Thứ sáu, 29/3/2024
Thứ năm, 17/10/2019, 07:40 (GMT+7)

Nhan sắc thời son rỗi của Lệ Thủy

Thời trẻ, nghệ sĩ cải lương Lệ Thủy là cô đào ăn khách với khuôn mặt bầu bĩnh, nụ cười duyên và giọng ca được ví như chuông ngân.

Nhân dịp sắp ra hồi ký, Nghệ sĩ Nhân dân Lệ Thủy chia sẻ với VnExpress loạt ảnh thời thiếu nữ của bà. Lệ Thủy năm 15-16 tuổi, lúc mới vào nghề với mái tóc thề xõa ngang vai, khuôn mặt trái xoan, mắt huyền vô ưu.

Lệ Thủy kể, bà đi hát từ năm 11 tuổi. Đến năm 14 tuổi, bà được các hãng đĩa mời thu chung với các thần tượng bà mến mộ từ nhỏ, như: Thanh Nga, Út Bạch Lan, Út Trà Ôn, Hữu Phước, Thành Được, Hùng Cường... Lúc đó, bà còn thấp, phải bắc ghế đứng cao ngang mic khi thu âm cùng các đàn anh, đàn chị. Nụ cười duyên và khả năng nhập vai linh hoạt giúp bà trở thành một trong những cô đào trẻ nhất thời bấy giờ. Giọng hát của bà được nhiều ký giả đương thời ví như tiếng chuông ngân.

Năm 1964, Lệ Thủy là nghệ sĩ trẻ nhất nhận giải Thanh Tâm khi vừa tròn 16 tuổi. Năm đó, bà cùng cố nghệ sĩ Thanh Sang lên bục nhận huy chương vàng.

Thập niên 1970, bà hát chung với Minh Phụng. Cả hai được được báo giới mệnh danh là cặp "sóng thần" của sân khấu cải lương thời vàng son. Từ đây, liên doanh Lệ Thủy - Minh Phụng thành công với nhiều bài ca cổ như "Hoa bông súng" (soạn giả Viễn Châu), "Tháng năm đợi chờ" (soạn giả Viễn Châu, nhạc: Lê Văn Thiện)..., hoặc các tuồng "Xin một lần yêu nhau" (Nguyên Thảo), "Đêm lạnh chùa hoang" (Yên Lang), "Kiếp nào có yêu nhau" (Nguyên Thảo)...

Lệ Thủy, Minh Phụng trong trích đoạn 'Tâm sự loài chim biển'
 
 
Lệ Thủy, Minh Phụng trong trích đoạn 'Tâm sự loài chim biển' (soạn giả: Nguyên Thảo). Video: Youtube.

Lệ Thủy và Minh Phụng trong bìa đĩa "Tháng năm đợi chờ". Lệ Thủy kể thời ấy, cuộc sống của bà chỉ gói gọn trên sân khấu và trong phòng thu. Mỗi sáng, bà đi thu âm hoặc tập tuồng mới cho đoàn, vì diễn đêm nào cũng đông khách nên phải thay tuồng liên tục. Một tuần, bà diễn hết bảy ngày, không nghỉ ngơi, hiếm có thời gian riêng cho bản thân.

Lệ Thủy còn thành danh khi diễn chung với Minh Vương. "Bánh bông lan" (soạn giả Loan Thảo) là bản ca cổ làm nên tên tuổi của liên danh Minh Vương - Lệ Thủy. Gần 60 năm, trong những dịp lưu diễn ở miền Tây, đôi song ca luôn được khán giả yêu cầu trình diễn tác phẩm. Lệ Thủy tiếc vì không còn giữ được ảnh chụp bà và Minh Vương trước năm 1975 vì nhiều băng dĩa, tư liệu của bà đã bị cháy sau một vụ hỏa hoạn.

Minh Vương, Lệ Thủy hát tân cổ 'Bánh bông lan'
 
 
Minh Vương, Lệ Thủy hát tân cổ 'Bánh bông lan' (soạn giả: Loan Thảo). Video: Youtube.

Lệ Thủy trên một bìa đĩa than 45 vòng, cùng nghệ sĩ Minh Cảnh hát các nhạc phẩm của Đức Hiền, Văn Giai. Thập niên 1970, bà mang nét quyến rũ của cô gái ngoài đôi mươi với khuôn mặt bầu, cặp môi trái tim.

Lệ Thủy kể thời trẻ, do mải đi hát, bà rất tệ trong khoản ăn chơi, mua sắm. Bà không biết nhảy đầm - xu hướng của giới trẻ ngày ấy, đi vũ trường lại càng không. "Thỉnh thoảng, tôi được hai chị bạn thân rủ đi ăn uống vào những chiều cuối tuần hiếm hoi rảnh rỗi", bà kể.

Lệ Thủy trên sân khấu Kim Chung - một trong những "đại bang" tuồng cổ thời bấy giờ. Đây là đoàn cuối cùng Lệ Thủy gắn bó trước năm 1975, trước khi tham gia Đoàn văn công Thành phố Hồ Chí Minh, tiếp tục gây tiếng vang với vở diễn "Cây sầu riêng trổ bông" (Hoài Linh - Thiếu Linh), "Đời cô Lựu" (Trần Hữu Trang)...

Trong hồi ký, Lệ Thủy còn chia sẻ về mối tình đầu tiên - cũng là người chồng gắn bó suốt 46 năm qua của bà. Vợ chồng Lệ Thủy có ba người con, trong đó ca sĩ Dương Đình Trí hỗ trợ mẹ lên ý tưởng, sưu tầm tư liệu để thực hiện hồi ký.

Nghệ sĩ Lệ Thủy sinh năm 1948 tại Vĩnh Long. Hoàn cảnh khó khăn, bà từng theo bố mẹ lên Sài Gòn kiếm sống và xin làm việc ở gánh Trâm Vàng (Đồng Nai) khi mới 10 tuổi. Lệ Thủy được hâm mộ qua các tuồng "Tô Ánh Nguyệt", "Pha lê và cát bụi", "Đời cô Lựu", "Đêm lạnh chùa hoang"... Năm 2012, bà được trao danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. Bà là một trong những nghệ sĩ tiêu biểu trưởng thành từ giai đoạn vàng son của cải lương.

Mai Nhật (Ảnh: LT)