Thứ năm, 18/4/2024
Thứ năm, 2/11/2017, 10:38 (GMT+7)

Ngô Thanh Vân hóa cô thợ may trên sàn catwalk

Diễn viên mở màn bộ sưu tập "Cô Ba Sài Gòn" trong sự kiện tối 1/11 ở Hà Nội.

Show của nhà thiết kế Thủy Nguyễn mở đầu bằng tiếng động cơ của máy khâu. Trên sân khấu, Ngô Thanh Vân cặm cụi ngồi may áo dài.

Khi ánh đèn trở lại, cô bắt đầu catwalk với thước dây vắt vẻo trên tay.

Ngô Thanh Vân catwalk ở show Thủy Nguyễn
 
 

 

Khán giả hào hứng khi xem màn trình diễn của Ngô Thanh Vân sau nhiều năm cô giã từ làng mốt để chuyên tâm vào phim ảnh.

Cô bày tỏ tình cảm với nhà thiết kế Thủy Nguyễn (phải) ở cuối show.

Bộ sưu tập tái hiện hình ảnh thiếu nữ Sài Gòn trong bối cảnh thập niên 1960 - một chút dịu dàng, một chút sành điệu. Nhà thiết kế bộc bạch: "Dù là một người con Hà Nội, tôi luôn dành cho Sài Gòn một tình cảm đặc biệt, nhất là lòng si mê sự sành điệu và lối suy nghĩ cởi mở, sẵn sàng đón chào xu hướng mới trong thời trang, kiến trúc và nghệ thuật mà thành phố này luôn ấp ủ".

Các trang phục được thực hiện với kỹ thuật in cao cấp trên nền gấm, bố gấm, giúp các hoa văn đạt được độ chính xác cao. Ngoài ra, nhà thiết kế sử dụng phi lụa, phi dẻo, organza.

Một trong những điểm nhấn không thể bỏ qua của bộ sưu tập là phong cách pop art đặc trưng của thập niên 1960. Nhà thiết kế đặt các mảng màu sắc tương phản, nổi bật cạnh nhau, với ba màu chủ đạo là vàng, đỏ và xanh dương, tạo thành những khối hình học kích thích thị giác.

Gạch bông một thời được sử dụng trong rất nhiều gia đình trở thành họa tiết của trang phục lần này. Đây cũng là họa tiết gắn liền với hình ảnh của Sài Gòn và với chính tuổi thơ của Thủy Nguyễn trong căn nhà cô đã lớn lên. 

Kỹ thuật rã vải công phu là điểm sáng của Cô Ba Sài Gòn. Thoạt nhìn, việc kết hợp các hoa văn khác nhau trên cùng một trang phục có vẻ rất đơn giản. Nhưng nếu quan sát kỹ, người xem sẽ nhận ra mỗi thiết kế trong bộ sưu tập đều được cắt và ghép để tạo thành họa tiết. Như vậy, thời gian sản xuất một mẫu thiết kế sẽ tăng lên, đòi hỏi việc cắt - ghép phải chính xác hơn.

Một số thiết kế đính kết chi tiết bằng tay với nhiều chất liệu khác nhau, từ cườm, kim sa đến gấm, lụa, lụa dẻo… tạo ra các họa tiết nổi trên nền vải.

Ngoài trang phục, nhà thiết kế còn đầu tư phụ kiện như băng đô, kính mắt mèo, giày đế xuồng, giày mũi nhọn đế thấp đậm chất Sài Gòn xưa.

Ý Ly