôn được thầy cô và các trò ngành y xúc động mỗi khi nhớ đến.

Sau đó không lâu, người thứ hai tình nguyện hiến xác là một nữ doanh nhân. Nổi tiếng xinh đẹp giỏi giang, mắc bệnh ung thư đại tràng, thấy mình không qua khỏi, chị đã tình nguyện đăng ký hiến xác. Và kể từ đó, lượng người đăng ký hiến xác tăng dần.

Theo bác sĩ Hoàng Ngọc Vân, Trưởng bộ phận tiếp nhận xác hiến trường y Phạm Ngọc Thạch, trong năm 2014 đã có 810 bộ hồ sơ đăng ký và 22 người hiến xác. Đặc biệt trong năm tiếp nhận 177 bộ hồ sơ đăng ký hiến xác của tăng ni Phật tử của một chùa tại TP HCM.

Trong lễ tri ân, những thầy thuốc tương lai tâm niệm: "Người thầy thuốc không có kiến thức về giải phẫu học thì chẳng những vô ích mà còn có hại".

Giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Dung, Hiệu trưởng ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch xúc động cho rằng: "Hiến xác là một nghĩa cử cao đẹp giúp cho sự sống trở lại với những bệnh nhân được cứu. Bác sĩ cứu người nhưng công lớn thuộc về những người thầy của họ, những người đã hiến xác để họ có tay nghề vững vàng hơn".

Thiên Chương