Thứ năm, 18/4/2024
Thứ bảy, 29/12/2018, 09:12 (GMT+7)

Cách đối phó với tám hành vi xấu của trẻ

Lặp đi lặp lại một câu hỏi là biểu hiện bình thường trong giai đoạn hoàn thiện kỹ năng nói của trẻ, do đó phụ huynh không nên nổi cáu.

1. Kích động liên tục

Đây là cơn ác mộng tồi tệ nhất của mọi phụ huynh. Đầu tiên, trẻ khóc để đòi thứ chúng muốn, rồi dần mất kiểm soát. Đôi khi bạn không thể tìm cách khiến trẻ ngừng kêu gào. Chuyện thậm chí tồi tệ hơn nếu xảy ra ở nơi công cộng.

Hành vi này có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân sâu xa, chẳng hạn như quá đói hay mệt mỏi về cảm xúc. Khi đã có sẵn nguyên nhân, việc bị bố mẹ từ chối mua món đồ chơi mới khiến cơn kích động bùng phát. Một người trưởng thành có thể đối phó với cảm xúc của mình, nhưng trẻ thì khác, do hệ thống thần kinh chưa phát triển hoàn thiện.

Trong tình huống này, các chuyên gia không khuyến khích phụ huynh nhượng bộ, bởi việc nói hay thu hút sự chú ý của trẻ đều vô ích. Thay vào đó, bố mẹ hãy cố gắng tránh khiến trẻ kích động ngay từ đầu, bằng cách gợi ý cho trẻ làm một việc gì đó thú vị, hoặc để trẻ khóc và tự trấn tĩnh.

2. Không muốn ăn

Trẻ luôn ăn ngon miệng nhưng giờ lại từ chối cả những món yêu thích. Khẩu phần bình thường bỗng trở nên quá nhiều, khiến trẻ để dư đồ ăn trên đĩa.

Chuyện gì đã xảy ra? Các bác sĩ nhi khoa nêu ra một số lý do cho sự chán ăn, gồm mệt mỏi, mọc răng hoặc ham chơi. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cho thấy các món ăn mới có thể khiến trẻ nhỏ sợ và ngại thử. Nếu bạn cố ép trẻ ăn, tình hình sẽ càng xấu đi.

Do đó, phụ huynh không nên ép con ăn nếu con không muốn. Trẻ 2 tuổi đã nhận biết được mình đã no hay chưa. Bạn cũng không nên thay đổi thực đơn đột ngột mà chỉ thực hiện dần dần để giúp trẻ xây dựng mối quan hệ tích cực với thực phẩm.

3. Ném đồ

Trẻ thường xuyên ném bút chì, đồ chơi và nhiều vật dụng khác. Đôi khi, trẻ quăng núm vú giả xuống sàn và khóc cho đến khi bố mẹ nhặt đưa lại cho chúng.

Thứ nhất, hành động bốc đồng này là xu hướng chung của trẻ nhỏ, do chưa thể tự kiểm soát. Thứ hai, ném đồ cũng là một kỹ năng tốt mà trẻ cần luyện tập nhằm phát triển kỹ năng vận động tinh, phối hợp giữa tay và mắt. Thứ ba, khi ném đồ, trẻ học được mối quan hệ nhân - quả (nếu bạn ném nó, nó sẽ rơi xuống).

Phụ huynh hãy cố gắng giải thích cho con vật nào có thể ném và vật nào không thể ném. Trẻ hai tuổi sẽ hiểu và học cách phân biệt.

4. Khóc vô cớ

Hôm nay, bạn không cho phép con xem phim hoạt hình. Thấy con bắt đầu la hét, khóc lóc, bạn bực tức nên đã phạt con. Tuy nhiên, bạn đã không nhớ đến chuyện cho con xem phim liền ba tiếng ngày hôm qua để đỡ bị phiền nhiễu khi bận việc.

Thực tế cho thấy trẻ luôn nắm rõ luật chơi (nếu chúng hứng thú với trò chơi hay trò giải trí đó) và không thể hiểu được vì sao tình hình thay đổi. Do đó, chúng thất vọng khi bạn không thể thỏa mãn nhu cầu của chúng như lần trước.

