Mức thuế suất hiện nay là 28%. Theo trình bày của Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh tại Quốc hội sáng nay, nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tích lũy, đầu tư phát triển sản xuất và tăng khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực, Chính phủ đề nghị Quốc hội hạ mức thuế suất chung từ 28 xuống còn 25%.
Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP HCM, ông Nguyễn Đăng Trừng, ủng hộ mức thuế suất 25%. "Để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, quan trọng nhất là phải giảm thuế. Những năm đầu có thể làm giảm nguồn thu ngân sách, nhưng những năm sau sẽ dần ổn định do có thêm nhiều doanh nghiệp bỏ tiền đầu tư, phát triển sản xuất", ông Trừng nói.
Đại biểu thảo luận chiều 7/5. Ảnh: H.K. |
Đại biểu Phương Hữu Việt thậm chí cho rằng mức 25% vẫn còn cao, nên giảm xuống 20-22%. "Xu hướng thế giới là đang giảm thuế để khuyến khích đầu tư phát triển, như Nga hiện là 24% và đang nghiên cứu giảm tiếp. Trung Quốc giảm từ 33 xuống còn 25% và kế hoạch còn giảm nữa", ông Việt nói.
Tuy nhiên, nhiều đại biểu bày tỏ băn khoăn trước việc giảm thuế. "Theo mức thuế mới này, tính ra mỗi năm ngân sách nhà nước sẽ giảm 5.000 tỷ đồng. Đất nước đang khó khăn, đói kém, giảm 5.000 tỷ đồng thì lấy gì bù vào", ông Trần Bá Thiều nói.
Theo Bộ Tài chính, thuế thu nhập doanh nghiệp là nguồn quan trọng của ngân sách nhà nước. Không kể thuế thu nhập doanh nghiệp từ dầu khí, nguồn thu này vẫn liên tục tăng: Năm 2003 thu 21.100 tỷ đồng. Năm 2004 thu 24.200 tỷ đồng. Năm 2005 thu 28.700 tỷ đồng. Năm 2006 thu 33.600 tỷ đồng. Năm 2007 thu 39.400 tỷ đồng. |
Đại biểu Nguyễn Văn Hiến cũng chia sẻ băn khoăn Việt Nam đang còn khó khăn, việc giảm từ 28% xuống 25% có nên hay không? "Giảm thì có lợi như mở rộng số lượng người tự nguyện nộp thuế, mở rộng vốn đầu tư, song giảm thấp hơn các nước khác thì không nên", ông nói.
Theo tờ trình của Chính phủ, mức thuế suất trung bình của các nước là 27%, các nước đang phát triển là 29%.
Chi cho nhân đạo không được khấu trừ thuế
Dự luật quy định 14 khoản không được trừ thuế, trong đó có phần chi vượt mức theo quy định của pháp luật có liên quan đến tiền trang phục, tiền ăn giữa ca; các khoản chi trả cho lao động không được quy định trong hợp đồng lao động hoặc thỏa ước lao động tập thể; các khoản tài trợ, trừ tài trợ cho giáo dục.
Chủ tịch Liên đoàn lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng cho rằng đời sống công nhân khu công nghiệp rất khó khăn, bởi thu nhập thấp, phải thuê nhà ở. "Doanh nghiệp lo xây nhà, lo xe đưa đón công nhân thì rất đáng biểu dương, vậy tại sao chi phí này không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế?", ông Tùng bức xúc.
Rất chia sẻ ý kiến trên, đại biểu Huỳnh Thành Lập nói: "Quan điểm của Đảng là chăm lo tới đời sống của công nhân. Nhưng xem ra dự luật này không thể hiện điều đó. Thực sự là tôi không biết ăn nói làm sao khi công nhân hỏi lương thấp, không có nhà để ở, sao Chính phủ không khuyến khích doanh nghiệp xây nhà cho họ?".
Chủ tịch Liên đoàn lao động TP HCM Nguyễn Huy Cận bổ sung thông tin: hiện 70% doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không ghi trong hợp đồng lao động hay thỏa ước lao động tập thể quy định về nhà ở, ăn trưa. "Tôi hỏi, họ trả lời rằng sang Việt Nam theo nhiệm kỳ 3-4 năm, nếu quy định cứng như thế thì rất có thể người kế nhiệm không thực hiện, thế là vi phạm pháp luật", ông Cận kể.
Nhiều đại biểu phản đối việc không khấu trừ thuế đối với các khoản tài trợ, vì sẽ không khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào các hoạt động từ thiện. Trong khi đó nhà nước chưa có đủ điều kiện để thực hiện tốt nghĩa vụ nâng cao đời sống các tầng lớp nhân dân, nhất là đối tượng chính sách.
Dự luật này sẽ được hoàn thiện và dự kiến thông qua tại kỳ họp này.
Ngày mai, Quốc hội sẽ nghe báo cáo về dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam; luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống ma túy và báo cáo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 16/2003 về thí điểm tổ chức, quản lý và dạy nghề cho người sau cai nghiện ở TP HCM và một số tỉnh thành.
Chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận ở tổ về 2 dự luật trên.
Hồng Khánh