Một nông dân Phước Hải trên ruộng rau an toàn của mình. Ảnh: Ratphuochai.com.vn. |
Tiến sĩ Ngô Kiều Oanh, Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam, cho biết hiện nay Việt Nam chỉ mới xây dựng quy trình sản xuất rau an toàn mà chưa có cách để kiểm soát xem quy trình ấy có được thực hiện đúng hay không. Các khâu canh tác của nông dân không được theo sát, sản phẩm đưa ra thị trường cũng dễ dàng bị người buôn trộn lẫn với rau bẩn, thậm chí nhiều nơi bán rau bẩn dưới mác rau sạch. Khách hàng không có cách gì để biết chắc rau mình mua có an toàn thật không, trừ khi cơ quan chức năng lấy mẫu kiểm tra - một việc không thể tiến hành thường xuyên và rộng khắp.
Bà Oanh đã xây dựng một mô hình kiểm soát chất lượng rau an toàn, trong đó từng khâu từ sản xuất đến tiêu thụ đều được giám sát chặt chẽ bằng một quy trình điện tử. Người tiêu dùng sẽ là một chủ thể tham gia vào quá trình đó: Thay vì thụ động do nghi hoặc như hiện nay, họ có thể kiểm tra để biết chắc xuất xứ của rau.
"Từ mã vạch in trên túi rau, người dân có thể tra được 'lý lịch' của nó, biết nó trồng ở đâu, bởi nông dân nào. Trên bao bì cũng có những ký hiệu mã hóa được thay đổi thường xuyên giúp tránh tình trạng hàng giả" - tiến sĩ Oanh nói.
Tại hợp tác xã Phước Hải (huyện Tân Thành, Bà Rịa Vũng Tàu), nơi duy nhất đang áp dụng mô hình mới này, người trồng rau được yêu cầu ghi thường xuyên các thông số như ngày trồng, ngày tưới, tưới cái gì, hiện trạng của rau... và thông tin này được nhập vào hệ thống quản lý điện tử để theo dõi. Hợp tác xã cũng thường xuyên kiểm tra và lấy mẫu thử. Rau từ ruộng được đưa thẳng vào nơi sơ chế, rửa, sục nước ôzon rồi đóng gói, đóng mã vạch trước khi giao hàng.
Thông tin về từng loại rau, từng gia đình trồng rau được cập nhật thường xuyên lên website của hợp tác xã. Trang web cũng cung cấp mã vạch từng loại rau của mỗi hộ để người tiêu dùng có thể tra cứu. Với cách này, các hộ trồng rau buộc phải đảm bảo an toàn cho sản phẩm của mình bởi chất lượng thực sự đi kèm với quyền lợi kinh tế. Mặt khác, họ cũng không có động cơ để gian dối vì việc tiêu thụ rau hoàn toàn do hợp tác xã lo liệu.
Theo tiến sĩ Oanh, nếu tất cả các vùng trồng rau an toàn đều áp dụng cách quản lý trên, nguy cơ rau bẩn bị trà trộn sẽ giảm tối đa. Tuy nhiên, việc phổ biến quy trình cần có sự đầu từ của Nhà nước để chuẩn bị cơ sở vật chất, tập huấn cho nông dân. Mặt khác, Nhà nước cần có quy định chặt chẽ đối với rau an toàn, yêu cầu sản phẩm đưa ra thị trường phải có bao bì nhãn mác ghi rõ xuất xứ, những cơ sở vi phạm sẽ bị phạt.
Hải Hà