Thứ năm, 25/4/2024
Thứ hai, 30/4/2018, 00:30 (GMT+7)

'Theo cánh hạc bay' - sách ảnh về đàn sếu đầu đỏ ở Kiên Giang

Ấn phẩm kể hành trình 14 năm nhiếp ảnh gia Trương Thanh Nhã theo dõi đàn sếu đầu đỏ ở miền Tây.

Nhiếp ảnh gia - nhà báo Trương Thanh Nhã vừa ra mắt sách ảnh "Theo cánh hạc bay". Ấn phẩm tập hợp những khoảnh khắc anh ghi lại đàn sếu đầu đỏ (còn gọi là chim hạc) ở Kiên Giang từ năm 2000 đến 2014.

Trong 14 năm, tác giả lặn lội ở các đồng cỏ năn - thức ăn chính của hạc - tại Hòn Chông, Rạch Đùng, núi Sơn Trà, núi Huỳnh, núi Bà Tài... 

Sau thời gian gắn bó với đàn sếu, được sự giúp đỡ của người dân địa phương, tác giả nắm được tập tính sinh hoạt, đường đi nước bước của loài chim này. Từ đó, anh nắm bắt những khoảnh khắc đẹp của loài chim quý qua ống kính.

Thanh Nhã chia sẻ việc ngắm cảnh sinh hoạt của đàn sếu là một trải nghiệm quý giá. "Chúng nhảy múa, đùa giỡn với vẻ đẹp quý phái. Những tiếng hót lảnh lót gọi tình sâu lắng. Những vũ điệu bay bổng diệu kỳ với nét đẹp kiêu sa", anh ghi lại trong tuyển tập.

Theo nhiếp ảnh gia, qua thời gian, nơi ăn chốn ngủ của bầy sếu bị nhiều doanh nghiệp, cá nhân chiếm giữ. Môi trường sống thu hẹp, nguồn ăn cạn kiệt, đàn sếu đã bỏ đi. Tác giả cho biết hiện phần lớn bầy sếu sống ở Campuchia chứ không về lại Việt Nam.

Tiến sĩ Trần Triết, chuyên gia nghiên cứu về sếu đầu đỏ, cho biết trước đây Thái Lan từng có rất nhiều sếu. Khi nước này phát triển mạnh về nông nghiệp, sếu bỏ đi. 

Tác giả mong muốn việc bảo tồn đa dạng sinh học được các cơ quan chức năng chú ý hơn, và kỳ vọng đàn sếu trở lại Việt Nam.

Nhiếp ảnh gia, nhà báo Trương Thanh Nhã sinh năm 1947, quê An Giang, sống và làm việc tại Kiên Giang. Anh hiện là hội viên Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam. 

Tam Kỳ