Thứ bảy, 20/4/2024
Thứ ba, 22/9/2015, 11:44 (GMT+7)

10 cuốn sách cũ thu hút độc giả đấu giá ở Sài Gòn

Quyển "Cochinchine" 85 tuổi đời giúp độc giả hiểu vùng đất Nam Kỳ xưa. Còn cuốn sách tiếng Pháp "La musique et le monde" có thủ bút đề tặng của Giáo sư Trần Văn Khê dành cho người phụ nữ ông yêu thương.

Cuối tuần qua, Chợ phiên sách cũ diễn ở TP HCM với điểm nhấn là buổi đấu giá hơn 10 ấn phẩm xưa. Tổng số tiền đấu giá các ấn phẩm, sau khi trừ các chi phí, là hơn 15 triệu đồng, được dùng vào quỹ phục vụ văn hóa đọc cho người khiếm thị. Trong ảnh: cuốn sách tiếng Pháp "La musique et le monde" (tên tiếng Anh là Music and the world), do Nhà xuất bản Actes Sud in năm 1995, thuộc seri sách Babel số 162, nằm trong bộ sưu tập sách của nhà báo Lý Đợi.



Sách tập hợp nhiều tên tuổi trong giới nghiên cứu âm nhạc thế giới như: Françoise Gründ, Laurent Aubert, Habib Hassan Touma, Hsu Tsang-Houei, Jean-Pierre Estival, Marie-Claire Mussat... trong đó có Giáo sư Trần Văn Khê. Ông viết bài La musique vietnamienne à la fin du XXème siècle (Âm nhạc Việt Nam cuối thế kỷ 20), dạng phổ biến kiến thức phổ quát.

Vì sách này bằng tiếng Pháp nên tại Việt Nam ít người mua. Giá ở các quầy sách cũ dao động từ 40 - 100 nghìn đồng một quyển. Tuy vậy, tại phiên đấu giá, nhà báo Lý Đợi đưa số tiền khởi điểm lên đến một triệu đồng vì bản sách của anh có thủ bút của cố Giáo sư Trần Văn Khê.



Ngay trang lót sách là dòng viết tay lá thư ngắn, lời lẽ tha thiết, trìu mến của Giáo sư Khê gửi cho một người phụ nữ (trong ảnh: tên người phụ nữ được tòa soạn che mờ). Lá thư bằng tiếng Việt, viết vào năm 1995. Giáo sư còn tự tay cắt nhiều họa tiết liên quan đến âm nhạc như đàn piano, kèn... và cả hình hai trái tim để dán vào bên cạnh thủ bút.

Cuốn "Việt Nam văn hóa sử cương" của học giả Đào Duy Anh, do Nhà xuất bản Bốn Phương (thi sĩ Đông Hồ thành lập) ấn hành năm 1951. Trải qua 64 năm, cuốn sách vẫn được giữ gìn tốt, bìa áo sách (jacket) mới nguyên. Cuốn này được Giáo sư Toán học Ngô Bảo Châu thắng đấu giá với mức 2,5 triệu đồng.

 

Cuốn sách này là một trong những công trình quan trọng nhất của học giả Đào Duy Anh. Sách bao quát tất cả các mảng sinh hoạt kinh tế, sinh hoạt chính trị - xã hội, và sinh hoạt trí thức, do đó đã tóm tắt, phác họa và minh định được ở chừng mực nào đó lược sử văn hóa của người Việt như một dân tộc, một văn hóa. Đào Duy Anh còn chỉ ra những biến đổi của văn hóa Việt Nam ở thời đoạn Âu hóa, với sự rạn vỡ, hoặc biến đổi của những giá trị cũ và sự lên ngôi của những giá trị mới. Sách hiện vẫn được in lại và bày bán trên thị trường.

Cuốn tiếng Pháp "Cochinchine" (Nam Kỳ) có 85 tuổi đời. Sách do Nhà xuất bản Gastaldy in tại Sài Gòn năm 1931, có rất nhiều hình chụp và hình vẽ chân thực cảnh sinh hoạt, kiến trúc của Nam kỳ lục tỉnh, nhất là các nơi xa như: Vĩnh Long, Sa Đéc, Mỹ Tho, Long Xuyên... Sách cũng thuộc bộ sưu tập của nhà báo Lý Đợi.

 

Sách được in 3.000 quyển, trong đó có 100 quyển đặc biệt, cuối sách có kèm bản đồ khổ A2 với tỷ lệ 1:1.000.000. Đa phần các ấn bản sách cũ này đều mất bức bản đồ, riêng quyển của Lý Đợi còn nguyên bản đồ, rất sáng rõ.

Nhà báo kể anh mua cuốn sách từ tay một đạo diễn với giá 10 triệu đồng. "Đạo diễn ấy làm trợ lý trong một đoàn phim nước ngoài, họ đã nhờ anh tìm mua cuốn này để tham khảo, xong phim họ tặng lại anh", Lý Đợi cho biết. Để tăng cơ hội có thêm người mua, nhằm ủng hộ quỹ sách nói cho người mù, tại buổi đấu giá, Lý Đợi hạ giá khởi điểm sách xuống còn 5 triệu đồng. Nữ doanh nhân Thanh Phượng đã thắng đấu giá cuốn này với giá 10 triệu đồng, bằng với giá của nhà báo mua nhiều năm trước.

