Thứ ba, 23/4/2024
Chủ nhật, 24/6/2018, 19:15 (GMT+7)

Sĩ tử đến Văn Miếu cầu may trước ngày thi THPT quốc gia

Sau khi thắp hương ở gian lễ, nhiều sĩ tử đến sờ đầu rùa, hay đến gian hàng thư pháp xin chữ "đăng khoa", "đỗ đạt".

14h ngày 24/6, thí sinh đổ đến các trường làm thủ tục ngày mai thi THPT quốc gia. Sau nửa tiếng, các em ra về. Nhiều em đến thẳng Văn Miếu - Quốc Tử Giám, trường đại học đầu tiên của Việt Nam, hòa cùng dòng người xếp hàng vào thắp hương cầu may.

Thí sinh và người nhà thắp hương trước ban thờ vạn sư thế biểu Chu Văn An, người thầy mẫu mực của muôn đời.

Ngọc cùng các bạn chuẩn bị sẵn đồ lễ, cả ba đều thi Đại học Thương mại. Các em chia sẻ đến Văn Miếu cầu may mắn, thuận lợi trong kỳ thi này.

Bạn Ngô Âu Việt, thí sinh tự do quê Thái Nguyên chia sẻ: "Trong kỳ thi, cố gắng thôi chưa đủ mà cần có thêm chút may mắn".

Phụ huynh khi cầu khấn kêu thật to tên con. Có người còn mang theo giấy ghi tên cúng cơm, số báo danh, phòng thi và tên đại học muốn con thi đỗ để cầu cho chính xác.

Nhiều sĩ tử tới gian hàng thư pháp để xin thầy đồ cho các chữ như đăng khoa, đỗ đạt...

Ở khu vực bia tiến sĩ, đã có hàng rào và nhiều biển cấm sờ đầu rùa, nhưng vẫn có sĩ tử trèo qua rào chắn để xoa đầu rùa cầu may.

Có người không xoa đầu rùa ở bia đá mà xoa đầu rùa ở bức tượng đồng rùa cõng chim hạc trong gian lễ, khiến nó nhẵn bóng.

So với 5 năm trước, năm nay lượng thí sinh đổ đến Văn Miếu không đông. Lý do là kỳ thi không còn quá căng thẳng và với việc được đăng ký không hạn chế số nguyện vọng xét tuyển, khả năng đỗ đại học của thí sinh rất cao.

Cuối giờ chiều, sĩ tử cùng bạn bè, người thân vẫn đổ về Văn Miếu - Quốc Tử Giám cầu thi tốt.

Ngày mai, 925.790 thí sinh cả nước sẽ bước vào kỳ thi THPT quốc gia để xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học, cao đẳng. TP HCM và Hà Nội có số thí sinh dự thi đông nhất, mỗi địa phương gần 80.000.

Thắp hương
 
 

Tại THPT chuyên Phan Bội Châu (TP Vinh, Nghệ An), nhiều thí sinh cũng thắp hương cầu may trước tượng danh nhân Phan Bội Châu. Video: Nguyễn Hải

Giang Huy