Lê Văn Nghĩa vừa ra cuốn sách mới nhất có tên: Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài và tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy.
Trong dịp giao lưu với bạn đọc vào cuối tuần qua, tác giả tâm sự, một trong những lý do để viết cuốn sách này là từ chuyến đi về một vùng quê. Tại đó, anh bắt gặp đứa bé cầm chiếc điện thoại thông minh ngồi ở góc nhà và chơi game. Đáng lẽ ở tuổi đó, chúng phải chơi đùa cùng bạn bè và chơi những trò chơi khác. "Tôi từng đọc một câu chuyện của anh Nguyễn Quang Thân về sự cô đơn của người già khi gặp đứa cháu 'chào ông!' xong thì chạy vô cầm ngay điện thoại thông minh. Trong một xã hội văn minh, đôi khi người ta đánh mất sự giao tiếp cần thiết. Mà chính sự giao tiếp ấy tạo nên tính cách và cá tính của mỗi con người", tác giả chia sẻ.
Lê Văn Nghĩa xem viết sách là một cách để giải tỏa những căng thẳng trong cuộc sống và cũng để sống lại một thời tuổi thơ tươi đẹp. Một thời mà đến chiếc radio cũ để nghe còn hiếm hoi nói gì đến điện thoại, và những đứa trẻ giao kết với nhau bằng trò chơi và các mối quan hệ. "Nếu bạn nào bỏ tiền mua sách của tôi mà đọc thấy chán quá, thì nói thật tình, cứ gặp tôi, tôi sẽ gửi lại tiền mua sách cho các bạn. Tôi nghĩ cần có thái độ sòng phẳng với độc giả như thế", anh nói.
Tác giả sinh năm 1953 tại Sài Gòn, là cây bút trào phúng quen thuộc của làng viết. Ở tác phẩm mới, bên cạnh chất hóm hỉnh, hài hước không thể thiếu, trang sách của anh thu hút ở chất liệu dồi dào về một ký ức tuổi thơ tuy đã xa những vẫn còn hiện hữu trong tâm hồn nhiều thế hệ bạn đọc.
Không cần lên gân, không cần cưa sừng làm nghé, truyện dài của Lê Văn Nghĩa đi vào thế giới tuổi thơ một cách thật tự nhiên. Những nhân vật như thằng Minh, thằng Ti, thằng Chim và lũ nhỏ ở xóm nghèo Ba-ra-dô của Sài Gòn những năm 1960 cứ hiện ra cười, đùa giỡn như thể chúng vẫn luôn hiện diện đâu đó và người viết nhấc chúng vào trang sách. Mỗi đứa trẻ, mỗi cảnh đời. Ở mỗi đứa mở ra một thế giới riêng với những mối quan hệ, tình huống. Cái tài của người viết là đã xâu chuỗi những câu chuyện nhỏ ấy vào trong câu chuyện lớn với đầy ắp thông tin, tình tiết và chất liệu sống thực tế phong phú.
Ở những đứa trẻ con xóm nghèo trong truyện Lê Văn Nghĩa người đọc có thể bắt gặp nét ngây ngô đáng yêu đi kèm với sự láu cá, già dặn theo kiểu riêng của trẻ con. Đó là một thằng Minh chuyên nghĩ ra cách để xem "cọp" những bộ phim của chú Hai Ngon - một người làm nghề chiếu bóng thùng dạo trong xóm. Các cuộn phim 8 ly cũ kỹ của chú Hai cùng bộ đồ nghề chiếu phim lạc hậu mang đến thế giới thần tiên cho lũ trẻ với các bộ phim Sạc - Lô, Tạc - Dăng, phim cao bồi Mỹ, Bạch Tuyết và Bảy Chú Lùn. Và cũng chính chú đã trở thành người bạn lớn của thằng Minh. Chú dạy nó những bài học ứng xử với cuộc đời không phải bằng lời giáo huấn mà bằng chính cuộc sống cơ cực, nghèo nàn của chú. "Dẫu hèn cũng thể. Nát vỏ vẫn còn bờ tre", câu cửa miệng của chú đi vào tiềm thức của thằng nhỏ. Để rồi nó nhớ hoài khi chú Hai bỏ đi, để lại thế giới tuổi thơ của thằng Minh, mà lạc đâu đó trên cuộc mưu sinh dài dằng dặc của đời người.
Câu chuyện giữa thằng Ti với ông thầy làm nghề ảo thuật cũng khiến độc giả vừa cười vừa rơi nước mắt. Trong mắt đứa trẻ, "Đại ảo thuật gia" kiêm luôn nghề bán thuốc dạo là một thần tượng. Ông thầy hiểu được điều đó nên dù cuộc đời ông đang "xuống chó" chứ không phải "lên voi", ông vẫn thủ thỉ, chuyện trò, khéo léo hướng nó đi vào con đường học hành.
Cái xóm nhỏ với những tâm hồn tuổi thơ có đứa trong trẻo, có đứa tâm hồn đang dần hiện vết chai vì va chạm với cuộc đời, có đứa ngày chỉ ăn cơm chan nước trà, món chính ăn kèm chỉ cơm cháy cuộn... nhưng ở chúng, người ta bắt gặp những khao khát khám phá cuộc sống. Dẫu vẫn có những trò chơi khăm, giận hờn, hiềm khích.... thế giới trẻ thơ ấy kết lại vẫn là tình bạn đẹp, với tính thiện luôn vượt qua cái xấu xa, ác nghiệt của cuộc sống. Giá trị đạo đức và giá trị cuộc sống được tác giả đề cập khéo léo, nhẹ nhàng, mang đến một cái kết mở đầy cảm xúc cho truyện.
Lê Văn Nghĩa có phong cách ngôn ngữ đối thoại đời thường đậm đặc chất Sài Gòn, giọng kể nhẹ nhàng, tưng tửng của một văn phong miền Tây Nam Bộ. "Đọc truyện của Lê Văn Nghĩa, có cảm giác đọc tác phẩm của một nhà phong tục học. Những sinh hoạt, nghề nghiệp, lời ăn tiếng nói của một vùng đất, một thời đại hiện lên sinh động như một cuốn phim tư liệu. Đọc truyện thiếu nhi của Lê Văn Nghĩa mà có cảm giác như đọc sách biên khảo của Sơn Nam hay Vương Hồng Sển..." (trích Thay lời giới thiệu "Đọc Lê Văn Nghĩa, nhớ Sài Gòn" của Nguyễn Nhật Ánh).
* Tuổi thơ Sài Gòn thập niên 1960 trong sách Lê Văn Nghĩa
Anh Vân