![]() |
Chọn một chiếc xe như ý không phải dễ đối với các cua-rơ. |
Ba tháng mâu thuẫn là trọn ba tháng các cuarơ và cả huấn luyện viên Đỗ Thành Đạt bị cắt hoàn toàn chế độ. Những vận động viên được tập trung đội tuyển quốc gia như Nguyễn Nam Cực, Đặng Ngọc Tú còn sống nhờ vào lương đội tuyển. 8 tay đua còn lại chỉ biết ăn cơm nhà. Phương tiện tập luyện của vận động viên cũng bị thu hồi làm ảnh hưởng rất lớn đến phong độ của họ. Đối với các cuarơ xe đạp, tìm một "con ngựa sắt" giúp mình đạt các danh hiệu không phải dễ. Các vận động viên cũng đã ngỏ ý muốn mua lại xe, nhưng Cảng Sài Gòn không đồng ý, gây khó khăn rất lớn đến sự nghiệp thể thao còn lại của họ. Hiện toàn bộ những cua rơ này không được tập luyện. Nam Cực và Ngọc Tú được gọi tập trung tuyển quốc gia, nhưng cũng đành chịu vì không có xe hợp với cỡ người.
Những khúc mắc này không biết vô tình hay hữu ý kéo dài gần ba tháng trời, cho đến khi tới gần các giải thi đấu lớn ban lãnh đạo đội mới tuyên bố giải thể. Do đó, trước mắt, các vận động viên sẽ không được tham dự giải lớn trong năm như: giải Đồng Bằng Sông Cửu Long (khai mạc ngày 23/9), và sắp tới là giải vô địch toàn quốc vào ngày 10/10.
Một vấn đề nữa chính là số tiền 120 triệu/vận động viên mà lãnh đội Cảng Sài Gòn đòi hỏi nếu có đội nào đó ngoài địa phận TP HCM muốn tiếp nhận các vận động viên. Bất cứ ai muốn nhận các cuarơ này thì phải bồi thường 480 triệu đồng (4 tay đua chính), một số tiền không lớn, nhưng theo mọi người là vô lý. Tay đua Nguyễn Nam Cực cho biết: "Chúng tôi đam mê bộ môn này nên chơi tự phát. Chỉ đến khi có thành tích nhất định thì mới được Sở Thể dục thể thao, Công ty Cảng Sài Gòn nhận vào đại diện đua. Họ không trải qua quá trình đào tạo chúng tôi thì làm sao lại lại đòi tiền bồi thường. Nếu như vậy chẳng khác nào gây khó cho chúng tôi và cả cho những đội muốn tiếp nhận chúng tôi". Trước dó, trong giai đoạn "mặn nồng", lãnh đạo đội từng hứa tặng hẳn chiếc xe đạp cho Nam Cực, nhưng khi mọi việc kết thúc thì lời hứa đó cũng theo gió bay mất. Những lời hứa theo kiểu gió bay như thế cũng là một phần gây ức chế với các tay đua dẫn đến cuộc chia tay này.
Ông Phan Quý Bách, Tổng thư ký liên đoàn môtô xe đạp TP HCM nói: "Các vận động viên phải tự chịu trách nhiệm vì không chịu ở lại đội Cảng Sài Gòn. Mặc dù không đào tạo, nhưng chúng tôi sẽ không dễ dàng để các tay đua này ra đi mà không phải bồi thường". Tất cả 10 cựu thành viên của đội xe đạp Cảng Sài Gòn và huấn luyện viên Đỗ Thành Đạt chỉ có thể trở lại "nghiệp" mà mình đã chọn khi giải quyết những vấn đề tồn đọng với cơ quan chủ quản cũ, và Sở Thể dục thể thao TP HCM. Đòi 120 triệu tiền bồi thường công đào tạo, nhưng khi thanh lý hợp đồng, huấn luyện viên và các tay đua rất bất ngờ với số tiền chế độ còn lại mà họ được hưởng: huấn luyện viên trưởng Đỗ Thành Đạt được 1,8 triệu đồng trong 9 năm cống hiến, Lưu Quốc Vinh được 900.000 đồng...
Hãng phim tư nhân Dofilm tuyên bố sẵn sàng tiếp nhận cả đội đua, nhưng với điều kiện họ không còn vướng mắc với đội đua cũ. Ông Đỗ Quang Minh, Giám đốc Dofilm nói: "Nếu mọi vấn đề hợp đồng giữa Cảng Sài Gòn với các tay đua đã xong thì chúng tôi sẵn sàng đứng ra bảo trợ đội, nhằm đưa các vận động viên nhanh chóng trở lại tập luyện và thi đấu". Ông Minh cũng cho biết sẽ tạo điều kiện tối đa cho các cuarơ về kinh tế và phương tiện tập luyện, thi đấu. 10 vận động viên sẽ được lĩnh mức lương tùy thuộc vào trình độ: 5, 4 và 3 triệu đồng/tháng. Thậm chí, hãng sẽ bố trí việc làm phù hợp cho các vận động viên khi giải nghệ. Với nhiều mối quan hệ trong lĩnh vực kinh tế của mình, Dofilm cũng có kế hoạch kêu gọi nhà tài trợ hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa cho các tay đua giúp họ an tâm cống hiến.
Nguyễn Tuấn