Giải pháp dành cho phụ huynh là luôn chú ý đến logic khi đặt ra những giới hạn cho trẻ. Đừng thay đổi nguyên tắc chỉ vì bạn lớn hơn nên bạn có quyền. Hãy thiết lập nguyên tắc chung và thực hiện cùng trẻ.

5. Không nghe lời

Buổi sáng, bạn phải đưa con đến nhà trẻ, sau đó đi làm. Tuy nhiên, con bạn không muốn làm theo kế hoạch của bố mẹ mà lại ném đồ ăn sáng đi, chạy, la hét và không muốn đánh răng.

Theo nhà tâm lý học John Gottma, sự nghịch ngợm của trẻ là một lời mời chơi đùa. Đó là cách chúng khám phá thế giới. Trẻ tràn đầy năng lượng khi thức dậy, do đó bạn không nên trách chúng.

Trong tình huống này, phụ huynh nên xem xét lại lịch trình. Bạn có thể cố dậy sớm hơn một chút để dành thời gian chơi với con. Nếu phương án đó không phù hợp, bạn hãy hiểu cho tâm lý của trẻ, để chúng chơi ít nhất 15-20 phút.

6. Thức giấc giữa đêm

Con bạn thường đi ngủ và thức dậy đúng giờ, nhưng có giai đoạn bỗng dưng thức giấc lúc 3h sáng, thậm chí còn khóc lóc. Việc đó xảy ra ngày càng thường xuyên và trở thành thói quen khó từ bỏ.

Rối loạn giấc ngủ xảy ra do cảm xúc và thông tin mới nhận được trong ngày. Nếu một đứa trẻ không muốn ngủ, có lẽ chúng đã trải qua những cảm xúc mãnh liệt vào buổi tối. Đôi khi, việc thành thạo các kỹ năng mới cũng có thể dẫn đến hành vi thái quá. Các nhà tâm lý học trẻ em nghĩ rằng chúng muốn thử các kỹ năng mới tới mức sẵn sàng hy sinh giấc ngủ.

Đầu tiên, phụ huynh cần lập kế hoạch cho mọi việc trong ngày. Nếu trẻ vẫn thức giấc lúc nửa đêm, bạn đừng nổi cáu mà hãy dành vài phút vỗ về, khiến con bình tĩnh và trở lại giường.

7. Lặp đi lặp lại một câu hỏi

Đây là hành vi khiến ngay cả những phụ huynh bình tĩnh nhất cũng phải nổi cáu. Thực chất, trẻ không chỉ lặp đi lặp lại vài từ, chúng mong đợi phản ứng của bố mẹ. Đôi khi, các bà mẹ không thể hiểu trẻ muốn gì, khiến trẻ thất vọng khi không được nghe câu trả lời.

Lặp lại là cách tốt nhất để ghi nhớ cách dùng từ, xem xét sự thay đổi về nghĩa tùy thuộc tình huống và thời điểm. Ngoài ra, trẻ cũng đang tập luyện về ngữ điệu và phát âm.

Phụ huynh cần nhớ đây là một bước trong quá trình hoàn thiện kỹ năng nói, do đó hãy khuyến khích con và nói chuyện với chúng nhiều hơn. Giai đoạn này sẽ sớm kết thúc, nhưng phản ứng tiêu cực của bạn có thể gây ra nhiều vấn đề trong tương lai.

8. Luôn nói không

Một đứa trẻ ngoan ngoãn và trầm tính đột nhiên từ chối mọi thứ bố mẹ đưa cho. Chúng phản ứng cả với những thứ bình thường luôn yêu thích.
Giai đoạn này xảy ra khi đứa trẻ bắt đầu nhận ra chúng có thể tự khẳng định mình (2-3 tuổi). Chúng đã hiểu mình là cá nhân riêng lẻ, không phải một phần của bố mẹ và cố gắng xây dựng vị trí trong gia đình.

Phụ huynh nên kiên nhẫn và cố gắng kìm nén tinh thần nổi loạn của con. Bạn hãy để chúng đưa ra quyết định trong nhiều việc để xây dựng tính tự lập, chẳng hạn chọn quần áo trước khi đến nhà trẻ. Bằng cách này, trẻ sẽ tin tưởng bố mẹ và trở nên tự tin hơn.

Thùy Linh - Theo Bright Side