Theo VCCI, tiếp cận nguồn vốn để duy trì sản xuất kinh doanh đang là một trong những khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp, khi mà lãi suất cho vay phổ biến ở mức 21%. Hơn 73% tham gia cuộc điều tra của VCCI đều đề cập tới khó khăn này, trong khi ngân hàng vẫn là kênh huy động chủ yếu của doanh nghiệp (chiếm tới 74,47%, sau đố là các quỹ đầu tư với 14,89%).
"Giảm lãi suất cho vay trong thời điểm hiện nay là rất cấp bách. Một mặt nhằm góp phần thiết thực thực hiện các nhóm giải pháp của Chính phủ về ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, và bảo đảm an sinh xã hội, và đặc biệt là tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp", VCCI nhấn mạnh trong văn bản gửi Hiệp hội Ngân hàng.
Tiếp cận vốn vay ngân hàng đang là khó khăn lớn nhất với doanh nghiệp. Ảnh: Hoàng Hà. |
VCCI chỉ ra rằng giảm lãi suất cũng đảm bảo sự phát triển bền vững của các ngân hàng, vì suy cho cùng doanh nghiệp chính là động lực phát triển kinh tế và bảo đảm lợi nhuận cho các ngân hàng thương mại.
Theo phân tích của VCCI, sau giai đoạn thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ, kinh tế vĩ mô đã được cải thiện rất nhiều, thể hiện qua việc lạm phát bước đầu được kiềm chế, chỉ số giá tiêu dùng, nhập siêu và bội chi ngân sách giảm. Ngoài ra, bội thu ngân sách, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng cùng với đó là tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng được cải thiện rõ rệt.
Một số vấn đề vốn là "điểm nóng" những tháng trước như tỷ giá ngoại tệ hoặc giá nhiên liệu, xăng dầu đều đang diễn biến theo chiều hướng tích cực.
Trong 6 tháng cuối năm, nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp là khá lớn với tỷ lệ tương ứng 90,2%, 81,5% và 57,7% với các nhóm doanh nghiệp dân doanh, nhà nước, và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Nhóm chịu ảnh hưởng lớn nhất của việc thiểu vốn là các doanh nghiệp nhỏ do hạn chế về quy mô, nguồn lực, lại thiếu tài sản thế chấp và không chịu được lãi suất cao như hiện nay.
Xuân Hòa