Thứ bảy, 20/4/2024
Thứ bảy, 2/4/2016, 01:00 (GMT+7)

Ngôi trường nữ sinh tiểu học đầu tiên ở Hà Nội

Nằm ở số 29 phố Hàng Cót (Hà Nội), Trường THCS Thanh Quan khiến nhiều người tò mò bởi hàng chữ tiếng Pháp “École Brieux” khắc trên mặt tiền.

Ngày 6/1/1908, trường nữ sinh tiểu học Pháp - Việt khai giảng buổi đầu tiên ở phố Takou (Hàng Cót) Hà Nội với 178 học sinh. Hai năm sau ngày 12/8/1910, theo đề nghị của Thống sứ Bắc Kỳ, Phủ toàn quyền Đông Dương đồng ý để ngôi trường chính thức mang tên nhà viết kịch người Pháp Brieux (ảnh chụp quyết định đổi tên trường góc trên bên phải).

Trường Brieux trước đó là Nhà hát phố Hàng Cót. Việc cải tạo nhà hát thành trường học được nhà thầu Pées và Chazeau thực hiện năm 1912 và hoàn thành năm 1913. Năm 1926 công trình được mở rộng theo bản vẽ của Charles Lichtenfelder, kiến trúc sư, Chánh Sở Nhà cửa dân sự.

Kiến trúc trường Brieux chịu ảnh hưởng của phong cách Hêbra, có sự kết hợp sáng tạo, hài hòa của kiến trúc hiện đại Pháp với những yếu tố kiến trúc truyền thống bản địa, tạo thành tổ hợp kiến trúc phù hợp với môi trường tự nhiên và xã hội phương Đông.

Theo bản vẽ của Charles Lichtenfelder năm 1923, ô tròn trong ảnh này là chỗ đặt đồng hồ. Ngày nay, chiếc đồng hồ đã không còn, chỉ sót lại dấu ấn phương Đông rõ nét là lưỡng long đắp vẩy sành.

Năm 1948, trường Brieux được đổi tên thành Thanh Quan, tên nữ sĩ Nguyễn Thị Hinh hay thường được gọi là bà Huyện Thanh Quan.

Hiện nay, trường THCS Thanh Quan có diện tích hơn 3.200 m2, với trên 20 phòng học và các phòng chức năng, là trường đạt chuẩn quốc gia đầu tiên trong khối THCS của quận Hoàn Kiếm. 

Phòng học hơn 100 năm vẫn sử dụng tốt. Hiện trường có hơn 1.000 học sinh.

Hành lang với nhiều hệ cửa để lấy sáng đặc trưng của kiến trúc Pháp. Dù không còn giữ được nguyên bản các song sắt, cánh cửa sổ 2 lớp… nhưng kết cấu, vị trí vẫn theo nguyên mẫu của kiến trúc sư Charles Lichtenfelder.

Khu nhà mới xây có sự kết hợp hài hòa với kiến trúc cũ.

Trải qua hơn 100 năm xây dựng và phát triển, Trường nữ sinh tiểu học Brieux xưa và THCS Thanh Quan nay đã có nhiều thay đổi về cơ cấu, phương pháp, hình thức giáo dục. Nhưng dấu ấn kiến trúc của ngôi trường thời Pháp thuộc vẫn còn in đậm.