Thứ ba, 23/4/2024
Thứ hai, 15/6/2015, 08:14 (GMT+7)

Học trò tập làm người lính

Sống trong môi trường quân đội, các chiến sĩ nhí học cách cầm súng, di chuyển qua địa hình địa vật.. Mỗi ngày các em chỉ có 90 giây nghe điện của gia đình. Cha mẹ không được gặp mặt, thăm nom con cho tới ngày kết thúc học kỳ.

Đầu tháng 6, học kỳ quân đội mang tên Học viên sĩ quan trẻ tuổi được tổ chức tại trường Sĩ quan Lục quân 1 (Sơn Tây, Hà Nội). Hàng trăm học viên từ 9 đến 18 tuổi có 8 ngày tập làm người lính ở trong trường cùng các trung đội trưởng, tiểu đội trưởng và cán bộ phụ trách. Trong thời gian đó, các em không được sử dụng điện thoại hay đồ điện tử khác, mỗi ngày chỉ có 90 giây nghe điện của gia đình. Cha mẹ cũng không được gặp mặt thăm nom con cái cho tới ngày kết thúc học kỳ.

 

Nắng nóng khắc nghiệt của vùng Sơn Tây khiến những đứa trẻ đang quen nằm điều hòa ban đầu cảm thấy khó chịu. Buổi sáng, các em phải dậy từ 5h để tập thể dục, sau đó là học các thế võ cơ bản của bộ đội. Nhiều em lóng ngóng, vụng về, chân tay chưa đúng động tác sẽ được các tiểu đội trưởng đi từng hàng để chỉnh đốn, hướng dẫn.

Giờ học gấp quân tư trang, các em được rèn luyện tính gọn gàng, ngăn nắp.

Lớp học tham quan cách làm bếp Hoàng Cầm, loại bếp dã chiến mang tên tiểu đội trưởng nuôi quân sáng tạo ra trong thời kỳ đất nước có chiến tranh.

Ngoài giờ học điều lệnh, đội hình đội ngũ..., các chiến sĩ nhỏ học thêm cách băng bó cứu thương, giải mật thư, chơi các trò chơi quân sự, học hát...

Các em thử bắn lên lửa nước từ bơm xe đạp. Giờ ngoại khóa sáng tạo rèn luyện cho học viên cách làm việc nhóm, tạo môi trường sống tập thể hòa đồng giữa hàng trăm học viên chưa quen biết.

Một phần học không thể thiếu đó là tìm hiểu về lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam.

Đến giờ cơm, cả trung đội tập hợp rồi cùng xuống nhà ăn. Những bữa cơm tập thể, không có những món ăn yêu thích như ở nhà là thách thức với các cậu ấm cô chiêu. Ngày đầu, có em bỏ cơm hoặc ăn rất ít, có em ngồi một chỗ rấm rứt khóc vì nhớ nhà.

Ăn xong, các em tự rửa bát đũa và đi theo trung đội về nghỉ. Giữ gìn vệ sinh sạch sẽ là một trong những yêu cầu cao của quân đội. Không ít trung đội bị cán bộ phụ trách đi kiểm tra thấy nhà vệ sinh bẩn phạt cả đội cùng dọn. Những ngày sau, không em nào dám để nhà vệ sinh bẩn nữa.

Chương trình "đinh" của khóa học vẫn là Ngày hội gia đình - thời gian học về giá trị gia đình, đọc thư ba mẹ gửi cho và dành thời gian viết ra những điều khó nói. Hàng trăm học viên ngồi kín hội trường khóc nức nở, có em lần đầu viết thư cho ba mẹ, nói những lời yêu thương. Phạm Hoàng Anh Đức (lớp 6A6, THCS Nghĩa Tân) tâm sự: "Em từng rất ghét bố mẹ. Em nghĩ họ không yêu thương em khi cả ngày bận rộn. Nhưng khi đọc thư nhà, em không còn nghĩ như thế nữa. Em yêu bố mẹ rất nhiều".

Cán bộ phụ trách chia sẻ câu chuyện về em Nguyễn Trung Đức (lớp 7E1, trường Marie Curie). Đức là cậu học trò ít nói, ít thể hiện cảm xúc, xếp hàng đi ăn hay đi học đều tụt lại cuối. Thông qua hoạt động tập thể, bạn bè đều kéo Đức cùng tham gia. Dần dần, cậu bé hoạt bát, vui tươi hơn và chịu khó chơi cùng các bạn. "Học kỳ quân đội không phải là 'cây đũa thần' để các vị phụ huynh kỳ vọng có thể thay đổi tính cách, lối sống của con em trong một vài ngày nhưng ít nhiều cũng khiến các em tập hình thành nề nếp, thói quen từ những điều nhỏ nhất và nghĩ khác về tình thương gia đình", một cán bộ phụ trách chia sẻ.

Hà Bi - Trần Tùng