"Cochinchine" là cuốn sách quan trọng trong dòng sách Đông Dương, xuất bản nhân cuộc triển lãm thuộc địa Paris năm 1931. Ấn phẩm này cho thấy công phu biên khảo, thực hiện của những người làm sách thời bấy giờ.

Cuốn "Việt Nam phong tục" của học giả Phan Kế Bính, do Nhà xuất bản Bút Việt ấn hành năm 1975. Sách tập hợp các bài viết trên Đông Dương tạp chí (1913-1914). Đây được xem là bộ biên khảo tương đối đầy đủ về các phong tục tập quán cũ của nước Việt.



Là một nhà nho uyên bác mang tư tưởng tân tiến, Phan Kế Bính không chỉ mô tả từng tập tục, mà còn đề cập về gốc tích của tục ấy kèm nhìn nhận, đánh giá điều hay dở, để: "... xét điều gì quá tệ mà bỏ bớt đi, rồi lâu lâu mới đem cái tục hay mà bổ hết cho cái tục dở. Còn tục gì hay mà là quốc túy của ta thì cứ giữ lấy".

Cuốn "Nói với tuổi hai mươi" của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, bản in đầu tiên in năm 1966 của Nhà xuất bản Lá Bối, có cả dấu tặng của Nhà xuất bản.



Cuốn sách là những lời nhắn gửi, chia sẻ đầy tâm huyết của vị thiền sư với thế hệ người trẻ, truyền cho họ sức mạnh tinh thần, sự lạc quan, niềm tin yêu vào cuộc sống.

Cuốn "Vang bóng một thời" của Nguyễn Tuân do Cảo thơm in năm 1963. Sách có triện, bản in trên giấy Registre Superieur, đánh số 62, phụ bản tranh của Thanh Thoát, Lâm Thu.

Đây là tập truyện ngắn, tùy bút nổi tiếng của Nguyễn Tuân với các tác phẩm "Bữa rượu máu" (hay "Chém treo ngành"), "Những chiếc ấm đất", "Thả thơ", "Đánh thơ", "Hương cuội", "Ngôi mả cũ", "Chữ người tử tù", "Chén trà trong sương sớm"...

 

Trong bộ "Nhà văn hiện đại", Vũ Ngọc Phan nhận xét: "Tập truyện đã làm sống lại cả một thời phong kiến đã qua với những nghệ thuật cổ thanh cao, những nếp sống, sinh hoạt xã hội nho phong của một nền văn minh xưa cũ, nó cũng là niềm nuối tiếc của một tâm hồn hoài cổ trước những cái hay, cái đẹp, những nghệ thuật cầu kỳ của một thời đại đã qua, cái thời ấy nay đã chết rồi, chỉ còn để lại một tiếng vang".

Cuốn "Truyện Kiều" của Nguyễn Văn Vĩnh dịch ra tiếng Pháp, do Nhà xuất bản Vĩnh Bảo in năm 1951. Bản này do Nguyễn Giang (con trai cụ Nguyễn Văn Vĩnh) rà soát lại trước khi xuất bản. Sách đóng bìa xưa. Năm 2015 cũng là năm kỷ niệm 195 năm ngày mất của đại thi hào Nguyễn Du

Tập thơ "Đầu xuân ra sông giặt áo" của Nguyễn Nhật Ánh là ấn bản năm 1986 do NXB Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành. Nguyễn Nhật Ánh vốn nổi tiếng với sách dành cho thiếu nhi, tuổi mới lớn. Nhưng anh còn là một nhà thơ với các sáng tác trữ tình, ngôn ngữ thơ đẹp và tươi mới.

"Bác sĩ Aibôlít" là truyện thiếu nhi nổi tiếng, quen thuộc với nhiều độc giả Việt Nam một thời. Sách của tác giả Coóc nây Trucốpxki, Nhà xuất bản Cầu Vồng Mátxcơva ấn hành năm 1984.



Cuốn sách vừa được viết bằng văn xuôi vừa viết bằng truyện thơ này được trẻ em rất yêu thích. Tên ông luôn được các bạn nhỏ Liên Xô thời trước gọi một cách trìu mến là Trucôsa. Và từ tiếng Nga "Aibôlít" (có nghĩa là "Ôi đau quá") đã trở thành danh từ riêng quen thuộc với bạn đọc nhỏ tuổi của cuốn sách.

Cuốn "Miếng ngon Hà Nội" do Nhã Nam ấn hành 2014. Ấn bản không phải sách xưa nhưng nằm trong số 100 bản bìa cứng có jacket in trên giấy Villega tốt, được đánh số từ 1-100 dành cho các bạn đọc thích sưu tầm sách đẹp. Ngoài ra, ấn phẩm còn có 5 bản được in trên giấy Conqueror, ký hiệu từ A-E không bán.

 

Cuốn sách dẫn dắt độc giả vào thế giới ẩm thực dân dã, tinh tế, đậm đà bản sắc đất thủ đô. Trang viết của Vũ Bằng làm sống mãi hương vị của món Cốm làng Vòng, khoai lùi, ngô rang, hay bát phở gà...Những món quà quê, món ăn vặt ấy chứa đựng giá trị ẩm thực đáng quý.

Thất Sơn
Ảnh: Nhã Nam thư quán