Tại TP HCM giao dịch cả phiên đạt 1.017 tỷ đồng. Nét đáng chú ý trong phiên này là các cổ phiếu có mức giá dưới 100.000 đồng được mua vào rất mạnh, nhiều mã dư bán bằng 0 như FPC, DHA, CYC, DNP, DCT. Cổ phiếu ngân hàng STB được mua vào rất mạnh, giá tăng lên 121.000 đồng.
Nhóm blue-chip có nhiều cổ phiếu giảm giá, song mức điều chỉnh nhỏ không gây tác động lớn tới VN-Index, FPT giảm 10.000 đồng, PVD giảm 6.000 đồng, GMD giảm 3.000 đồng và SJS giảm 5.000 đồng.
Tại sàn Hà Nội, giao dịch sôi động ngay từ đầu phiên khiến Hastc-Index có một phen tăng điểm ngoạn mục 16,7 điểm. Các mã chủ chốt của sàn đều tăng mạnh như ACB tăng 12.100 đồng, BMI tăng 11.000 đồng, BVS tăng 14.100 đồng, đặc biệt VC2 tăng tới 18.400 đồng. Kết thúc phiên có tới 3,4 triệu cổ phiếu khớp lệnh, giá trị giao dịch đạt 362 tỷ đồng.
Giao dịch cổ phiếu tại Việt Nam tăng mạnh dù tình hình vẫn ảm đạm tại các thị trường chứng khoán châu Á. Tuy nhiên, Phó giám đốc công ty chứng khoán Kim Long Phạm Vĩnh Thành dự báo: "Thị trường chứng khoán có thể điều chỉnh vào khoảng cuối quý II đầu quý III, song mức độ không nhiều như năm 2006".
Ông Thành cho hay, thời điểm đó nhà đầu tư đã nắm được các con số chính thức về tình hình tài chính của doanh nghiệp, các quyết định liên quan đến đại hội cổ đông đã có, hơn nữa trong quý II cũng không có nhiều sự kiện lớn.
Chuyên gia này khuyến cáo nhà đầu tư mua cổ phiếu của doanh nghiệp nào cần có sự lựa chọn, tìm hiểu các chỉ số tài chính, tình hình mua bán của nhà đầu tư nước ngoài. Đặc biệt là phải phân tích, hiện có 2 cách phân tích, thứ nhất là phân tích kỹ thuật (đánh giá các thông tin, các chỉ số theo thị trường), thứ hai là phân tích cơ bản (đánh giá theo số liệu tình hình thực tế của doanh nghiệp).
Việt Phong