Báo cáo của Trung tâm khiếu nại gian lận trên Internet của FBI và Trung tâm tội phạm công chức quốc gia cho thấy, hầu hết đơn khiếu nại đề cập đến các vụ lừa đảo trong đấu giá, thẻ tín dụng và những khoản đầu tư giả mạo.
Trung tâm này thống kê năm ngoái, tổng số tiền mà nạn nhân bị mất trong các vụ gian lận lên tới 54 triệu USD, tăng so với 17 triệu USD của năm 2001.
Jana Monroe, Trợ lý giám đốc FBI phụ trách bộ phận mạng, cho rằng việc ngày càng nhiều người tham gia giao dịch trên Internet sẽ tỷ lệ thuận với các vụ gian lận. Khoảng 80% kẻ lừa đảo là đàn ông và 71% những người viết đơn khiếu nại cũng là phái mạnh (chủ yếu là từ các bang California, Florida, Texas và New York; ngoài ra còn có của các nước Canada, Australia, Anh, Đức và Nhật Bản).
Số tiền trung bình của mỗi vụ lừa đảo trong đấu giá là 320 USD, ăn cắp thông tin cá nhân 2.000 USD và gian lận séc 1.000 USD.
Cũng trong năm 2002, ngoài 48.000 vụ khiếu nại về gian lận trên web, Trung tâm còn nhận được khoảng 37.000 đơn khác phàn nàn về thư điện tử không mời (spam), ảnh trẻ em khoả thân và sự xâm nhập máy tính bất hợp pháp.
Một trong những nhân vật lừa đảo có tiếng trên mạng là Teresa Smith, ở Worcester (bang Massachussett), đã dụ dỗ khoảng 300 người mua máy tính qua Internet và đút túi 800.000 USD. Người đàn bà này bị buộc tội gian lận trên web hồi tháng 12/2002 và đang chờ ngày tuyên án.
Trường hợp khác là Raj Trivedi, sống ở San Diego (California), tháng 12/2002 đã bị kết án 3 năm tù vì tội rao bán máy tính, máy quay video xách tay và các thiết bị điện tử "ảo" khác trên mạng. Hơn 700 người trên thế giới đã bị lừa với tổng số tiền lên tới 922.000 USD.
Thanh Tú (theo AP)